Cùng với cây Kơ-nia, Pơ-lang dường như đã trở thành biểu trưng cho vùng đất Tây Nguyên, được đi vào thi ca, nhạc họa nhiều nhất. Có thể kể đến những bài ca đi cùng năm tháng như “Quê hương ơi, Tây Nguyên ơi” với những lời ca tha thiết, say đắm lòng người: “Anh ơi em sẽ là: hoa pơ lang đẹp nhất/ Thứ hoa buôn làng quý/ Cho anh thêm đẹp lòng”. Hay những lời ca khoáng đạt ca ngợi vẻ đẹp của Tây Nguyên hùng vĩ khi Đăkrong mùa xân về: “Chim Kơ-tia bay tới, nghiêng cánh chào Dakrong. Pơ-lang khoe sắc thắm, gió đưa hương đôi bờ”.
Được lớp trẻ biết đến nhiều nhất là “Em là hoa Pơ-lang” với hình ảnh những cô gái Tây Nguyên được ví von như những bông hoa pơ-lang rừng rực rỡ, tươi thắm, nhắc nhớ về các loài cây mang tính biểu trưng cho vùng đất ba zan màu mỡ. “Tây Nguyên ơi hoa rừng bao nhiêu thứ. Cánh hoa nào đẹp nhất rừng. Tây Nguyên ơi anh có nhớ buôn làng nhớ người con gái. Nhớ cánh hoa pơ-lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên”…
Nếu cây kơ-nia được biết đến bởi hình dáng hùng vĩ độc đáo của nó thì pơ-lang được yêu thích từ màu hoa đỏ thắm nổi bật giữa ngàn xanh. Người ta thường ví cây kơ-nia là biểu trưng sức mạnh vạm vỡ của các chàng trai Tây Nguyên thì pơ-lang chính là biểu tượng cho những cô gái yêu kiều của vùng đất bazan. Và cũng giống như nhiều loài hoa đẹp, hoa pơ-lang cũng gắn với truyền thuyết một mối tình thủy chung son sắt đã đi vào bất tử.
Chuyện kể rằng, ở buôn làng kia có một chàng trai nghèo yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, cơn lũ lớn cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật của chàng trai. Dân làng trồng cây nêu để chàng lên trời hỏi sự tình. Ngày ra đi, chàng buộc vào tay cô gái băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thủy chung. Gặp Ngọc Hoàng, chàng thưa: “Trần gian mưa nắng thất thường, cuộc sống con người rất cực khổ. Xin Người xem xét lại”.
Ngọc Hoàng hỏi xem ai trông coi mưa nắng, một vị thần tâu: “Đó là thần Sấm, nhưng thần vốn ham vui nên có lúc chểnh mảng”. Thần Sấm thưa: “Một mình thần không làm xuể. Xin Người giữ chàng trai này lại phụ giúp thần”. Ngọc Hoàng chuẩn tấu và truyền lệnh nâng bầu trời xa khỏi mặt đất để người hạ giới không lên được nữa. Chàng trai đành ở lại làm thần Mưa.
Nhớ người yêu, nước mắt chàng tuôn trào. Còn cô gái, ngày nào cô cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Một ngày tháng Ba, Ngọc Hoàng xuống hạ giới. Biết chuyện, ngài cho cô gái một điều ước. Nàng thưa: “Xin Người biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để thần có thể nhìn thấy anh ấy, dải vải đỏ biến thành bông hoa để anh ấy nhận ra thần”. Thỏa nguyện, cô gái gieo mình từ trên cao xuống và biến thành loài hoa mang sắc đỏ như máu từ trái tim yêu thủy chung son sắt.
Với người dân Tây Nguyên nói riêng và người dân ở những miền quê Việt nói chung, cây hoa pơ-lang (hoa gạo) không chỉ biểu tượng của tình yêu đôi lứa mà rộng lớn hơn, sâu sắc hơn đó là tình yêu với quê mẹ, với cội nguồn. Chẳng thể mà vào tháng ba này, đến làng quê nào mà chẳng gặp hình ảnh cây gạo thắp lửa một góc trời như khát khao, hiến dâng, yêu thương, chờ đợi. Hoa pơ-lang cũng gắn liền với lễ hội, đời sống của người Tây Nguyên một cách khăng khít.
Tương truyền khi tổ chức lễ hội, đồng bào dựng cây nêu giữa sân buôn làng (cây linh thông giữa người và thần linh) luôn trồng bên cạnh một cây pơ-lang non, kết thúc lễ hội cây pơ-lang đó sẽ được di dời trồng sang một chỗ khác, nếu cây non đó phát triển tốt tươi thì chắc chắn những lời nguyện cầu của buôn làng năm đó sẽ thành hiện thực. Mùa hoa pơ-lang nở hoa còn là cột mốc để đồng bào biết khi nào Tết đến xuân về. Người Ba Na có câu truyền miệng “Thấy pơ-lang nở biết mùa mới lại về”, mùa mới tức là mùa xuân, mùa Tết, mùa chuẩn bị cho vụ rẫy nương năm mới, mùa của hạnh phúc và yêu thương…