Tuấn gặp lão Huỳnh ở bến xe lôi Phong Điền. Bữa ấy, hứng chí gì, lão ta xổ một tràng tiếng Anh với cái giọng Quảng sặc mùi mắm cái. Tuấn kéo lão vào quán café ở bến xe. Lão hỏi: “Anh ở Quế Sơn?”. Ừ. Tuấn trả lời gọn lỏn rồi vẫy tay cô chủ quán gọi nước uống. Ở nơi xa xôi ruộng vườn sông nước này, hai người mới nghe giọng nói đã biết đồng hương đồng khói rồi. Lão Huỳnh và Tuấn cảm thấy như lòng mình ấm lại. Lão Huỳnh kể chuyện say sưa, từ đông sang tây, đầu nguồn cuối biển, như ruộng hạn gặp cơn mưa rào. Huỳnh nói, lão không tin là đã trôi dạt về cái sẻo Sơn hun hút trong cánh đồng Trà Ếch của vợ lão như ngày hôm nay.
|
Tuấn ngồi yên lặng, hút thuốc. Hết điếu này châm điếu khác. Khói thuốc chập chờn giữa hai khuôn mặt tha hương sạm nắng. Áo quần lem luốc dầu mỡ xe tàu. Cái mũ lưỡi trai đã rách, xệ xuống che gần nửa khuôn mặt của Tuấn. Tuấn ngồi thụp xuống một cách mệt mỏi. Chung quanh hai người, những bàn ghế, vách lá, chai lọ nằm ngổn ngang… toàn một màu xám xịt, lỗ chỗ những vết sình. Đã cuối tháng Chạp. Trời nhá nhem tối. Ánh điện vàng chạch từ bóng đèn tròn trong quán café tỏa ra không soi rõ chỗ hai người ngồi. Những chuyến xe lôi về muộn, đổ khách sát cửa quán café. Hình như không ai muốn nói với nhau điều gì. Họ trả tiền rồi quay đi vội vã. Những ngày tháng cuối năm ai chẳng có những nỗi lo cơm áo...
Ngày ấy, Huỳnh là phi công trực thăng, cao một mét bảy lăm, kềnh càng, đen và ốm, trông vẫn còn dễ coi. Có lẽ, hồi lão còn là phi công, con gái mết lão ta nhiều lắm. Lúc hai người nói chuyện với nhau, thỉnh thoảng Huỳnh sửa giọng, mà dù có uốn giọng cách nào đi nữa thì cái hơi Nam Ô của lão cũng lợn cợn, không thể giả giọng miền Tây Nam bộ được. Vợ Huỳnh lại làm nghề nấu rượu ở sẻo Sơn. Một cái sẻo xa tăm tắp trong cánh đồng mênh mông, chằng chịt những kinh, rạch, sẻo, mương… như những đường chỉ trong lòng bàn tay của lão.
Có lẽ, bàn tay của lão thuộc loại đa tình. Lão lấy mụ Huỳnh trong những ngày Sài Gòn lộn xộn đi, ở không chừng hồi 75. Hai người ráp nối đâu trong cái hẻm cụt ở chợ Vườn Chuối. Rồi kéo về Cần Thơ, cắm dùi trên bờ sẻo Sơn này, cho là lá rụng về cội. Thực ra, cái mảnh vườn chưa đầy hai sào của gia đình mụ Huỳnh còn sót lại sau cuộc chiến, bom đạn cày xới, chỉ còn lại một đám lau sậy và trâm bầu.
Sau bữa tương ngộ ấy là Tết Nguyên đán. Mùng hai Tết, Huỳnh chèo xuồng ra chợ rước Tuấn về nhà chơi. Nắng xuân rực rỡ trên những cánh đồng lúa chín vàng. Chiếc xuồng ba lá của Huỳnh chèo qua kinh Trà Ếch, rồi rẽ vào sẻo Sơn. Hai bên bờ sẻo cách nhau chừng mười thước. Bóng mát rặng trâm bầu che kín giống cái vòm nhà thờ thời trung cổ. Những đám lục bình trôi lềnh bềnh trên giòng nước đục phù sa. Chiếc xuồng lướt đi giữa những cánh hoa tím bơ vơ, những hoa vàng điên điển chao đi trong gió chiều vắng lặng. Nhà Huỳnh ở sát bên bờ sẻo Sơn, lẻ loi, buồn tẻ giống cái ổ quạ nằm chơ vơ giữa đám lau sậy um tùm.
Vợ Huỳnh ra tận xuồng đón người khách lạ mà chồng mụ mới đưa về như đón người thân. Mụ Huỳnh vồn vã, cười nói với Tuấn như đã quen biết từ bao giờ. Cái cách ăn nói lịch thiệp, tự nhiên của vợ Huỳnh, không phải cách của người ở miệt ruộng đồng heo hút này. Cả một thời con gái, mụ đã từng lưu lạc ở Sài Gòn, Đà Nẵng, ở những thành phố mà cuộc sống thời chiến đã làm thay đổi mọi thứ. Những nơi phồn hoa đô hội ấy đã rửa sạch phèn ở cổ họng, ở tâm hồn của mụ. “Em đã nấu xong nồi cháo vịt”, mụ nói với Huỳnh, rồi quay ra lò rượu đang tới. Mụ hứng chai rượu nước nhứt còn đang bốc hơi. Mùi rượu mới ra lò còn hăng hắc mùi hèm. Mụ bảo: “Rượu đang nóng, rượu nếp nấu đãi anh Tuấn đó”… rồi cười tươi như những bông hoa vạn thọ nở rộ trước thềm nhà.
Bữa đó, vợ chồng Huỳnh uống rượu với Tuấn. Ba người họ nói chuyện say sưa, chén thù, chén tạc. Đĩa bánh tét nhưn mỡ, đĩa dưa cải chua màu rêu và món thịt kho rệu với trứng vịt thơm phức không thể thiếu trong ba ngày Tết ở miền Tây Nam Bộ, đã được dọn sẵn trên chiếc bàn đã cũ. Chừng ấy thứ là bữa tiệc rượu đầu xuân nhà Huỳnh. Những chai rượu nóng vơi đi lúc nào không hay. Ngoài kia, nắng xuân đã nhạt màu, những chiếc lá non dịu dàng nô đùa trên ngọn gió đầu mùa trước ngõ. Tuấn say quắc cần câu. Huỳnh cằn nhằn không chịu dừng lại. Lão không uống bằng ly nữa. Lão nốc ừng ực từng chén.
Đúng, Huỳnh là kẻ nát rượu. Không biết lão nát rượu từ bao giờ mà cái nết nhậu của lão giống như Chí Phèo. Rượu ngập vào người lão rồi, lão chẳng còn là tên phi công oai phong lẫm liệt ngày nào. Lão nốc một ly rượu vào mồm, chưa qua khỏi cổ họng là lão phun nước bọt tung tóe trên nền đất ươn ướt, vừa chửi thề như quạ bẻ bắp… Mụ Huỳnh cười xấu hổ. Nhìn Tuấn, rồi cúi xuống mắng chồng: “Đồ quỷ, thì bây giờ ráng chịu khổ với em”. Có chút hơi men rượu ngây ngây trong người, mụ cảm thấy như có con gì nó bò rọ rạy khắp người mụ ở cái tuổi chưa đầy bốn mươi. Nhìn vợ chồng Huỳnh cà rỡn như đôi tình nhân, Tuấn nói với mụ ta “thì thím vừa đẹp vừa giỏi đấy thôi…”.
Đôi má mụ Huỳnh ửng hồng, vừa bên lò rượu bước ra, men rượu đang chảy xôn xao trong cơ thể chín muồi của mụ, như ngọn gió xuân lồng lộng ngoài rặng trâm bầu. Phụ nữ ở miền Tây Nam Bộ, họ nhạy lắm. Hễ mùa gió chướng thổi về, họ thường kháo nhau “này, gió chướng về rồi đấy, bọn đàn ông, nó sung lắm…”.
Mà sung thiệt. Cho nên, cứ đến tháng mười một âm lịch, kéo dài ra giêng, khi ngọn gió mùa đông bắc quay về mang theo chút se lạnh lúc nửa đêm về sáng là dành hết cho mùa cưới hỏi tưng bừng. Huỳnh ngồi chao đảo như chiếc xuồng ba lá dập dềnh ngoài kinh Xáng. Lão càu nhàu “Tau đã từng học lái ở bên ấy hai năm. Tau biết rõ tụi nó mà. Nó thực dụng đến độ, chẳng có tình nghĩa gì. Cái xã hội văn minh ấy, nó sẵn sàng mua đứt cả hồn lẫn xác con người ta. Ông đếch đi đâu. Ông ở lại cái sẻo Sơn heo hút này với mụ, cho nó sướng một đời…”. Huỳnh nói một hơi như người tỉnh rượu, nuối tiếc pha lẫn chút u buồn. Rồi lão khóc. Khuôn mặt méo xệch, đầy rượu và nước mắt của lão co rúm lại như kẻ khốn cùng, như những vỏ chai rượu nằm lăn lóc trên phản ngựa. Huỳnh gục xuống bàn, rồi lăn đùng ra ngủ quên cả sự đời...
Rất lâu, sau bữa tiệc đầu xuân năm ấy, Tuấn tìm về sẻo Sơn nhưng căn nhà lẻ loi, buồn tẻ giống cái ổ quạ nằm chơ vơ giữa đám lau sậy um tùm đã đổi chủ. Nghe nói vợ chồng Huỳnh đã bỏ xứ đi tìm cuộc sống mới ở Tây Nguyên.
Truyện ngắn của HOÀNG QUY