- Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chống úng cứu lúa
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bão số 1
- Bảo đảm an toàn về người, tài sản và các công trình đê kè
Ngày 18-7-2010, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện số 10/CĐ-UBND gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định, thủ trưởng các ngành: Sở Nông nghiệp & PTNT, Công ty Điện lực Nam Định, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà, các công ty TNHH một thành viên KTCTTL của tỉnh về việc chống úng cứu lúa mùa mới cấy ảnh hưởng do mưa sau bão số 1. Nội dung Công điện như sau:
Đồng chí Bùi Đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tuyến đê biển ang Giao Phong (Giao Thuỷ).
Ảnh: Tất thắc
|
Bão số 1 (bão Conson) đã gây mưa lớn trên diện rộng toàn tỉnh. Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, lượng mưa bình quân từ ngày 14 đến 17 tháng 7 là 159 mm, cụ thể: Ý Yên 142 mm, Vụ Bản 186 mm, Mỹ Lộc 169 mm, Nam Trực 204,5 mm, Trực Ninh 106 mm, Xuân Trường 100 mm, Giao Thuỷ 132,8 mm, Hải Hậu 112 mm và Nghĩa Hưng 254 mm. Toàn tỉnh có 38958 ha lúa mùa mới cấy bị ngập nước, trong đó ngập sâu khoảng 19500 ha.
Để chủ động tiêu úng, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại cho diện tích lúa mùa mới cấy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định; thủ trưởng các đơn vị: Sở Nông nghiệp & PTNT, Công ty Điện lực tỉnh, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà, các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL của tỉnh, tập trung chỉ đạo thực hiện ngay một số nội dung sau:
1. Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà vận hành các trạm bơm lớn trong hệ thống để tiêu nước chống úng cho toàn bộ hệ thống.
2. Các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL của tỉnh có trách nhiệm tiêu úng, phối hợp với các xã, thị trấn: Khơi thông dòng chảy, huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu và biện pháp thuỷ triều để khẩn trương tiêu úng, cứu lúa. Đối với những diện tích lúa bị ngập nặng phải khoanh vùng ưu tiên bơm tiêu nhanh.
3. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn: Tổ chức kiểm tra, đánh giá và xác định diện tích lúa bị ngập nặng, khó tiêu úng, không có khả năng hồi phục; chỉ đạo gieo ngay mạ bổ sung bằng giống ngắn ngày theo phương thức mạ nền. Tiếp tục cấy những diện tích còn lại đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất. Cấy tiết kiệm mạ, tận dụng hết lượng mạ để cấy bù, cấy dặm cho những diện tích lúa bị thiệt hại do ngập úng.
4. Công ty Điện lực tỉnh có trách nhiệm duy trì đảm bảo đủ điện để các địa phương và các đơn vị bơm tiêu úng cứu lúa.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định, thủ trưởng các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này, báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Để chủ động đối phó với cơn bão số 1, ngày 16-7-2010, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Bùi Đức Long, Trần Văn Chung, Đoàn Hồng Phong cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng.
Trạm bơm sông Chanh (Cty KTCTTL Bắc Nam Hà) công suất 136000 m3/h tập trung tiêu nước cho hơn 8500 ha lúa của hai huyện Vụ Bản, Ý Yên.
Ảnh: Dương Đức
|
Tại huyện Giao Thuỷ, đồng chí Bùi Đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã kiểm tra toàn bộ tuyến đê biển của huyện, đặc biệt là các trọng điểm: Đông cống Thanh Niên, 8 mỏ kè cắt sóng giữ bãi, đoạn đê kè ang Giao Phong được đầu tư xây dựng khẩn cấp; kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 1 của Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện, công tác bảo vệ đê, kè, bảo vệ lúa, di dời nhân dân ra khỏi vùng trọng điểm, gọi tàu thuyền và người canh coi tại các chòi nuôi thuỷ sản về nơi tránh trú, không cho các tàu thuyền ra khơi...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương huyện Giao Thuỷ đã chủ động, tích cực, khẩn trương chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 1 đồng thời nhấn mạnh: Trước hết phải bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân, kêu gọi tàu thuyền đang khai thác trên biển về nơi tránh trú an toàn. Từ chiều 16-7 huyện, xã triển khai ngay phương án di dời 49 hộ dân của xã Giao Thiện vào trong đê và có phương án di dời các hộ của xã Giao An, các ki ốt sát bờ biển của bãi tắm Quất Lâm. Ngay tối 16-7, quản lý, ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi. Sáng 17-7, Bộ đội Biên phòng cùng với chính quyền địa phương buộc các hộ đang ở các chòi canh nuôi trồng thuỷ sản về nơi tránh trú, không để một người nào ở lại chòi canh. Chủ động rút nước đệm và tiêu úng khi mưa to, bảo vệ an toàn lúa mới cấy; bảo vệ an toàn mạ dự phòng, để có đủ mạ cấy giặm, cấy lại khi sự cố úng ngập xảy ra. Ban chỉ huy PCLB-TKCN từ huyện đến cơ sở phải duy trì thường trực 24/24, theo dõi sát diễn biến của cơn bão, ứng phó nhanh, kịp thời các tình huống xảy ra; bảo đảm an toàn các trọng điểm đê, nhất là đê biển; phát hiện sớm, xử lý an toàn ngay từ giờ đầu với các sự cố về đê trong bất kỳ tình huống nào.
Tại huyện Hải Hậu, đồng chí Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nghe báo cáo công tác phòng chống bão số 1 của Ban chỉ huy PCLB-TKCN của huyện, các phương án bảo vệ trọng điểm đê điều, bảo vệ sản xuất: lúa, màu vụ mùa. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra trực tiếp toàn tuyến đê biển của huyện, tập trung vào các hệ thống mỏ kè giữ bãi, các đơn vị đang đúc cấu kiện bê tông để thi công kiên cố hoá các đoạn đê biển xung yếu; các phương án vừa bảo đảm an toàn cho đê, kè vừa bảo vệ vật tư, sản phẩm, máy móc, trang thiết bị cho thi công trước, trong và sau bão xảy ra. Tại các đoạn đê biển xung yếu như: Xương Điền - Văn Lý, cống Ba Nõn, Gót Tràng... đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo huyện, lãnh đạo địa phương và các đơn vị đang thi công có biện pháp chuẩn bị, bảo vệ đê, bảo vệ những thành quả đã thi công. Đặc biệt, cống Phú Lễ do tiến độ thi công chậm, đến nay, chưa hạ được cánh phai. Cống Phú Lễ là cống chính tiêu mới cho trên 2000ha canh tác của 6 xã. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo huyện Hải Hậu và Cty TNHH một thành viên KTCTTL huyện tổ chức tiêu qua cống 1-5 và một số cống tiêu hỗ trợ khác; sẵn sàng dùng máy bơm dã chiến tiêu thoát cục bộ, không để ngập, úng lúa màu. Với đơn vị thi công, vận chuyển thêm 400m3 đá, dùng rọ thép đựng đá thả, đắp phía ngoài đê quai, bao tải đựng đất, bạt chống tràn, đóng cọc phía trước các rọ thép đựng đá..., tạo độ vững chắc, đủ độ cao chống sóng tràn và không để xói lở đê quai... 500m đê quai phải được gia cường xong trước 18 giờ ngày 16-7-2010.
Tại huyện Nghĩa Hưng, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với UBND huyện Nghĩa Hưng về công tác phòng chống cơn bão số 1 và kiểm tra một số trọng điểm đê, kè của huyện.
Để chủ động phòng chống hiệu quả cơn bão số 1, Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Nghĩa Hưng đã triển khai đồng bộ các biện pháp như: Thường trực theo dõi tình hình, diễn biến cơn bão số 1 từ ngày 12-7-2010; từ ngày 15-7 triển khai thường trực các lực lượng PCLB tại các cụm theo kế hoạch. Thông báo bằng hệ thống loa truyền thanh trực tiếp cho tất cả các hộ nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản ngoài đê; Đồn Biên phòng 100 tổ chức thông báo tình hình, kêu gọi 524 phương tiện đánh bắt đang hoạt động tại các cửa sông, ven bờ và ngoài khơi về nơi trú tránh, neo đậu an toàn. Từ 16 giờ ngày 16-7-2010, nghiêm cấm tất cả các phương tiện đánh bắt ra khơi. Chỉ đạo Cty KTCTTL huyện tổ chức tiêu thoát nước đệm trong đồng và hệ thống kênh mương thuỷ lợi nội đồng từ ngày 15-7 đến 14 giờ ngày 16-7 đã hoàn thành đảm bảo yêu cầu chống úng. Phòng NN chỉ đạo các đơn vị vận động nhân dân dừng cấy đến khi bão tan và chuẩn bị các giống lúa ngắn ngày đề phòng trường hợp mưa úng; Duy trì lực lượng xung kích bảo vệ các trọng điểm và toàn bộ hệ thống, sẵn sàng thực hiện các phương án di dân các vùng bối khi có tình huống xấu xảy ra.
Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện và kiểm tra thực địa một số trọng điểm như: cống Quần Vinh 1, 2; tuyến đê biển và hệ thống kè chắn sóng Nghĩa Phúc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện chỉ đạo các phòng chức năng, Cty KTCTTL, các trạm bơm tổ chức làm tốt công tác tiêu thoát nước đệm dựa trên tình hình cụ thể của từng địa phương. Chủ động các phương án xử lý thiệt hại do mưa úng gây ra, đảm bảo tốt các điều kiện để duy trì sản xuất ngay khi bão tan. Chỉ đạo các đơn vị thi công các công trình giao thông, đê biển chủ động các phương án PCLB của đơn vị và giải toả vật cản trên thân, mái đê, khơi thông dòng chảy. Tổ chức trực ban PCLB 24/24 giờ, theo dõi tình hình bão trên các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời có biện pháp xử lý khi có tình huống xảy ra đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình bằng hệ thống loa truyền thanh để nhân dân nắm được và có phương án phòng chống hiệu quả.
Do chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp đối phó, phòng chống bão số 1 nên tỉnh ta đã bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, giảm nhẹ thiệt hại về tài sản, công trình đê kè biển khi bão đổ bộ. Theo báo cáo nhanh của huyện Giao Thuỷ, đến 17 giờ ngày 17-7, huyện huy động 115 nhân công, 2 máy xúc, sử dụng 50m3 đá và 30 rọ thép, xử lý xong điểm lún sụt tại kè biển Giao Phong, bảo đảm an toàn đê trong bão. Tính đến 5 giờ sáng ngày 18-7, toàn huyện có 7082 ha lúa bị ngập trắng, 530 ha ngập thất thu. Ngay trong ngày 18-7, huyện đã chỉ đạo cán bộ phân công phụ trách xã xuống địa bàn đôn đốc công tác chống ngập úng cứu lúa; Cty TNHH một thành viên KTCTTL huyện mở tối đa các cống tiêu để thoát nước nhanh. Tại huyện Nghĩa Hưng, không xảy ra thiệt hại về người, thuyền bè của ngư dân, đê kè cơ bản an toàn. Về nông nghiệp có 4998 ha trên tổng diện tích 5554 ha lúa mới cấy bị ngập trắng. Ngay trong ngày 18-7, công tác tiêu nước chống úng trên toàn huyện đã được chỉ đạo quyết liệt.
Cũng trong chiều 18-7, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có công điện chỉ đạo các cơ quan, các địa phương trong tỉnh làm tốt công tác tiêu thoát nước, chống úng, bảo vệ sản xuất, đồng thời đi kiểm tra tình hình thiệt hại do bão số 1 gây ra, công tác PCLB ở các địa phương khi bão số 1 về để rút kinh nghiệm cho công tác PCLB & TKCN trong thời gian tới, trước mắt là tin áp thấp nhiệt đới xa được dự báo có thể mạnh lên thành bão số 2./.
Tất Thắc, Thành Trung và VA