Thái Lan: Mịt mờ tương lai của Hiến pháp mới

Mẫu máy bỏ phiếu sẽ được dùng cho cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp
Mẫu máy bỏ phiếu sẽ được dùng cho cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp
(PLO) - Khoảng 50 triệu cử tri Thái Lan đủ điều kiện sẽ quyết định về tương lai của bản dự thảo Hiến pháp mới nhất của nước này, được cho là điều thiết yếu trong lộ trình dẫn tới một cuộc tổng tuyển cử mới. Tuy nhiên, kết quả chưa chắc chắn vì các cuộc thăm dò cho thấy mặc dù có sự hậu thuẫn, vẫn có tới 60% cử tri chưa quyết định ủng hộ hay phản đối trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay – Chủ nhật (7/8).

Quân đội Thái Lan lên cầm quyền kể từ năm 2014 và đã kiểm soát chặt chẽ việc tranh luận về dự thảo Hiến pháp. Hiện có nhiều đồn đoán cho rằng Hiến pháp mới sẽ cắt giảm các dịch vụ y tế công, nhưng tất cả đã bị chính phủ bác bỏ. Trong những tuần gần đây, quân đội đã cho phép thảo luận về Hiến pháp trên Đài truyền hình của Nhà nước TPBS.

Tranh luận quanh dự thảo Hiến pháp

Chính quyền quân sự đã thúc đẩy người dân đi bầu, nhưng các nhà phân tích nói rằng có ít cử tri đọc hết 279 điều khoản của Hiến pháp trước khi trả lời “Có” hay “Không”. Ông Gothom Arya, một cựu thành viên thuộc Ủy ban Bầu cử và là giảng viên đại học, nói rằng người dân không có đủ thông tin về Hiến pháp vì các cuộc tranh luận bị giới hạn. Quân đội đã áp dụng luật hậu thuẫn trưng cầu dân ý để hình sự hóa những người vận động bỏ phiếu “Không” bằng cách phạt tiền và giam giữ tới 10 năm.

Dự thảo Hiến pháp nếu được thông qua, đề nghị quy định kiểm soát chặt chẽ hơn việc bầu các chính trị gia trong Hạ viện gồm 500 thành viên và 250 thành viên được chỉ định trong Thượng viện gồm những lãnh đạo quân đội chính trong thời gian 5 năm chuyển tiếp đã gây ra chỉ trích. Hai viện Quốc hội sẽ bầu tân Thủ tướng, chứ không phải do đảng chiếm đa số trong Hạ viện bầu ra.

Ông Kraisak Choonhavan, một đảng viên của đảng Dân chủ và là cựu Thượng nghị sĩ, cho rằng: “Việc chỉ cho phép thảo luận hạn chế trên truyền hình với 3 hay 4 người thảo luận về dự thảo Hiến pháp sẽ gây nên phản ứng dữ dội của công chúng và người dân cuối cùng sẽ không tham dự cuộc trưng cầu dân ý. Làm thế nào ta có thể bỏ phiếu nếu ta không biết bỏ phiếu cho cái gì và không ai biết nội dung của dự thảo Hiến pháp này?”.

Đảng Dân chủ, đảng lâu đời nhất của Thái Lan, không ủng hộ dự thảo Hiến pháp. Ông Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo của đảng này, nói rằng Hiến pháp mới sẽ không chấm dứt xung đột chính trị vốn đã ảnh hưởng đến Thái Lan trong thập niên qua vì người dân ít có vai trò trong chính quyền.

Đảng Pheu Thai, được cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra và gia đình ông hậu thuẫn, cũng kêu gọi cử tri bác bỏ dự thảo Hiến pháp. Ông Samarn Lertwongrath, một nhân vật cao cấp trong đảng Pheu Thai, nói rằng những cuộc thăm dò của đảng cho thấy một kết quả không mấy cách biệt trong cuộc bỏ phiếu. Ông Samarn nói: “Theo các cuộc thăm dò của chúng tôi, kết quả cuộc trưng cầu dân ý rất sít sao”.

Ông Panitan Wattanayagorn, một nhà khoa học chính trị và cố vấn cho chính phủ, cho rằng quần chúng ủng hộ Hiến pháp và tỏ ra dè dặt sau nhiều năm xáo trộn chính trị. Các nhà phân tích nhận định quân đội muốn duy trì ảnh hưởng nhằm đưa đất nước trải qua thời kỳ thừa kế vương quyền trong Hoàng gia vì sức khỏe của Nhà vua Bhumipol Adulyadej được dân chúng tôn sùng đang suy yếu.

Thủ tướng lâm thời của Thái Lan Prayuth
Thủ tướng lâm thời của Thái Lan Prayuth

Phân cực

Nhà lãnh đạo cuộc đảo chính, tướng quân đội Prayuth Chan-ocha, người chiếm quyền lực từ năm 2014, hứa hẹn sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2017 - nhưng chỉ sau khi Hiến pháp mới được thông qua. Tuy nhiên, bước đi tiếp theo này chắc chắn không phải là “sự đã rồi” bởi một lần nữa Thái Lan bị phân cực khi nhiều người lo sợ ông Prayuth và các đồng sự của ông sẽ lại chi phối chính phủ. 

Được công bố hồi tháng 3/2016, bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được ca ngợi như một sắc lệnh chống lại căn bệnh tham nhũng bao trùm chính trường Thái Lan. Cụm từ “tham nhũng” được nhắc tới không dưới 46 lần trong bản dự thảo, với những tuyên bố mạnh mẽ về các điều luật cơ bản và cơ chế nhằm “ngăn chặn mạnh mẽ và bài trừ tham nhũng và sự quản lý yếu kém”, cũng như trao nhiều quyền quyết định cho Ủy ban Phòng chống Tham nhũng Quốc gia được Nhà vua bổ nhiệm. 

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng việc thông qua bản dự thảo Hiến pháp này sẽ củng cố sự bám trụ quyền lực của chính quyền quân sự, cho phép họ vẫn có tiếng nói lớn trong chính phủ ngay cả khi họ rời bỏ vị trí đó. Hiến pháp mới sẽ cho phép quân đội có cơ hội được đề cử ứng cử viên của riêng họ vào vị trí Thủ tướng và cho phép họ được tham gia và giải tán Quốc hội khi cần.

Trước thềm cuộc trưng cầu dân ý, lệnh cấm vận động hành lang đã được ban hành, hay cụ thể hơn là cấm vận động bỏ phiếu “Không”. Truyền thông Thái Lan đã bị đe dọa đóng cửa dưới chiêu bài “bảo vệ an ninh quốc gia”, và đến nay không dưới 113 cá nhân đã bị khởi tố vì lên tiếng phản đối hoặc chỉ trích bản dự thảo Hiến pháp mới này. Sor Rattanamanee Polkla, luật sư hoạt động vì nhân quyền tại Trung tâm Nguồn lực Cộng đồng ở Bangkok, nói: “Chính phủ đã tìm cách kiểm duyệt ý kiến xung quanh bản dự thảo Hiến pháp bằng cách bắt giữ và buộc tội những người phản đối theo Luật Trưng cầu dân ý… Họ không cho phép những người bất đồng chính kiến được tiến hành vận động”.

Việc đưa tin về cuộc trưng cầu dân ý cũng không được khuyến khích. Ngày 22/7, kênh truyền hình Peace TV trung thành với phe Áo đỏ đối lập đã bị ra lệnh ngừng phát sóng trong 30 ngày. Ủy ban Phát sóng và Truyền thông Quốc gia cáo buộc kênh truyền hình này đã “phát đi thông tin gây rối loạn, khiêu khích, kích động xung đột và gây chia rẽ”.

Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan công bố dự thảo Hiến pháp mới
Ủy ban soạn thảo  Hiến pháp Thái Lan công bố dự thảo Hiến pháp mới

200.000 cảnh sát bảo vệ ngày trưng cầu ý dân

Chính phủ và cảnh sát Thái Lan thông báo sẽ triển khai khoảng 200.000 cảnh sát nhằm đảm bảo an ninh trong ngày Chủ nhật – 7/8 khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp mới. 

Trong cuộc trưng cầu ý dân này, người dân Thái Lan sẽ đưa ra quyết định của mình về bản dự thảo Hiến pháp do quân đội bảo trợ, dày 105 trang với 279 điều khoản này được kỳ vọng là giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài một thập kỷ qua. Nếu dự thảo Hiến pháp được thông qua, tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/2017.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mà Đại học Bangkok vừa công bố, gần 90% số người được hỏi nói rằng họ có ý định đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới của Thái Lan và gần một nửa số người nói rằng họ sẽ chấp nhận văn kiện này. Bất chấp kết quả thăm dò trên, các chuyên gia phân tích nhận định khả năng dự thảo Hiến pháp bị bác bỏ là khá cao do có đến gần 50% dân số Thái Lan (tức khoảng 30 triệu người) sống ở vùng Đông Bắc và phần lớn được cho là chịu ảnh hưởng của lực lượng Áo Đỏ, vốn đã tuyên bố phản đối dự thảo Hiến pháp. Đặc biệt, mới đây Chủ tịch đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Veijjajiva tuyên bố phản đối dự thảo Hiến pháp cũng cho thấy đã có sự phân hóa trong lực lượng bảo hoàng và phe Áo Vàng.

Các điểm bỏ phiếu sẽ được mở cửa vào lúc 8h sáng và đóng cửa vào lúc 4h chiều. Kết quả bỏ phiếu không chính thức tại Bangkok sẽ được thông báo vào lúc 8h tối cùng ngày trong khi kết quả không chính thức toàn quốc sẽ được công bố sau đó 1 giờ. Dự kiến kết quả chính thức sẽ được công bố sau đó 3 ngày.

Tương lai khó đoán

Tại Thái Lan, cả Thượng viện và Hạ viện của Thái Lan đã bị giải tán sau cuộc đảo chính năm 2014; Thượng viện lúc đó gồm 150 nghị sĩ. Hiến pháp mới nếu được thông qua sẽ cho phép thành lập một Thượng viện mới gồm 250 thành viên, tất cả trong số đó ban đầu sẽ được chính quyền quân sự chỉ định.

Mặc dù Hạ viện sẽ tiếp tục gồm 500 nghị sĩ theo Hiến pháp 2016, nhưng sức mạnh tập thể của một Thượng viện thân quân đội này có thể chống lại bất kỳ đảng phái chính trị chiếm đa số nào trong một Quốc hội lưỡng viện, để ngỏ cơ hội Thái Lan có một Thủ tướng không qua bầu cử - mà trên thực tế sẽ là một tướng quân đội hoặc một đồng minh của quân đội.

Một vài học giả cho rằng, nếu cuộc trưng cầu dân ý không cho kết quả đa số phiếu tán thành, một số câu hỏi ngay lập tức sẽ được đưa ra: Tiêu chí nào sẽ được áp dụng cho bản Hiến pháp mới? Ai sẽ là người soạn thảo Hiến pháp mới? Thời gian hoàn thành sẽ là bao lâu? Liệu các cuộc bầu cử có bị trì hoãn vô thời hạn khi tiến trình này kéo dài?

Kavi Chongkittavorn, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Bangkok, cho rằng dù kết quả của cuộc trưng cầu dân ý có như thế nào đi chăng nữa, nền kinh tế Thái Lan sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông nói: “Khu vực kinh tế tư nhân Thái Lan đã quá quen với các bất ổn chính trị. Thị trường chứng khoán sẽ phản ứng với triển vọng lâu dài của nền kinh tế Thái Lan, chứ không phải với các triển vọng trong ngắn hạn”.

Bởi vậy, đối với Thủ tướng lâm thời Prayuth và các đồng minh, bất kỳ kết quả nào cũng sẽ là ván bài thắng lợi: hoặc là họ được người dân Thái Lan công nhận, hoặc là họ vẫn nắm quyền kiểm soát trong tương lai gần trong khi Thái Lan đang vật lộn với cuộc khủng hoảng Hiến pháp... 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.