[links()] Con đường đất dẫn vào xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội những ngày này lại thêm rộn rã...Hai bên đường, hoa đào đã bắt đầu cựa mình tỉnh giấc sau giấc ngủ đông dài lê thê. Những trái quất cũng đã rộ vàng trên nền lá xanh mỡ màng. Người mua, kẻ bán tấp nập xuôi ngược. Tết đã về trên từng con ngõ nhỏ, nhưng lại không về trên đoạn đường dẫn vào Viện Dưỡng lão Thiên Đức và đặc biệt là trong lòng những con người ở lại.
Bà Tuyết chỉ mong sớm hoàn thành được điều kiện do con đặt ra để được về nhà. |
“Bà muốn uống thuốc độc cho rồi!”
Tại Thiên Đức, khi tôi đến từng giường, ân cần hỏi han các cụ về dự định của ngày tết, ai cũng xa xăm những nỗi niềm tâm sự. “Từ ngày tôi bị tai biến, chúng nó cho tôi vào cái trung tâm này. 8 năm rồi cháu con tôi không cho tôi về ăn tết” - bà Tuyết (nhà ở phố Lò Đúc, Hà Nội) thở dài. Căn bệnh tai biến làm đôi bàn tay bà quắp lại, những ngón tay co thắt, dần dần teo đi, trên mu bàn tay gân xanh nổi lên từng cục. Đôi chân của bà cũng trở nên yếu đuối, bà không thể đi lại bình thường mà phải lê từng bước rất nhọc nhằn.
Có lẽ đây cũng là “nguyên nhân” khiến bà có 8 cái Tết xa nhà. Quả đúng như tôi đoán, “ngày đưa tôi vào trung tâm, con trai và con dâu tôi có hứa rằng, khi nào bà tự mình bước lên xe ô tô được, tay bà cầm bát cơm mà vững thì sẽ cho bà về. 8 năm qua, tôi cứ nuôi hi vọng đó, ngóng mong từng ngày, từng giờ căn bệnh quái ác sẽ buông tha cho mình. Ngày nào tôi cũng lên phòng phục hồi và chăm sóc của trung tâm để tập luyện, nhưng chẳng có kết quả gì. Vì thế nên tôi chẳng được về” - bà Tuyết buồn bã kể
Cả tôi và bà đều lặng đi sau những lời gan ruột. Bỗng nhiên, như nhớ ra điều gì, bà hỏi: “Ngoài đường người ta đi sắm tết nhiều chưa? Hoa đào năm nay nở muộn hay sớm?”. Rồi bà kể tôi nghe về những ngày tết của 8 năm về trước. Bà nhớ lắm những ngày giáp tết trước đây, bà cũng lau dọn nhà cửa, tỉa lại cái cây trong vườn, nấu món chè kho, làm món thịt đông... Biết bao nhiêu công việc chờ bà.
“Gia đình hiếm muộn, bà chỉ có một người con trai. Sau này nó lấy vợ nhưng hai vợ chồng bận lắm. Càng về những ngày cuối năm, việc gì cũng đến tay, nhưng mà tất bật như vậy lại thấy mình có ích. Giờ thì...” - bà ngập ngừng không nói hết, để rồi nước mắt bà cũng theo đó mà tuôn rơi.
Những cái tết đầu tiên không có gia đình có lẽ đến cuối đời bà Tuyết cũng chẳng thể nào quên. Càng gần Tết bao nhiêu, người ra vào Viện Thiên Đức càng đông bấy nhiêu. Con cháu mang đồ ăn thức uống vào cho bố mẹ, cô bác rồi lại tất bật ra về. Và bà cũng không ngoại lệ.
Ngày 28 tết, con bà cho hai đứa cháu vào chơi với bà khoảng 1 tiềng sau rồi lại đưa nhau đi luôn. Cánh cổng sắt khép lại, thế giới vui vẻ, nhộn nhịp theo chân con bà dần xa và rồi mất hút, trả lại cho bà là bao đơn độc, hụt hẫng. Đêm 30 tết, pháo hoa nổ vang trời nhưng chưa bao giờ bà ra khỏi phòng. Đó cũng là lúc bà thấy tội nghiệp cho mình, cho những người cùng chung số phận với mình nhất. Bà đã khóc vào những những phút giây đầu tiên của một năm dài dằng dặc sắp tới như thế, suốt 8 năm qua...
Năm nay, tết lại về, có lẽ quá tủi hờn cho phận mình, bà bày tỏ những suy nghĩ dại dột: “Người ta thì mong sống lâu trăm tuổi, còn bà chỉ mong trời phật cho bà siêu thoát càng nhanh càng tốt. Sống mà như không sống, có nhà, có con, có cháu hẳn hoi mà tết nhất cũng chẳng được về thì sống nghĩa lí gì. Bà muốn uống thuốc độc để chết cho rồi”.
“Nó bận thế sao cho mình về ăn tết được?”
Bà Tuyết là một trong số ít ỏi những người dễ dàng chia sẻ lòng mình bởi lẽ phần lớn những người già ở đây đều sống rất khép mình, thậm chí họ còn cất giữ cho mình những bí mật không dễ gì chia sẻ. Bà Linh (nhà ở phố Hàng Nón) là một ví dụ như thế. Vào đây mới được 3 năm, nhưng cũng giống như bà Tuyết, bà cũng có những cái tết xa nhà và lẻ loi.
Chẳng hiểu sao bà luôn né tránh những câu hỏi về gia đình nhưng khi được hỏi rằng: “Tết này con bà có đón bà về không? Bà có nhớ nhà không?”. Bà làm tôi sững người khi bật khóc tu tu chẳng khác nào trẻ con. Dường như bà cứ cố kìm nén và giấu kĩ những tâm sự nhưng giờ đây tự bà cũng không thể tiếp tục chịu đựng được nữa. Vừa khóc, bà vừa nói: “Con người chứ có phải khúc gỗ đâu mà không nhớ. Nhớ chứ! Nhớ lắm chứ..., tết cũng không được về... Con tôi nó bảo bận lắm không coi được mẹ. Cả năm hi vọng rồi ngóng đợi tết đến từng ngày, cứ ngỡ nó thu xếp được công việc nó đón mình về. Nhưng...”.
Tôi lặng người, bối rối trước những giọt nước mắt đầy ấm ức, tủi hờn của bà. Vô tình lúc ấy, điện thoại của tôi báo có tin nhắn, bà tỏ ra vui mừng như bắt được vàng, gạt nước mắt bà hấp tấp hỏi: “Cháu... cháu, có điện thoại hả. May quá! Cháu cho bà gọi nhờ một cuộc được không?”. Bà cẩn thận đọc đi đọc lại số điện thoại cho tôi, đó là một số điện thoại bàn. Sau mấy lần gọi đi gọi lại, cuối cùng cũng có người bắt máy.
Theo lời bà dặn, tôi nói: “Cô nói chuyện với bà Linh nhé”. Nhưng đầu dây bên kia thắc mắc: “Bà Linh nào nhỉ?” Chưa kịp để tôi giải thích, bà vội giật lấy chiếc điện thoại, luôn miệng gọi tên con: “Quang à con! Mẹ đây...”. Đáp lại giọng nói vồn vã của bà là câu trả lời lạnh lùng của cô gái bên kia đầu dây: “Bà nhầm máy rồi bà nhé!” rồi cúp máy. Tôi sợ bà nhớ nhầm số máy, nhưng bà nói ngay: “Số nhà tôi làm sao tôi quên được. Không biết con tôi nó đi đâu mà không nghe máy hả trời. Nó bận thế này thì cho mình về ăn Tết sao được?”.
(còn tiếp)
Nguyễn Thu Thiện