(LĐ online) - Đầu năm 2010, cùng với việc tổ chức Festival Hoa lần thứ 3, thành phố Đà Lạt được chính thức công nhận là thành phố Festival Hoa, thì làng hoa Thái Phiên cũng được chính thức công nhận là “Làng nghề trồng hoa truyền thống”. Trải qua một năm được tôn vinh với nhiều cơ hội, thách thức và trách nhiệm, những ngày chuẩn bị đón năm mới này, làng nghề trồng hoa truyền thống Thái Phiên càng thêm rộn ràng…
Thăng trầm làng hoa Ấp Thái Phiên… được thành lập vào những năm 1955-1957, bởi những người dân du cư từ vùng Xuyên Khoảng (Lào), Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế… chọn Đà Lạt để lập nghiệp nhờ khí hậu ôn hoà và đất rộng, người thưa... Ban đầu, những người dân mới định cư sống bằng nghề trồng rau, cây ăn trái… Họ trồng hoa với mục đích trang trí nhà cửa và bổ sung thu nhập… Sau, nhờ vận dụng khả năng thích nghi về thổ nhưỡng và khí hậu…, cùng với việc du nhập của các giống hoa từ Pháp, nghề trồng hoa ở Thái Phiên phát triển nhanh với nhiều chủng loại, như: hoàng anh, layơn, magarite, gerbera, cúc đỏ, cẩm tú cầu, hoa hồng... tạo nên một nghề sản xuất, một nguồn cung cấp hoa cho Sài Gòn, Campuchia và nổi tiếng khắp miền Nam.
Đà Lạt nhìn từ Thái Phiên |
Sau ngày thống nhất đất nước, cuộc sống của nhân dân khó khăn, nhu cầu thưởng thức về hoa bị lãng quên, nên việc sản xuất hoa cũng dừng lại, người trồng hoa đã chuyển phần lớn diện tích sang trồng các loại rau xanh và cây lương thực phục vụ nhu cầu đời sống thiết yếu… Vì thế, hơn 10 năm, người dân chỉ còn trồng hoa quanh nhà, hoặc tận dụng những diện tích nhỏ để trồng chơi vài khóm hoa… Mãi đến gần năm 1990, nghề trồng hoa mới có điều kiện phát triển dần trở lại cả về diện tích, sản lượng và chủng loại hoa, nhưng chỉ với quy mô nhỏ lẻ… Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Chủ tịch UBND phường 12 cho biết, vào thời điểm ấy, phần lớn diện tích đất Thái Phiên vẫn được dùng để trồng rau và atisô. Nhưng đến nay, có tới 90%, khoảng 1000 hội viên sản xuất kinh doanh hoa. Từ năm 1998 đến nay, với việc ứng dụng các công nghệ tiến tiến trong canh tác nông nghiệp như: sử dụng nhà che plastic, hệ thống tưới tiêu nước tự động, các quy trình chăm sóc hoàn chỉnh… diện tích trồng hoa trong nhà kính ở Thái Phiên có bước tăng trưởng đột biến từ 30 ha tăng lên 250 ha, với nhiều giống hoa mới được trồng như: Garbera, layơn, cẩm chướng, lys, cát tường… Nhiều hộ chuyên canh hoa đạt doanh thu tới 500 - 550 triệu đồng/ha/năm, có hộ đạt 700-800 triệu. Lương của những người lao động đạt 1,2-2 triệu đ/người/tháng. Trăn trở người trồng hoa Những người nông dân làng hoa Thái Phiên cho biết, khó khăn nhất của họ là nguồn nước, đặc biệt vào mùa khô. Trước đây, đã có dự án nâng đập Thái Phiên cao hơn mặt đập hiện tại 6m. Nếu dự án đập Thái Phiên được hoàn thành, sẽ có đủ nước tưới cho 436 ha rau hoa. Đây là mơ ước bao lâu nay của người dân làng hoa Thái Phiên, bởi có nguồn nước phong phú, không chỉ nâng cao được năng suất lao động, mà vùng đất này còn có một hồ sinh cảnh rất đẹp. Ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 đề xuất: Chính quyền tỉnh, thành phố sớm có những hỗ trợ cụ thể trong quy hoạch vùng chuyên canh rau, hoa. Ngoài nguồn nước, người dân làng hoa mong muốn được nhà nước hỗ trợ vốn và có những hợp đồng cung cấp hoa ổn định… Mỗi năm, sản lượng hoa ở Thái Phiên khoảng 300 triệu cành/năm, tiêu thụ khắp nước, nhưng chỉ có khoảng 5% sản lượng tham gia vào thị trường xuất khẩu? Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tay nghề truyền thống khiến người trồng hoa Thái Phiên nói riêng và người trồng hoa Đà Lạt nói chung có những thế mạnh khác biệt. Nông dân Đà Lạt được coi là nhạy bén, hiểu biết thời cuộc, đúc kết được nhiều kinh nghiệm sản xuất, nắm bắt được kỹ thuật và biết vận dụng sáng tạo vào điều kiện tự nhiên của địa phương… họ đã tạo được những bông hoa đẹp và đồng đều về hình dáng, hấp dẫn về màu sắc và mùi hương... Nhưng, đấy mới chỉ là điều kiện cần để các loài hoa sinh trưởng và tạo nên hương sắc, vẫn còn thiếu rất nhiều điều kiện khác để bảo đảm sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng vẫn tươi đẹp như khi vừa thu hái. Để làng hoa phát triển bền vững… Cùng đi thăm làng hoa với lãnh đạo phường 12 và nhìn ngắm những vườn hoa đang kỳ khoe sắc đón xuân, gặp những người nông dân đang nâng niu những cành hoa vừa được thu hái, chúng tôi cảm nhận những cơ hội, thách thức cũng như trách nhiệm của một làng nghề trồng hoa truyền thống.
Lãnh đạo P12 đi thực tế làng hoa |
Đứng trên núi Hòn Bồ, nơi dự án trồng cây dược liệu của Công ty Trà Ngọc Duy đang được thực hiện, một Thái Phiên trong mơ ước của Bí thư Đảng uỷ phường 12 – ông Hồ Minh Châu, hiện ra thật lãng mạn: Thấp thoáng trong rừng thông là những khu biệt thự nghỉ dưỡng; ven hồ là những mảng nhà lồng rực rỡ sắc màu của các loài hoa; trên mặt hồ là những chiếc thuyền nhỏ chở đầy hoa cúc, hoa lily, những giỏ atiso, trâm anh…; tiếp nối là toàn cảnh Thái Phiên với phần lớn diện tích là nhà kính trồng rau - hoa; xa hơn, Đà Lạt gần như trọn vẹn, từ Nam Hồ (P11) đến Nguyên Tử Lực (P8), rồi tháp chuông Nhà thờ Con Gà, Đại học Đà Lạt, Núi Bà… Thật ra, khung cảnh này chỉ còn thiếu một điểm nhấn dưới chân núi Hòn Bồ - đó là hồ nước lớn. Sau 55 năm hình thành và phát triển, làng trồng hoa Thái Phiên đã trở thành một vùng sản xuất hoa tập trung, với quy mô sản xuất hàng hóa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nay có điều kiện để phát triển hơn nữa, xứng đáng với niềm tự hào của người dân Thái Phiên từ khi lập ấp – Thái Phiên là thái bình, trấn giữ cho cả một vùng Đà Lạt đang lớn mạnh. Con đường hơn 2 km qua núi Hòn Bồ, nối địa phận phường 11 với đường tỉnh lộ 723 (Đà Lạt – Khánh Vĩnh) được hoàn thiện đầu năm 2010, giúp Thái Phiên gần hơn với tuyến giao thông nối Đà Lạt – Tp.HCM, Sân bay Liên Khương… Và nhờ đó, không những sản phẩm của làng hoa truyền thống Thái Phiên đến nhanh hơn với các tỉnh duyên hải miền Trung, các tỉnh phía Nam, các tỉnh phía Bắc… mà còn tạo nên một góc nhìn tuyệt đẹp về Đà Lạt từ Thái Phiên.
Lê Hoa