Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau Trần Hoàng Nhỏ, cho biết: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, năm 2022 tỉnh chủ trương không tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao tập trung đông người,… Đồng thời, đơn vị phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương tổ chức thăm, tặng quà cho các điểm Chùa, Salatel, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, các tổ chức và một số cá nhân, gia đình chính sách tiêu biểu trong đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh”.
Vũ điệu đón Tết Chôl Thnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer chào mừng Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ban Dân tộc Trung ương đến thăm chùa Monivongsa Bopharam (Phường 1, thành phố Cà Mau). |
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 786/QĐ-BVHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật Nhạc Trống Lớn của người Khmer huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau).
Quá trình ra đời và tồn tại
Theo các nghệ nhân kể lại, Nhạc trống lớn ở Cà Mau được ông Hữu Pinh, Hữu Mốt ở Trà Vinh xuống Cà Mau lập gia đình, sinh sống ở vùng đất Tân Lộc, thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau mang theo và thực hành từ những năm cuối thế kỷ XIX… Ngoài ra, ở Cà Mau vẫn còn một số huyện có đông người Khmer và có một số thành viên biết sử dụng nhạc cụ, nhưng họ không tổ chức lập thành nhóm để phục vụ trong ngày lễ mà cho đến khi diễn ra lễ hội lớn ở chùa, ở Phum, Srok hoặc ở tại nhà của người dân thì họ mời nhóm nhạc ở Phum Sróc khác đến cùng phục vụ diễn tấu.
Theo các nghệ nhân thực hành di sản “Nghệ thuật nhạc trống lớn” tại địa phương, dàn nhạc trống lớn gồm 15 loại nhạc cụ sau: Skor Thom, Koông Thom, Skor Đay (02 cái), T’ruô – U, T’ruô – Khse bây (T’ruô Khmer, T’ruô Nguôk), T’ruô – sô, Chapay-chomriêng, Pay Puốc, Pay – O, Khloy, Khưm, Chhưng, Tà Khê và Krap. Do đó, thiếu nghệ nhân, thiếu nhạc cụ... nên các nhóm nhạc hiện nay ở huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) thường biểu diễn thiếu một số nhạc cụ, chỉ có 9 nhạc cụ được sử dụng thường xuyên như: Skor Thom, Koông Thom, Skor Đay (01 cái), T’ruô – U, T’ruô – SÔ, Chapay-Chomriêng, Pay Puốc, Khưm, Chhưng.
Nghệ nhân ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) biểu diễn dàn nhạc Trống Lớn tại Liên hoan “Tiếng hát 3 dân tộc” được tổ chức tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). |
Nhạc trống lớn (Skor Thom) là loại nhạc khí màng rung gõ đã có từ lâu đời trong đời sống cộng đồng dân tộc Khmer Cà Mau, người Khmer Cà Mau sử dụng dàn nhạc trống lớn (Plêng Skor Thom) ở các nghi lễ, lễ hội lớn ở chùa như: lễ An vị tượng Phật, lễ đắp núi cát ở đêm cuối tết Chol Chnam Thmay, lễ nhập hạ và ra hạ của các vị sư, lễ khánh thành ngôi tháp, lễ hội Ok Om Bok, lễ Sene Đôl ta, lễ vào chùa tu, Pithi chol A-Reat (lễ mời thần A-Reat), Neak ta, lễ cầu an trong Phum, Srok hoặc ở ngôi chùa,…
Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nhạc trống lớn
Thạc sỹ Thạch Nam Phương - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau) cho biết: “Dàn nhạc trống lớn của dân tộc Khmer huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) đã được phát huy giá trị thông qua trưng bày Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam,… được tuyển chọn tham gia diễn tấu trong ngày Hội Văn hóa, thể thao, du lịch của các tỉnh Khmer Nam Bộ; các ngôi chùa, Sa-la-tene, nhằm phục vụ trong ngày lễ hội, phong tục, nghi lễ, lễ cưới, lễ tang… là linh hồn (Đuôn-pro-lưng) là niềm mơ ước của mọi tầng lớp trong xã hội và cũng trong hoạt động sinh hoạt văn hóa, lễ hội, lễ nghi truyền thống sử dụng dàn nhạc trống lớn (Plêng Skor Thom) có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực trong đời sống đồng bào dân tộc Khmer Cà Mau hiện nay.
Đồng thời, củng cố, kiện toàn các Câu lạc bộ, Nhóm nhạc cũng như thành lập Câu lạc bộ, Nhóm nhạc mới, dự kiến khoản 03 Câu lạc bộ, nhóm nhạc, ở xã Hồ Thị Kỷ (ấp Rạch Giồng, ấp Cây Khô), xã Tân Lộc, huyện Thới Bình để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nhạc trống lớn”.
Biểu diễn dàn nhạc Trống Lớn tại Chùa Rạch Giồng (Sêrâymangkol) tọa lạc tại ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. |
“Ngành Văn hóa trình xin chủ trương UBND tỉnh xây dựng một Đề án riêng trong năm 2022 để thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2022 - 2030. Trước mắt Đề án sẽ tập trung vào 04 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh, trong đó có Di sản văn hóa phi vật thể Nhạc trống lớn của đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Thới Bình” - Thạc sỹ Thạch Nam Phương cho biết thêm.
Nhạc trống lớn như một báu vật trong đời sống văn hoá của người Khmer ở Cà Mau
Theo Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết: “Dàn nhạc trống lớn (Plêng Skor Thom) đã ăn sâu vào lòng người và là một thành tố có vị trí quan trọng không thể thiếu được trong đời sống cộng đồng của người Khmer ở tỉnh Cà Mau. Trong các nghi lễ mang tính vòng đời người và cũng như các nghi lễ mang tính tôn giáo. Âm nhạc Plêng Skor Thom không phải là âm nhạc để giải trí, mà là giai điệu mang tính linh thiên để giao tiếp với thần linh và các đấng siêu nhiên. Do đó, người Khmer ở Cà Mau luôn quan niệm giai điệu của âm nhạc Plêng Skor Thom là hướng về tổ tiên, cội nguồn và lòng thành tâm đối với trời đất, thần thánh đã bảo vệ, gìn giữ cuộc sống yên bình, ấm no và hạnh phúc của họ.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 2 địa phương ở huyện Thới Bình còn lưu giữ và phát huy dàn nhạc Plêng Skô Thum, gồm khu vực chùa Rạch Giồng (chủ yếu là ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ) và chùa Cao Dân, Ấp 7, xã Tân Lộc, với số lượng khoảng 30 nghệ nhân. Các dàn nhạc này theo dạng trao truyền qua nhiều thế hệ thực hành và gìn giữ. Đặc biệt, nhạc Trống Lớn có giá trị như một báu vật trong đời sống văn hoá của người Khmer ở Cà Mau”.
Nhạc trống lớn như một báu vật trong đời sống văn hoá của người Khmer ở Cà Mau. |
“Ngành chức năng tỉnh đang chọn ngày để trao Bằng chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận “Nghệ thuật nhạc trống lớn của dân tộc Khmer huyện Thới Bình” nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thứ 4 tại Cà Mau và là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đầu tiên của đồng bào Khmer địa phương” - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết thêm./.