Thực tế cho thấy, vì nhiều lý do mà không phải tất cả những người bị tai nạn lao động và gia đình họ đều được hưởng khoản đền bù sau tai nạn lao động, chưa kể cuộc sống sau tai nạn lao động là vô cùng khó khăn nên nhu cầu về bảo hiểm tai nạn lao động là nhu cầu có thực và các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã tính đến điều này.
Tại điểm c khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội khoá XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 quy định “Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định”; “Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, chính phủ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện”. “Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện” có thể tổ chức dưới 2 hình thức là bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thương mại.
Việt Nam hiện chưa có bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động. Vì vậy, để triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động, nhằm đồng bộ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội theo Điều 34, 59 Hiến pháp năm 2013, việc ban hành Nghị định quy định bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là cần thiết.
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Theo đó, Bộ đề xuất hàng năm ngân sách hỗ trợ khoảng 700 tỷ đồng cho một số người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 80% chi phí đóng bảo hiểm, những người lao động khác được hỗ trợ 30%.
Khu vực bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu nhập, tiền lương người lao động không cố định nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức đóng thiết kế mức đóng cố định như nhau với mọi đối tượng, dự kiến mức đóng hàng tháng với mỗi người lao động là 4% mức lương cơ sở. Các chế độ bảo hiểm tự nguyện về tai nạn lao động cũng được xác định theo mức lương cơ sở. Theo thống kê bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2016, trong một năm, mức đóng bình quân một người là 482.400 đồng, tương đương mỗi tháng khoảng 3,3% mức lương cơ sở.
Dự thảo quy định bốn phương thức đóng cho người lao động lựa chọn là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Quy định này dựa trên cơ sở tham khảo quy định đối với đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm tự nguyện hưu trí, tử tuất. Dự thảo quy định 7 chế độ mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng gồm: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; chế độ trợ cấp một lần, hàng tháng, phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; dưỡng sức và phục hồi sức khỏe; hỗ trợ chi phí y tế; hỗ trợ thông tin phòng ngừa tai nạn lao động. So với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì các chế độ của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động được kết cấu tương tự 4 chế độ, bổ sung mới 1 chế độ và sửa đổi 2 chế độ.