Con biết, cứ đầu tháng Chạp, mẹ lại bắt đầu đếm lùi từng bữa để ngóng trông những đứa con lập nghiệp xa quê. Và khi những nụ mai tứ quý trước sân nhà bắt đầu lấp ló những cánh hoa vàng nhạt, mẹ lại tất bật ra chợ huyện. Mẹ chọn những hạt gạo nếp thơm nhất, những cân măng, củ hành vừa ý để chuẩn bị cho mâm cỗ và bữa ăn ngày Tết.
Mẹ bảo, con người luôn có cội nguồn, như con chim khi đủ lông, đủ cánh, dù bay đi phương trời xa nào cũng thường tìm về tổ ấm. Bởi vậy, những ai còn mẹ, còn cha, còn những người thân yêu luôn mong chờ ở quê nhà thì đừng vô tâm với những dịp đoàn viên.
Tết là sự khởi đầu của một năm mới nhưng cũng là dịp để nhớ về quá khứ. Bên nồi bánh chưng chiều Ba mươi Tết những ngày xưa cũ, mẹ vẫn thường dạy các con gái của mẹ: nhập gia phải tùy tục, sau này các con lớn lên, khi về làm dâu phải theo nếp nhà chồng.
Về quê chồng đón Tết là dịp để những cô dâu mới làm quen với tất thảy những thân thuộc bên nội và học hỏi cách xưng hô thế nào cho phải. Đừng như nhiều người, vài năm mới về quê, khi giáp mặt họ hàng cũng chẳng biết tên tuổi ra sao.
Không chỉ bởi những lời mẹ dặn, từ lâu trong con luôn cảm nhận rõ những giá trị thiêng liêng của thứ tình cảm không dễ gì đánh đổi – tình cảm của đấng sinh thành và họ hàng thân tộc - mà chỉ có về quê, con mới được sống trọn vẹn trong bầu không khí đầm ấm, thương yêu ấy.
Có về quê, con mới được sống lại những cảm xúc của những ngày đã xa, được quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên nội, ngoại và cùng mẹ chuẩn bị những món ăn truyền thống. Con lại được đi trên con đường làng với những giậu cúc tần già cỗi nhưng vẫn khoe sắc xuân bằng những chùm hoa trắng muốt, lại được nhìn thấy những gương mặt thân quen của bạn bè từ thuở hoa niên.
Tết cũng là dịp các con của con thêm một lần trong năm được gần gũi ông bà, họ hàng và làm quen với những cánh cò trắng chao nghiêng trên cánh đồng bát ngát. Để các con của con thêm yêu từng bụi chuối, bờ tre, những giàn bầu, giàn bí đơm hoa vàng, hoa trắng nơi góc chái nhà.
Mỗi dịp về quê, con lại được nghe mẹ kể đủ chuyện làng, chuyện xóm, có cả chuyện vui và cả tâm sự khiến con phải mềm lòng. Đó là những năm về trước, lúc cuộc sống còn nhiều chật vật, các con của bác Xoan hàng xóm- dù lập nghiệp tận miền Nam - cũng khăn gói về quê đón Tết.
Nhưng hai năm gần đây, khi đời sống kinh tế nhiều đổi thay, các con của bác ấy đã mua được ô tô, nhà cao cửa rộng thì chẳng thấy họ về quê ăn Tết nữa, chỉ thấy họ gửi về rất nhiều tiền và quà bánh.
Suy nghĩ của họ đã ít nhiều đổi khác, Tết là dịp để họ đi du lịch trong và ngoài nước thay vì về với cha già, mẹ héo. Bác Xoan buồn lắm, mấy ngày Tết, ai đến chơi cũng tránh nhắc chuyện con cái, sợ làm bác chạnh lòng, nhưng mắt bác cứ chực khóc, chẳng thấy bác nở nụ cười mãn nguyện như trước kia nữa.
Người già thường cả nghĩ, kể chuyện hàng xóm mà mẹ như đang nói với chính mình, “bậc làm cha mẹ chỉ mong con cái trưởng thành và hiếu thảo; quà bánh và tiền bạc dù có chất đầy nhà cũng chẳng thể thay được tiếng cười con trẻ, không đánh đổi được sự sum vầy của các thành viên gia đình mỗi dịp Tết đến, xuân về!”.
Mẹ năm nay đã ngoài bảy mươi, nhưng như những đứa trẻ- mẹ luôn mong chờ ngày Tết. Bởi Tết là dịp nghỉ dài ngày nhất trong năm, những đứa con của mẹ mới có dịp về quê đoàn tụ, để mẹ được nhìn thấy những đứa cháu của mình lớn lên theo năm tháng và nghe các con ríu rít thăm hỏi lẫn nhau sau một năm bận rộn.
Mẹ đã già đi nhiều, nhưng những mùa xuân tuổi trẻ của mẹ giờ đang hiện hữu trong chúng con. Chúng con sẽ nối tiếp mẹ cha, thực hiện hết những ước mơ chưa trọn vẹn. Và chỉ có về với mẹ, với cha, chúng con mới có thêm sức mạnh, được mẹ cha “tiếp lửa” trong cuộc sống mưu sinh tất bật, mới thấy được trọn vẹn những giá trị thiêng liêng về nguồn cội mà ngoài quê hương ra, chẳng nơi nào có được.
Mẹ ơi, nhất định Tết này, chúng con sẽ lại về quê!
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu