Trong khi nhiều chậu đào gốc giá bạc triệu kén khách hàng, thì những chuyến xe đạp chở dăm ba cành lẻ đơm đầy lộc lại được nhiều người đi chợ chọn mua với mức giá hợp lý…
Từ mấy ngày trước lễ cúng ông Công, ông Táo, Hà Nội đã tràn ngập hoa từ các nơi đổ về cho khách lựa chọn, nhưng hoa đào vẫn là đặc sản của người dân Thủ đô đón Tết cổ truyền. Ngay đầu đường Hoàng Quốc Việt, hai bên vỉa hè của con phố này những ngày giáp Tết ken đầy các loại hoa. Từ mai vàng được chuyển ra từ Sài Gòn, đến quất Hưng Yên… Nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là hoa đào của vùng Phú Thượng (Tây Hồ), Xuân La (Từ Liêm) chuyển đến.
Lối vào cổng các cơ quan Nhà nước ở đường này như Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng mấy ngày hôm nay cũng “lép vế” nhường chỗ cho những chậu hoa đào, quất của các chủ hàng phục vụ thú chơi hoa của người dân trong những ngày chào đón năm mới. Bà Đỗ Thị Xuân, nói mình là “nông dân đích thực” với “hàng chục gốc đào bày bán ở đây là của nhà em trồng được”.
Tuy nhiên, cây đào cao chừng 80cm với ít lá, do gặp nắng nhiều nên hoa cũng nợ rộ, bà Xuân nói giá “đúng hai triệu thì mới bán” đã gặp nhiều cái lắc đầu của khách hàng. Những ngày cuối tuần, nhiều người yêu hoa đào xuống đường Hoàng Quốc Việt khá đông, nhưng quyết định mua cả cây đào chỉ có dăm ba người đơn lẻ.
Không chỉ có đào được trồng ở Hà Nội, vỉa hè đường Hoàng Quốc Việt còn là nơi bày bán nhiều cành đào rừng. Chủ một “vỉa” đào rừng ở đây cho biết “hàng” được đặt cọc hàng tháng trời ở Yên Bái, Sơn La…, nay mới chuyển về “phục vụ bà con Thủ đô chơi Tết”. Tiền nào của nấy, đoạn đường vận chuyển dài đẩy chi phí lên cao, nên giá đào rừng đẹp sẽ thực sự không “dễ thở” với người ít điều kiện. Theo đó, những cành đào to bằng bắp chân, càng xù xì, có cây tầm gửi và hoa, lộc thì giá cũng lên đến hơn 3 triệu đồng. Nhưng đa phần, đào rừng có mức giá phổ biến từ 400.000 đến 1 triệu đồng.
Khác với món hàng “nguyên cây” và đào vùng cao giá “chát” chộn rộn ở vỉa hè đông đúc, ngay trong các phiên chợ nhỏ, trong những con ngõ nhỏ ở đường Thuỵ Khuê, Hoàng Hoa Thám, đường Bưởi… lại tràn ngập các cành đào lẻ được người dân chặt đem bán.
Bó gói gọn sau yên xe đạp, bà Lê Thị Vui chuyển được 5 cành đào mướt lộc đến bán ngay ngã ba Lạc Long Quân – Thuỵ Khuê. Bà Vui cho biết, nhà bà có tổng cộng 600 cành đào ở làng Phú Thượng, cách địa điểm mà bà đứng bán khoảng 3km. Giá cả hợp lý, đào nhiều lá, nụ, nên “sản phẩm” của bà Vui bán khá đắt hàng. “Cành đẹp thì bán 80.000 đồng, cành thiếu một trong ba yếu tố như lộc, hoa, nụ thì rẻ hơn, khoảng 40.000 đến 50.000 đồng”, bà Vui, cho hay. Theo bà Vui, ngay từ khi “phá vườn” cắt cành đào ra chợ từ hôm 18 âm lịch, bà đã bán được ngót nghét 300 cành. Bà Vui khoe “năm nay được ăn Tết sớm vì đào bán chạy hàng, chắc mấy hôm nữa là hết”.
Không có cả vườn đào với số lượng hàng trăm cành, ở vùng Xuân La, Xuân Đỉnh, nhiều người dân trong năm đã trồng xen kẻ đào với hoa màu nên cuối năm cũng thu hoạch được dăm ba cành đem ra chợ. “Nhà có ba cây đào, cắt được 7 cành nên đem ra chợ, khách thích trả giá hợp lý thì bán”, người bán hàng rau ở chợ Nghĩa Đô, cho hay.
Theo chủ đào Hoàng Minh Hải (Phú Thượng, Tây Hồ), đa phần đào nguyên cây chỉ bán cho những người có điều kiện. Nếu cả cây giá trung bình thì cũng trên một triệu đồng. Trong khi đó, chi phí mua đào cành lại rất rẻ, hợp với người có thu nhập thấp, hoặc những gia đình hạn chế về không gian nhà ở để trưng bày hoa cảnh. Trong khi đó, nhiều gia chủ cũng chọn mua cành đào nhỏ gọn để cắm lên lọ hoa trên bàn thờ gia tiên cho những ngày đón năm mới.
Thực tế, ông Hải nói năm nay nhiều chủ đào cũng “chia nhỏ” cả cây đào không có thế đẹp, rớt giá để cắt cành bán cho chạy hàng, nhanh hết. Mặc dù quy trình mất thời gian hơn, nhưng giá trị những cành lẻ này cũng “bù đắp” cho chủ vườn số chi phí căm sóc cây rất lớn.
Việt Hưng