Ngẫu hứng đi cướp
Nói đến nhân thân Phước, thượng tá Cảnh gần như thuộc lòng. Phước sinh ra đã thành đứa trẻ không cha trong làng chài nghèo thuộc phường Mân Thái. Dưới mái lều tạm bợ, người mẹ vất vả mưu sinh nơi cảng cá, Phước lớn lên như cái cây ngọn cỏ.
Năm Phước 7 tuổi, vì muốn con có người cha dạy dỗ, người mẹ đi bước nữa rồi có thêm 2 người con. Thời điểm bấy giờ, dù chẳng có 1 ngày được đến lớp như những đứa trẻ khác, dù phải ra đời phụ mẹ làm việc kiếm sống sớm, nhưng Phước vẫn hạnh phúc bởi còn có 1 gia đình, có một nơi chui ra chui vào mỗi ngày.
Nhưng số phận dui dủi, khi người cha dượng chuẩn bị xây ngôi nhà cấp 4 cho mấy mẹ con Phước thì đột ngột ông đỗ bệnh. Gia tài dành dụm cũng theo đó khánh kiệt dần. Buồn chán, không ai quản thúc, Phước bỏ ra ngoài sống bằng nghề đánh giày, nay đây mai đó, ít khi về nhà.
Không có mấy bạn tốt kết thân, lại chẳng biết đến chữ nghĩa, nên khoảng thời gian “đi hoang” này đã tập cho Phước cái tính lì đòn, bất cần đời.
Vào một đêm tháng 2/2008, Phước cùng 4 thanh niên đánh giày gồm: Lê Công Thạnh, Võ Duy Luận, Huỳnh Văn Tài và Ngô Văn Phước (đều SN 1988, cùng ngụ quận Sơn Trà) ngồi lai rai bên ly rượu, cùng nhau giãi bày sự đời. Cuộc nhậu kéo dài nhiều giờ liền thì hết tiền mua mồi và rượu nên cả nhóm quyết định nghỉ.
Thế nhưng, nghỉ lúc này, cả nhóm bạn bụi đời chẳng biết về đâu. Thở dài một lúc, Phước đưa ra ý tưởng đi cướp của các đôi tình nhân để “giải khây” và kiếm tiền nhậu tiếp. Đầu tiên, Phước rủ Thạnh ra ngoài tính toán, lên kế hoạch đi cướp, sau đó mới vào bàn nhậu gọi thêm Tài, Luận chuẩn bị xe để hành động. Bản thân Phước trước đó đã đi kiếm 2 con dao đưa cho Thạnh và mình dùng làm hung khí gây án.
Trời về khuya, cả bốn kẹp nhau trên xe máy, chọn những tuyến đường thường có các đôi tình nhân ngồi tâm sự, tìm cơ hội ra tay. Sau một hồi vòng vèo, nhóm phát hiện một cặp tình nhân đang tâm sự tại khu vực bờ kè Vũng Thùng (quận Sơn Trà).
Ngay lập tức, Thạnh lao đến kề dao vào cổ người thanh niên, còn Phước kề dao vào cổ người nữ. Sau khi cướp được điện thoại, sợi dây chuyền và hơn 500 ngàn đồng, cả 4 nhảy lên xe, rồ ga mất hút trong màn đêm.
Nhưng khi về lại khu vực phường Mân Thái, cả nhóm gặp tổ tuần tra của công an phường phát hiện truy đuổi và bắt giữ. Phước, Luận, Tài bị mời về công an phường làm việc, riêng Thạnh lợi dụng lúc tổ tuần tra không để ý đã bỏ trốn. Tuy nhiên, đến ngày 3/3/2008 thấy việc đi cướp “ngon ăn” hơn đánh giày nên Thạnh làm thêm “phi vụ” khác rồi bị bắt quả tang, phải ra tay vào còng.
3 đối tượng còn lại, sau khi làm việc tại phường, thu hồi tang vật... được cho về lại nơi trú, nhưng vẫn nằm trong diện quản chế. Lợi dụng điều này, ngay trong đêm, Phước ghé nhà, thăm mẹ và 2 em rồi âm thầm bỏ trốn. Mãi đến khi đưa nhóm trộm ra xét xử và phát lệnh truy nã trên toàn quốc đối với Phước, bà mẹ mới hay tin con mình đã gây tội.
Tuy nhiên, vì quá lao lực cho cuộc sống hiện tại, bà đành tạm quên đi đứa con “bất kham” của mình. Hai năm sau, để “níu” người đàn ông trụ cột, mẹ Phước phải bán luôn cả miếng đất “cắm dùi”, nhưng vẫn không giúp chồng thoát khỏi căn bệnh ung thư quái ác.
Khi lo ma chu toàn cho người quá cố cũng là lúc, mẹ Phước phải dắt 2 con ra vỉa hè chợ Mân Thái căng lều sinh sống bằng nghề gánh nước thuê. Cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn đủ điều của người đàn bà góa cùng 2 đứa trẻ thơ dại cứ thế kéo dài hết năm này qua năm khác…
Đối tượng Phước |
Chỉ ao ước có tiền mua nhà cho mẹ
Trở lại đối tượng Phước, đầu tiên, Phước nhảy xe “chui” phiêu dạt vào phương Nam và thích nghi rất nhanh với cuộc sống tạm bợ qua nhiều thân phận khác nhau.
Có lúc Phước thành anh thanh niên bán trái cây cần mẫn ở tỉnh Long An, ngày rong ruổi nơi vỉa hè đường phố, đêm đến lại thuê phòng trọ tồi tàn trong khu ổ chuột tá túc.
Dù không biết đến chữ nghĩa, dù không am hiểu luật nhưng Phước biết rất rõ, với lệnh truy nã đang đeo bên mình, nếu ở lâu một chỗ, sớm muộn cũng bị phát hiện. Vì thế, Phước sẵn sàng từ bỏ cuộc sống đang ổn định ở Long An để lên TP. HCM xin vào làm cho một lò bánh mì.
Trải qua cơ cực từ nhỏ nên với nghề này, Phước cũng “chịu nhiệt” rất nhanh, làm có tiền nuôi thân trong hành trình chạy trốn. Đặc biệt, Phước không kết thân với bất kỳ một ai để tránh lộ nhân thân, dù cái tên của mình, Phước vẫn giữ nguyên.
Trong khoảng thời gian này, thỉnh thoảng cứ đến gần Tết, Phước lại mua sim rác để gọi điện về thăm hỏi sức khỏe gia đình. Nhưng cũng chỉ vài câu ngắn gọn, Phước chủ động cắt liên lạc, vứt sim….
Được một thời gian ở TP.HCM, Phước lại cảm thấy có gì đó bất an nên quyết định rời nơi phồn hoa, chọn cách lên núi, vào các vùng heo hút thuộc huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) làm nghề đi củi.
Trong vai anh tiều phu, Phước được rất nhiều người thuê bởi sức sóc khỏe mạnh lại siêng năng. Phước từng nghĩ, sẽ bám trụ tại Cẩm Mỹ đến cuối đời, nhưng một lần nhớ mẹ, Phước lại mua sim rác điện về.
Lần này, Phước nói dài hơn và được biết cha dượng đã mất, gia đình vì khánh kiệt tài sản phải ra vỉa hè sinh sống… Nghe bà Lê Thị Dưa (SN 1959, mẹ Phước) cứ khóc lóc năn nỉ “con về đầu thú đi, sau này còn ở với má, với em nữa”, Phước cảm thấy dao động.
Tuy vậy, nghĩ đến thảm cảnh về Đà Nẵng chui rúc nơi xó chợ, bản thân không nghề nghiệp chỉ thêm gánh nặng cho mẹ, nên Phước lại lặng lẽ …tắt máy. Phước nghĩ, đợi 1 thời gian nếu có bị công an bắt, chí ít cũng dành dụm được khoản tiền giúp mẹ lo chổ ở.
Sau cú điện thoại, Phước quyết định quay về sống ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) vào vai người phụ hồ chăm chỉ, bán sức mưu sinh. Cũng từ đó, Phước năng gọi về nhà hơn bằng sim rác, có khi một tháng vài lần, còn tìm cách gửi tiền cho mẹ “để dành mua nhà”.
Nhưng khi Phước nghĩ đến gia đình, cũng là lúc Phòng PC52, Công an Đà Nẵng có ý định đưa Phước về quy án sau 8 năm truy lùng. Ngày 3/1/2014, khi đối tượng vẫn đang miệt mài với chiếc bay tại các công trình xây dựng để kiếm tiền, các trinh sát PC52 bất ngờ ập đến cùng chiếc còng số 8 và lệnh bắt trên tay.
Theo thượng ta Trần Cảnh, lúc gọi tên, Phước không bất ngờ cũng chẳng hốt hoảng, lầm lũi tra tay vào còng nhưng trong ánh mắt Phước, mọi người đã đọc được sự tiếc nuối. Trên đường di lý về Đà Nẵng, hỏi Phước vì sao không có phản ứng gì, Phước cho biết, gia đình em cực quá, đến khi hiểu chuyện, biết lo cho người thân thì em đã vướng tù tội mất.
Thượng tá Cảnh kể lại, chiều tối ngày 5/1/2014, trong cái lạnh tê tái, tại trụ sở Phòng PC 52 Đà Nẵng, Phước được bà Dưa tự tay mua cho tô mì Quảng đút cho ăn mà nước mắt dàn dụa.
Tay bà Dưa cứ mân mê người con trai mà nói: “nhờ ri (nhờ vậy) con mới chịu về, nhờ ri má mới thấy con. 8 năm rồi, má có biết con mập hay ốm ra răng mô. Trời lạnh, má mua đại bên đường cái áo cũ 20 ngàn ni cho con nè, mặc cho ấm nghe… Cố cải tạo tốt rồi về, má và mấy em có chổ ở rồi, con đừng lo (bà Dưa đã có quyết định của thành phố cho hộ nghèo thuê chung cư nhưng Phước không kịp biết-PV)”.
Lúc này, thủ tục bàn giao đối tượng cho Công an quận Sơn Trà tiếp tục điều tra cũng nhanh chóng tiến hành, Phước ra xe về trại tạm giam, chờ ngày trả giá cho lỗi lầm của mình…