Với Nghị quyết 24/2012/NQ-QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013), những người mại dâm đang hoan hỉ chờ đến ngày “người mại dâm chỉ bị xử phạt hành chính và không bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương, không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh”.
Gái mại dâm sẽ không bị bắt vào trung tâm giáo dục. |
Càng ngày càng khó đấu tranh
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tháng 1/2013 khẳng định: “Tình hình tệ nạn mai dâm hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp, lan rộng ở hầu hết các tỉnh, thành phố, không chỉ xảy ra ở khu vực thành thị, các khu du lịch nghỉ mát mà còn xảy ra ở vùng nông thôn, miền núi. Số lượng người mại dâm trong toàn quốc ước khoảng 30.000 người. Đáng lưu ý là mại dâm trẻ em vẫn xảy ra, với đối tượng chăn dắt, lừa gạt, môi giới cũng ở độ tuổi vị thành niên”.
Không chỉ hoạt động bằng những thủ đoạn, phương thức truyền thống, hoạt động mại dâm còn tận dụng sự phát triển của công nghệ Internet, dịch vụ viễn thông để hoạt động qui mô lớn, liên tỉnh, đáp ứng “mọi nhu cầu” của khách trong và ngoài nước.
Vì thế, một sự thật không thể phủ nhận là dù hoạt động chống mại dâm đã được nâng cao, nhưng tệ nạn mại dâm không hề có chiều hướng giảm mà thậm chí càng ngày càng khó đấu tranh.
“Thả” về cộng đồng là “chấp nhận hoạt động mại dâm”?
Từng có nhiều ý kiến như vậy về qui định “người mại dâm chỉ bị xử phạt hành chính và không bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương, không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh” vì trước khi Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết số 24/2012/NQ-QH13 có hiệu lực, “biện pháp giáo dục tại địa phương, bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh” đối với người mại dâm được coi là giải pháp để góp phần bài trừ tệ nạn ảnh hưởng đến sức khỏe và thuần phong, mỹ tục của xã hội này.
Bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Yên: Cả người bán và người mua dâm đều phải vào cơ sở khám chữa bệnh - Tôi đồng ý là không đưa người bán dâm vào cơ sở khám, chữa bệnh. Nhưng nếu đã đưa người bán dâm vào cơ sở khám, chữa bệnh thì cũng nên đưa người mua dâm vào cơ sở này để khám chữa bệnh. Bởi vì có mua thì mới có bán, có cung thì mới có cầu, không có cơ sở nào để nói rằng người bán dâm là bị bệnh và gây bệnh còn người mua dâm thì không. Vì vậy, cho nên để đảm bảo tính công bằng và để ngăn ngừa bệnh thì cả người bán dâm và người mua dâm đều phải vào cơ sở khám chữa bệnh. |
Tuy nhiên, biện pháp này thực tế cũng chỉ áp dụng được với khoảng 10% số người mại dâm, còn đa số vẫn tự do hoạt động do chính quyền một số địa phương chưa quan tâm, chú trọng hay “bất lực” trong công tác phòng, chống mại dâm.
Điều đó cho thấy, “biện pháp giáo dục tại địa phương, bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh” không phải là giải pháp cho công tác phòng, chống mại dâm.
Lãnh đạo một Sở LĐ-TB&XH từng bức xúc: “Không phải cứ đưa vào trung tâm, chúng ta mới ngăn chặn được người mại dâm. Mà chính quyền địa phương các cấp phải có trách nhiệm đấu tranh, ngăn chặn tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm trên địa bàn”.
Song điều khiến xã hội lo ngại là khi người mại dâm chỉ bị phạt hành chính thì không có gì đảm bảo họ không tiếp tục hành nghề và những hậu quả của tệ nạn này gây ra không hề được ngăn chặn.
Theo đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM, “chỉ phạt hành chính thì khó có tác dụng răn đe, giáo dục đối với chính đối tượng, chứ chưa nói đến việc chống tệ nạn mại dâm” vì khi đối tượng mại dâm bị bắt quả tang có hành vi mại dâm và bị xử lý hành chính, đồng thời thông báo và giải quyết cho đối tượng về địa phương để theo dõi, giúp đỡ thì đối tượng thường không về địa phương mà lại chuyển sang địa bàn khác tiếp tục hoạt động mại dâm, mà chính quyền thì không thể “chạy theo để bắt về giáo dục, giúp đỡ”.
Hơn nữa, không áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại địa phương hay cơ sở (trung tâm) thì việc theo dõi, giáo dục để người mại dâm chuyển đổi nhận thức, hành vi nhân cách gần như là không làm được.
Thực tế này đang đặt ra yêu cầu cho các cơ quan chức năng tìm kiếm giải pháp để “đã phạt thì phải sợ”. Trong khi chờ các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật tăng cường quản lý, phòng chống tệ nạn mại dâm theo hướng tăng mức xử phạt hành chính để đủ sức răn đe, có sức giáo dục cao, trong đó có biện pháp xử lý mạnh các chủ chứa, môi giới dẫn dắt gái mại dâm.
Một số chuyên gia tâm lý, xã hội học thậm chí đã kiến nghị “chính thức hóa hoạt động mại dâm” để có khuôn khổ quản lý. Còn Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS, tệ nạn ma túy và mại dâm thì cho rằng giải pháp toàn diện là nghiên cứu, xây dựng các chính sách, dịch vụ nhằm hỗ trợ người mại dâm trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, các dịch vụ hỗ trợ xã hội tại cộng đồng.
Đồng thời, tăng cường xóa bỏ kỳ thị của xã hội đối với những người lỡ “bán phấn buôn hương” để họ được hoàn lương và tăng cường nhận thức xã hội để giảm thiểu số người tự nguyện hoặc bị lừa gạt vào ngành “công nghiệp tình dục”…
Huy Anh