Một trong những vấn đề được các đại biểu hết sức quan tâm trong phiên họp chiều 22/8 khi cho ý kiến vào dự án Luật Công chứng sửa đổi là vấn đề giá trị của văn bản công chứng.
Dự thảo Luật quy định trường hợp các bên ký kết hợp đồng có thỏa thuận về quyền yêu cầu thi hành hợp đồng mà một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành hợp đồng đó. Ảnh minh họa. |
Văn bản công chứng có giá trị như bản án?
Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến, dự thảo luật quy định hợp đồng đã được công chứng có giá trị thi hành đối với các bên tham gia ký kết để nâng cao giá trị pháp lý của văn bản công chứng, trách nhiệm của công chứng viên (CCV) và trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng.
Đặc biệt, dự thảo luật quy định trường hợp các bên ký kết hợp đồng có thoả thuận về quyền yêu cầu thi hành hợp đồng mà một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành hợp đồng đó; nếu các bên không có thoả thuận hoặc có thoả thuận nhưng có căn cứ cho rằng thoả thuận đó vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc thuộc các trường hợp vô hiệu khác theo quy định của Bộ luật dân sự thì một bên có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối với hợp đồng mà các bên có thoả thuận về quyền yêu cầu thi hành hợp đồng thì khi thực hiện công chứng, CCV có trách nhiệm xác minh nội dung hợp đồng đó theo quy định của luật. Việc xác minh phải được ghi rõ trong lời chứng của công chứng viên.
Quá trình lấy ý kiến dự thảo Luật công chứng, cơ quan soạn thảo cho biết, có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên như quy định của Luật Công chứng hiện hành, theo đó trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc giao cho cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành văn bản công chứng theo yêu cầu của một bên ký kết hợp đồng là chưa phù hợp với trình độ phát triển tổ chức, hoạt động công chứng và chất lượng CCV hiện nay.
Ý tưởng hay, nhưng thiếu tính khả thi?
Như vậy, theo dự thảo luật, hợp đồng đã được công chứng sẽ có giá trị thi hành, cơ quan THA được thi hành “thẳng” các hợp đồng đó mà không phải qua toà án, chờ đến khi án tuyên có hiệu lực. Tuy nhiên, để thi hành các hợp đồng này, việc làm bắt buộc với CCV là phải qua khâu xác minh trước khi ký hợp đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Tú (Hà Nội) cho rằng ý tưởng dự thảo đưa ra là rất tốt nhưng vẫn băn khoăn về tính khả thi “không khéo quy định sẽ không khả thi nếu một bên tham gia giao dịch nại ra CCV trong quá trình xác minh có vấn đề gì đó”. Bởi, dự thảo luật quy định phải xác minh, nhưng xác minh đối tượng, chủ thể hay cái gì khác trong khi luật pháp chưa trao cho CCV các quyền này? Với những hợp đồng vay liên quan đến tài sản nhà đất, CCV không có chức năng đo, vẽ, thẩm định giá,…chỉ nhìn bằng mắt thường thôi thì không thể đảm bảo các thông tin chính xác. Việc này có thể dẫn đến tình trạng dân phải chạy “vòng quanh” vì CCV này thì chối, CCV kia lại nhận.
Ông Nguyễn Xuân Bang, Trưởng Phòng Công chứng số 6 Hà Nội cũng nêu một thực tế hết sức khó khăn đối với các CCV khi hành nghề: “Chỉ riêng việc đi xác minh thông tin từ địa chính, họ không cung cấp thì cũng chẳng làm gì được vì luật không quy định chế tài xử lý”. Ông Bang ủng hộ về chủ trương để “thi hành thẳng” mà không qua toà (tức hợp đồng có giá trị giống như một bản án đã có hiệu lực – PV) tuy nhiên rất lưu ý phải quy định rõ việc tổ chức THA như thế nào để đảm bảo tính chặt chẽ.
Phó Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Chu Quang Tiến cũng lo lắng “quy định này thiếu tính khả thi vì trên thực tế hiện nay có rất nhiều bản án liên quan đến các hợp đồng mà cơ quan THA không thể thi hành. Quan trọng là chính bản thân các hợp đồng đó cũng có rất nhiều vấn đề mà sau khi Toà xử rồi THA vẫn phải làm văn bản kiến nghị Giám đốc thẩm”.
Về phía ngành Toà án, ông Trần Trung Trực (TAND TP. Hà Nội) cũng cho rằng “ đưa ra cơ quan THA thì giản tiện 1 bước, đỡ việc cho ngành Toà án nhưng quy định của dự thảo “vẫn chưa ổn” trong tình hình hiện nay, khi các thủ đoạn lừa đảo “núp” dưới danh nghĩa hợp đồng công chứng đang diễn ra rất phổ biến”. Về xác minh, Ông Trực đề nghị “phải xây dựng cơ chế thế nào cho phù hợp. Toà án xác minh còn sơ suất huống hồ CCV”.
Phân tích những cái lợi cho dân khi không phải qua con đường Toà án vừa tiết kiệm, thời gian, chi phí, lại giảm tải cho cơ quan Toà án, ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS đánh giá cao việc sửa đổi nói trên. Tuy nhiên, ông Tuấn khuyến cáo “Phải có cơ chế chặt để việc thi hành đúng pháp luật, khách quan, nên chỉ thi hành văn bản CC khi không có tranh chấp. Đồng thời phải nâng cao trách nhiệm CCV”.
Đại diện một số ngân hàng, hiệp hội bất động sản, hiệp hội ngân hàng….cũng cho rằng đây là một ý tưởng hết sức táo bạo, cải cách, thuận lợi cho người dân và cả cơ quan nhà nước tuy nhiên vì THA là việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án… đã có hiệu lực pháp luật thì việc mở rộng cho THA thi hành cả những hợp đồng như nêu trên phải hết sức cân nhắc. Có thể phải chờ sửa đổi các luật liên quan (như BLTTDS, BLDS, Luật THADS…).
Theo Ban soạn thảo việc nâng cao giá trị thi hành của văn bản công chứng là rất quan trọng để đề cao trách nhiệm của các bên ký hợp đồng, đúng với trách nhiệm của CCV, giảm thiểu việc khiếu kiện tranh chấp ra Toà án, tiết kiệm chi phí, công sức của nhân dân, nhưng cũng không làm giảm vai trò của Toà án vì nếu các bên không thoả thuận hoặc có thoả thuận nhưng có căn cứ cho rằng thoả thuận đó vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc thuộc các trường hợp vô hiệu khác theo quy định của Bộ luật dân sự thì vẫn có quyền đề nghị Toà án xem xét, giải quyết theo trình tự tố tụng. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thông lệ nghề công chứng của các nước theo truyền thống pháp luật thành văn. |
Thu Hằng