- Vì sao phải tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin phòng sởi cho trẻ 1-5 tuổi, thưa giám đốc?
- Sởi là bệnh do vi-rút gây ra, có thể gây biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, viêm não, sưng phổi, tiêu chảy, sảy thai, đẻ sớm… Tiêm vắc-xin phòng sởi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay. Chương trình tiêm chủng mở rộng trong đó có tiêm vắc-xin phòng sởi được thực hiện thí điểm từ năm 1981 và mở rộng trên toàn quốc từ năm 1985. Giai đoạn 1985-1992, tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc-xin phòng sởi tăng dần qua các năm, nhưng tỷ lệ trẻ được tiêm đạt thấp. Từ năm 1993 đến nay, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm mũi 1 vắc-xin phòng sởi trên toàn quốc tiếp tục được duy trì từ 90% trở lên. Từ năm 2006 đến nay, trẻ 6 tuổi học lớp 1 trên toàn quốc được tiêm bổ sung mũi 2 vắc-xin sởi đạt tỷ lệ 95%.
Thầy thuốc Trạm y tế xã An Thắng tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho các cháu Trường mầm non. Ảnh: Trường Giang |
Do từ cuối năm 2008 và năm 2009, dịch sởi bùng phát tại một số tỉnh, thành phố, tập trung ở nhóm trẻ từ 1-5 tuổi và người lớn từ 18-26 tuổi. Sự xuất hiện của dịch sởi với quy mô lớn cho thấy miễn dịch quần thể chưa đủ mạnh để phòng chống bệnh sởi, nhất là ở nhóm trẻ dưới 6 tuổi và người lớn từ 18-26 tuổi.
Để hoàn thành mục tiêu giảm số người mắc và biến chứng do sởi, tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2012 theo cam kết của Khu vực châu Á-Thái Bình Dương với Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời với việc duy trì tiêm chủng mũi 1, mũi 2 vắc-xin phòng sởi, các địa phương cần tổ chức tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi trên toàn quốc. Năm 2010, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng LHQ tài trợ toàn bộ vắc-xin và kinh phí cho Việt Nam để tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung mũi 2 vắc-xin phòng sởi cho trẻ 1-5 tuổi trên toàn quốc. Hải Phòng cũng tổ chức tiêm bổ sung mũi 2 vắc-xin phòng sởi cho trẻ 1-5 tuổi từ 18 đến 26-10-2010. Ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục-Đào tạo tổ chức tiêm cho các cháu đang đi học ngay tại các trường mầm non, mẫu giáo, đối với các cháu chưa đi học sẽ được tiêm tại các trạm Y tế xã trên phạm vi toàn thành phố . Ngày 26-10 tổ chức tiêm vét cho các cháu trong diện tạm hoãn tiêm do ốm…
Để bảo đảm các cháu trong độ tuổi đều được tiêm bổ sung vắc-xin phòng sởi, các địa phương tổ chức khảo sát nắm số trẻ, gửi giấy mời đề nghị các gia đình đưa trẻ đến trạm y tế tiêm hoặc tổ chức tiêm tập trung cho trẻ đang đi học ngay tại trường mẫu giáo/mầm non.
- Nhiều phụ huynh lo lắng liệu có xảy ra tình trạng sốc do tiêm vắc-xin phòng sởi mũi nhắc lại?
- Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, vắc-xin phòng sởi có tính an toàn cao. Qua các đợt tiêm vắc-xin sởi cho thấy, số trẻ bị phản ứng sau tiêm không đáng kể, không có trường hợp nào tử vong do tiêm vắc-xin phòng sởi. Để đề phòng các trường hợp bị sốc do tiêm vắc-xin phòng sởi, ngành Y tế đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ và chuẩn bị kỹ phương án xử lý tình huống có thể xảy ra. Các bệnh viện tuyến thành phố và tuyến huyện trực tiếp cấp cứu, tiếp nhận điều trị và chi viện cấp cứu chống sốc, sau đó gọi xe cấp cứu 115 để chuyển lên tuyến trên trong trường hợp người bệnh bị sốc nặng. Sau khi tiêm, các bác sĩ tiếp tục theo dõi tại chỗ các phản ứng của trẻ trong 30 phút để xử trí kịp thời khi có biểu hiện bị sốc.
Trong những ngày đầu ra quân chiến dịch, Hải Phòng được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá triển khai bài bản, có nhiều cách làm sáng tạo để tất cả trẻ trong độ tuổi đều được tiêm chủng. Đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố mới ghi nhận 2 trường hợp trẻ có phản ứng phụ nhẹ sau khi tiêm vắc-xin.
- Xin cảm ơn Giám đốc.
Hồng Dương thực hiện