Trong 5 năm qua, ngành du lịch Lâm Đồng có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, góp phần đáng kể cùng các ngành khác phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Du khách "săn ảnh" mỗi dịp hoa Anh đào nở tại thành phố Đà Lạt. Ảnh: Tư liệu |
Các dịch vụ du lịch dần đa dạng, phong phú, một số khách sạn mới đưa vào sử dụng… được du khách quốc tế và trong nước đánh giá cao. Khách sạn chất lượng cao ngày càng nhiều; phong cách, chất lượng phục vụ du khách từng bước được nâng lên. Do vậy lượng khách giai đoạn 2006 – 2010 tăng bình quân 11%/năm. Năm 2010 đón 3,1 triệu lượt khách, tăng gấp đôi năm 2005; ngày khách lưu trú đạt 2,3 – 2,4 ngày.
Tuy có một số chuyển biến nhưng ngành du lịch Lâm Đồng chưa thực sự thể hiện vai trò chi phối, xứng đáng là ngành kinh tế động lực của tỉnh.
Thời gian tới, phát triển du lịch phải đặt trong mối quan hệ với định hướng quy hoạch phát triển du lịch của cả nước và các tỉnh trong khu vực, phù hợp tổng thể phát triển kinh tế địa phương. Phát triển du lịch vừa là động lực, điều kiện để các ngành kinh tế khác phát triển và ngược lại. Lâm Đồng cần tận dụng điều kiện, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng riêng về cảnh quan môi trường, khí hậu… phát triển du lịch mang tính đặc thù của thành phố Đà Lạt, vùng phụ cận.
Để tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch cao hơn và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, hướng phát triển của ngành cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu: Trước mắt khẩn trương tập trung tôn tạo, nâng cấp các danh lam, thắng cảnh và khắc phục sự xuống cấp, tình trạng lấn chiếm. Các khu du lịch, danh lam, thắng cảnh phải có quy chế về hoạt động; quản lý khai thác gắn với đầu tư tôn tạo, bảo vệ cảnh quan môi trường. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm đang triển khai, xây dựng lộ trình thu hút các dự án trọng điểm.
Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện hạ tầng trong các khu du lịch; thực hiện cơ chế đầu tư hạ tầng đến các Khu du lịch như đối với các Khu công nghiệp. Khuyến khích chủ dự án các Khu du lịch đầu tư, tôn tạo cảnh quan, hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ. Ngành du lịch sớm xác định các loại hình du lịch chính như du lịch sinh thái, giải trí, giáo dục, hội nghị, hội thảo, y tế kết hợp nghỉ dưỡng, chữa bệnh, mua sắm hàng đặc sản… Xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá. Chú trọng nâng cao hiệu quả việc liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, khu vực, tránh trùng lắp các sản phẩm du lịch.
Vấn đề cũng đang cần được khắc phục tốt là việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nhân viên phục vụ chưa qua đào tạo vẫn còn 45%. Ngành cần đào tạo, bồi dưỡng và thu hút để xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi trong công tác quản lý, kinh doanh; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ. Chỉ trên cơ sở đó mới đủ sức đưa du lịch Lâm Đồng phát triển nhanh, bền vững.
Bình Nguyên