Để tạo nguồn về lâu dài, từ năm 2007 Lâm Hà đã xây dựng đề án nguồn nhân lực cho địa phương và hiện đang thí điểm thực hiện việc đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ cấp xã.
Bồi dưỡng CBCC cơ sở cho cải cách hành chính tại Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng tại chức Lâm Đồng. |
Số liệu của UBND huyện Lâm Hà cho biết, trong tổng số 321 cán bộ công chức (CBCC) cấp xã hiện nay (trong đó có 169 chuyên trách), chỉ có 47 người tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học, 144 người có trình độ trung cấp, 20 mới chỉ qua qua sơ cấp, còn lại 110 chưa qua khóa đào tạo chuyên môn nào. Chính vì vậy, theo ông Lê Tàu, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Lâm Hà, việc chuẩn hóa cho đội ngũ CBCC đang có, cũng như thu hút nguồn nhân lực có trình độ về công tác phục vụ phát triển kinh tế xã hội, củng cố hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở được huyện đặt ra một cách cấp thiết từ nhiều năm nay. Ngay từ năm 2007 Huyện ủy, UBND huyện Lâm Hà đã xây dựng đề án đào tạo bồi dưỡng và thí điểm thực hiện chính sách cho cán bộ công chức (CBCC) cấp xã với lộ trình đến năm 2015. Trong năm 2009, khi đề án này được tỉnh phê duyệt, Lâm Hà đã bắt đầu mở các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho những người làm công tác ở cơ sở chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Định kỳ hằng năm, cán cứ vào qui hoạch, các xã thị trấn đều phải lập kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ CBCC của mình gửi lên để huyện phê duyệt và có kế hoạch chi tiết cụ thể. Khi danh sách này được thông qua, các xã thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất về thời gian, đảm bảo các chế độ chính sách cho những người được cử đi học. Trong năm 2009, huyện đã phối hợp với trường Cao đẳng Kinh tế Bảo Lộc mở lớp Trung cấp Nông nghiệp cho 106 CBCC cấp xã, cán bộ nguồn của các xã thị trấn trong huyện và hiện nay lớp học này vẫn đang được duy trì. Huyện hiện đang chuẩn bị các điều kiện để mở tiếp lớp Trung cấp Hành chính tại huyện cho 67 người là các cán bộ ở huyện trưởng phó các đoàn thể, cán bộ không chuyên trách ở xã. Theo kế hoạch, trong năm 2011 sắp đến, huyện tiếp tục mở thêm lớp trung cấp chính trị cho CBCC cơ sở. Không chỉ đào tạo tại huyện, Lâm Hà còn cử cán bộ cơ sở đi đào tạo tại các trường đại học lớn trong nước. Cụ thể, đã có 14 người là cán bộ chủ chốt của xã, cán bộ trong diện qui hoạch vượt qua vòng thi tuyển nay đã có giấy báo chờ đi học đại học nông nghiệp. Trước đó, huyện đã cử một cán bộ cơ sở là anh Lê Văn Thiêm, Chủ tịch xã Đan Phượng theo học Cao học Nông nghiệp tại Đại học Đà Lạt. Bên cạnh việc chuẩn hóa cho CBCC cơ sở, Lâm Hà còn tiến hành việc trẻ hóa đội ngũ này. Từ năm 2009 đến nay, huyện đã tuyển dụng 25 công chức dự nguồn cấp xã có tuổi chưa qua 30 với bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học về công tác ở xã, thị trấn. Trong những năm đến, theo kế hoạch, huyện sẽ lần lượt giải quyết chế độ cho những trường hợp cán bộ chủ chốt các xã thị trấn chưa đạt chuẩn để mở đường cho cán bộ trẻ về công tác. Huyện, đồng thời, cũng đang tính toán để có những ưu đãi cụ thể tạo điều kiện thu hút các sinh viên với kết quả học lực khá giỏi có nguyện vọng về huyện công tác sau khi tốt nghiệp. Lâu nay, Lâm Hà xác định nhu cầu đào tạo bằng phương thức “từ dưới lên”, tức là các xã thị trấn căn cứ vào nhu cầu cơ sở để đề nghị lên trên và những ngành mà địa phương quan tâm nhiều nhất hiện nay là nông nghiệp, luật, kinh tế, địa chính… Cách làm này đáp ứng được thực tiễn. Tuy nhiên, theo ông Tàu, vẫn còn có nhiều người có nhu cầu nâng cao trình độ nhưng không được chọn vì không được qui hoạch. Trong thời gian đến, theo Phòng Nội vụ Lâm Hà, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn, huyện còn chú trọng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị gắn với dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ cơ sở. Việc đào tạo bồi dưỡng được tổ chức theo hình thức tại chỗ ở địa phương không chỉ phù hợp với điều kiện công tác của CBCC cơ sở, mà còn góp phần tiết kiệm thời gian , giảm chi phí cho người học. Tuy nhiên, theo ông Lê Tàu, trước mắt, bên cạnh đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng, huyện cũng rất chú trọng việc sử dụng đội ngũ này sao cho hiệu quả. Hay nói cách khác, huyện đang cố gắng hoàn thiện qui trình đào tạo từ đầu vào cho đến đầu ra, bao gồm từ việc xác định nhu cầu đào tạo, tạo môi trường làm việc, sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý, đánh giá CBCC một cách khách quan khoa học. “Địa phương luôn xác định điểm cốt yếu trong công tác đào tạo CBCC là phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và cố gắng đáp ứng tốt nhất nhu cầu đó”.
Viết Trọng