Được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế lớn
Ông Rémy Rioux - Tổng Giám đốc AFD, Chủ tịch Câu lạc bộ Tài chính Phát triển Quốc tế vừa có cuộc họp với ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) EVN để thảo luận về hợp tác giữa hai bên phù hợp với mục tiêu chuyển dịch năng lượng công bằng.
Tại cuộc họp, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đã chia sẻ với ông Rémy Rioux những định hướng chiến lược, thách thức và kinh nghiệm của EVN trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Ông Rémy Rioux cho biết, các trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm của EVN đã giúp làm sáng tỏ các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa EVN với AFD để giải quyết các thách thức của quá trình chuyển dịch năng lượng.
Chuyển dịch năng lượng là một hoạt động đang được thực hiện ở nhiều lĩnh vực nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2025 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP 26. EVN cũng đang có những động thái để góp phần thực hiện cam kết này, trong đó, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng là một trong những dự án tiêu biểu được AFD tài trợ cũng nằm trong quá trình hỗ trợ thực hiện chuyển dịch năng lượng.
Tại Hội nghị Khí hậu Quốc tế COP26, Việt Nam đã đưa ra lộ trình loại bỏ dần điện than vào năm 2040 và cam kết về giảm phát thải xuống net-zero vào năm 2050. Thực hiện cam kết này, vào tháng 12/2022, Việt Nam đã đồng ý tham gia Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Nhóm các đối tác quốc tế, trong đó có Pháp.
Đại diện EVN cho biết, tham gia nhóm quan hệ đối tác này, Việt Nam sẽ có thể được hỗ trợ tài chính thực hiện chuyển dịch năng lượng. Nhóm này dự kiến sẽ huy động gói tài chính trị giá 15,5 tỷ USD từ các nguồn công và tư trong vòng 3-5 năm tới. Các khoản đóng góp tài chính, trong đó có đóng góp của Pháp thông qua AFD sẽ lên tới 7,75 tỷ USD. Đổi lại, Việt Nam cam kết giảm 30% lượng khí thải hàng năm từ ngành điện, hạn chế tối đa việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng cách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo với các mục tiêu, lộ trình cụ thể.
EVN được đánh giá là đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Để đáp ứng với các cam kết của Việt Nam, Tập đoàn này đang xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng, điều chỉnh chiến lược phát triển, chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư năng lượng sạch. Trong đó, AFD với tư cách là đối tác tin cậy và lâu dài sẽ hỗ trợ EVN trong quá trình chuyển dịch này.
Nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng
AFD hiện đang giữ vai trò chủ đạo trong nhóm các nhà tài trợ châu Âu dưới hình thức Team Europe (cùng với Ngân hàng Đầu tư Châu Âu và Ngân hàng Tái thiết Đức) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Nhóm này đang thẩm định để tài trợ Dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái có công suất 1200MW. Đây là một dự án tiêu biểu cho quá trình chuyển dịch năng lượng. Bên cạnh các khoản tài trợ ưu đãi cho các dự án đầu tư của EVN, AFD cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nâng cao năng lực cho EVN.
Để đánh dấu sự hợp tác tích cực trong chuyển dịch năng lượng giữa AFD và EVN, ông Rioux và Chủ tịch HĐTV EVN đã tham dự lễ khởi động chương trình hợp tác kỹ thuật giữa EVN và EDF (Tập đoàn Điện lực Pháp). Chương trình này được thực hiện bằng nguồn tài trợ của AFD trị giá 1 triệu EUR nhằm hỗ trợ EVN xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng, hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực của EVN.
Ông Rémy Rioux, Tổng Giám đốc AFD đánh giá, Việt Nam đặt mục tiêu rất mạnh mẽ về chuyển dịch năng lượng theo hướng các-bon thấp. “Tôi khẳng định cam kết của chúng tôi, rằng sẽ cung cấp chuyên gia và các khoản tài trợ mà Việt Nam cần trong khuôn khổ quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng” - ông Rémy Rioux nói.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch thành viên HĐTV EVN cũng khẳng định, EVN cam kết thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng để đáp ứng cam kết Net-zero của Chính phủ Việt Nam tại COP26, do vậy Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng sẽ trở thành trục chiến lược quan trọng của Tập đoàn để hiện thực hóa các cam kết quốc tế này.