“Thưa các đồng chí! Đây là tấm khăn dù của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Lê Xuân Phôi, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Mặt trận B3, Quân đoàn 3. Với cách đánh “Bám lấy thắt lưng địch mà đánh”, Lê Xuân Phôi đã chỉ huy Tiểu đoàn 8 “băm nát” hai đại đội Mỹ thuộc Sư đoàn kỵ binh bay số 1 trong trận đánh lịch sử tại thung lũng Ia Đrăng, tháng 11/1965. Khi bị thương nặng, ruột lòi ra, đồng chí Lê Xuân Phôi đã dùng tấm khăn dù này băng vết thương, tả xung hữu đột chỉ huy bộ đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng...”.
Sống mãi tinh thần bất khuất
Cứ như vậy, hướng dẫn viên Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên dẫn dắt người xem bằng những câu chuyện cảm động trong chiến đấu, lao động sản xuất của quân và dân Tây Nguyên. Em Nguyễn Hoàng Huy (học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái, TP Pleiku, Gia Lai) hai mắt đỏ hoe, chăm chú nhìn vào hiện vật: “Đây là lần thứ hai cháu đi tham quan Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên, nhưng lần nào cũng vậy cháu không cầm được nước mắt. Những kỷ vật được lưu giữ ở bảo tàng qua lời giới thiệu của các cô, các chú hướng dẫn viên đã làm sống lại một thời Tây Nguyên bất khuất, kiên cường”.
Cùng tâm trạng đó, em Nguyễn Thị Phương Nhi bộc bạch: “Những bài học trực quan tại Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên góp phần củng cố kiến thức lịch sử cho chúng cháu. Vào đây, chúng cháu được tận mắt ngắm nhìn các hiện vật của anh hùng Núp, anh hùng Ka Pa Kơ Lơng, anh hùng Lê Xuân Phôi… Được nghe những câu chuyện chiến đấu dũng cảm của quân và dân Tây Nguyên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng cháu tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên vùng đất kiên cường này”.
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Trần Doanh Hiệp (phụ trách Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên) cho biết: “Hiện Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên đang lưu giữ, trưng bày gần 5.000 ảnh và hiện vật lịch sử. Có nhiều hiện vật quý không chỉ của quân và dân Tây Nguyên mà cả từ phía địch như: Nhật ký của Tổng thống Dương Văn Minh, con dấu của Bộ Tổng Tham mưu, kiếm đầu rồng của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Cộng hòa… Hàng năm, Bảo tàng đón khoảng 26.000 lượt khách tham quan, học tập. Ngoài ra còn tổ chức các đợt trưng bày, triển lãm lưu động phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa”.
Học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) tham quan Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên |
“Địa chỉ đỏ” của Tây Nguyên
Cũng theo Thiếu tá Hiệp, điều mà cán bộ, nhân viên Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên vui mừng và tự hào nhất là từ năm 2010 trở lại đây, năm nào cũng vậy, Bảo tàng đón 100% chiến sĩ mới và hầu hết các trường học từ bậc học phổ thông đến trung cấp nghề, cao đẳng, đại học trên địa bàn tham quan, học tập. Ngoài ra, Bảo tàng còn đón các đoàn cựu chiến binh ở khắp cả nước thăm lại chiến trường xưa và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.
Thượng úy QNCN Trần Thị Thanh (nhân viên thuyết minh) chia sẻ: “Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên trưng bày 7 chủ đề. Để giới thiệu và thuyết phục được người xem, chúng tôi không những phải học tập nắm chắc kiến thức lịch sử, ý nghĩa của từng hiện vật, bức ảnh mà còn phải lồng ghép những câu chuyện kể cảm động gắn với từng trận đánh, từng nhân vật lịch sử và hiện vật của họ”.
Binh nhì Nay Sơ Nek (dân tộc Gia Rai) chiến sĩ Đại đội lâm thời, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, đến tham quan Bảo tàng cho biết, tốt nghiệp ĐH Quy Nhơn và đã được đi tham quan, học tập rất nhiều bảo tàng trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, nhưng đây là lần đầu tiên đến Bảo tàng Binh đoàn. “Có thể nói Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên là nơi lưu giữ những ký ức, kỷ vật chiến đấu kiên cường của quân và dân Tây Nguyên”, Nay Sơ Nek cho biết.
Còn cô giáo Huỳnh Thị Vy Phương (phụ trách Đội, Trường THCS Phạm Hồng Thái, TP Pleiku) chia sẻ: “Nhà trường có nhiều chương trình hoạt động ngoại khóa, giáo dục truyền thống cho học sinh. Trong đó Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên là một “địa chỉ đỏ” thường xuyên được nhà trường ưu tiên tham quan, học tập. Đến đây, các cháu không những được tận mắt nhìn các hiện vật lịch sử quý hiếm mà còn được giới thiệu về các chiến dịch, trận đánh trên sa bàn, sơ đồ. Điều đó đã tạo ấn tượng mạnh cho các cháu, giúp các cháu học tập tốt hơn môn Lịch sử và nâng cao ý thức trách nhiệm công dân”.