Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 549/QĐ-TTg. Để đạt được đến kết quả đáng mừng này, cả hai trường phải trải qua một chặng đường khá dài.
TS Phan Chí Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội - trao đổi xung quanh những vấn đề cũng như những giải pháp thực hiện mà Nhà trường sẽ tập trung để triển khai hiệu quả Đề án này.
Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất
- Xin ông cho biết ý nghĩa của việc “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế?
- Trước hết phải nói rằng đây là một sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lịch sử phát triển của hai cơ sở đào tạo pháp luật lớn nhất của đất nước ta. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể, một lần nữa khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đến hoạt động đào tạo cán bộ pháp luật, nhằm cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đẩy mạnh Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hội nhập quốc tế.
TS Phan Chí Hiếu - Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội |
Đối với hai Trường Đại học Luật thì việc Đề án được phê duyệt sẽ tạo điều kiện tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại; phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh; hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo nhằm tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo, từng bước mở rộng quy mô đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và toàn xã hội.
Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án còn tạo ra động lực mới cho tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của từng trường quyết tâm phấn đấu xây dựng Trường mình thành trường trọng điểm của quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật.
- Đề án đã đưa ra mục tiêu tổng quát và rất nhiều mục tiêu cụ thể tương ứng với từng giai đoạn. Nhưng để khái quát nhất thì theo ông, đâu là mục tiêu nổi bật đối với Trường Đại học Luật Hà Nội?
- Mục tiêu nổi bật nhất đối với Trường Đại học Luật Hà Nội là tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị hiện đại, tiên tiến, ưu tiên xây dựng hệ thống hội trường, phòng học đa năng, thư viện hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý.
Cơ sở vật chất kỹ thuật hiện nay của Trường còn nhiều khó khăn; khuôn viên khá nhỏ, không có khu rèn luyện thể chất cho sinh viên. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Trường đang tích cực liên hệ xin đất để xây dựng cơ sở 2, ngoài cơ sở hiện nay tại số 87 Nguyễn Chí Thanh. Đề án được phê duyệt sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho việc liên hệ xin đất và tiến hành các thủ tục để lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 cho Trường.
Còn giảng viên mang tư tưởng “chân trong, chân ngoài”
- Trường Đại học Luật Hà Nội có kế hoạch cụ thể nào để có thể nhanh chóng triển khai Đề án, thưa ông?
- Đây là một Đề án lớn, việc thực hiện hiệu quả cần có sự phối kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, UBND. Để tổ chức triển khai Đề án phải có Ban Chỉ đạo với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan, đơn vị liên quan. Cả Đề án tổng thể hai Trường và Đề án của từng Trường đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn phát triển.
Tới đây, Trường Đại học Luật Hà Nội và Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, nhất là ở những nội dung liên quan trực tiếp đến Trường. Trường sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đã xác định, trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao; kiện toàn mạnh về cơ sở vật chất, kỹ thuật; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo để tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo, nghiên cứu pháp luật, xứng đáng là một trường trọng điểm của đất nước.
- Mong ông chia sẻ đâu là những thách thức đối với Trường nhằm bảo đảm tổ chức thực hiện Đề án này một cách hiệu quả?
- Thách thức lớn nhất vẫn là yếu tố con người. Tính đến năm nay, Trường Đại học Luật Hà Nội đã thành lập được 34 năm. Theo quy luật phát triển thì với khoảng thời gian này, bất kỳ đơn vị nào cũng sẽ diễn ra việc chuyển giao các thế hệ cán bộ. Trường Đại học Luật Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Thế hệ các thầy, các cô được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có học hàm, học vị cao, đang nắm giữ các vị trí chủ chốt ở các đơn vị trong trường thì đã hoặc chuẩn bị nghỉ hưu. Một số cán bộ có năng lực, học vị cao được điều động lên Bộ Tư pháp hoặc chuyển công tác sang các cơ quan nhà nước khác. Bên cạnh đó, một bộ phận giảng viên chưa thật sự chuyên tâm với công việc của Trường, còn tư tưởng “chân trong, chân ngoài”.
Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian trước mắt, Trường phải tập trung mạnh vào việc xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao, với định hướng ưu tiên đào tạo giảng viên ở nước ngoài; có cơ chế thu hút đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu trình độ cao về làm việc cho Trường; tạo điều kiện thuận lợi và có biện pháp khuyến khích cụ thể để phát triển nhanh đội ngũ giảng viên có học vị tiến sỹ, học hàm phó giáo sư, giáo sư.
Ngoài ra, việc đổi mới cách nghĩ, cách làm sao cho năng động, sáng tạo, hiệu quả, bài bản hơn, tránh sa vào sự tự hài lòng hay kinh nghiệm chủ nghĩa cũng đang là một thách thức lớn đối với Trường. Chính vì vậy, Trường đang quyết tâm thực hiện tốt phương châm hành động “Đoàn kết – Kỷ cương – Năng động – Phát triển”.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Thư (thực hiện)