Để nâng cao hơn nữa năng lực đấu tranh phòng, chống khủng bố (PCKB), Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Dự án Luật PCKB. Dự án Luật này sẽ được Quốc hội khóa XIII xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 này.
Diễn tập chống khủng bố. |
Diễn biến phức tạp
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, trong những năm qua, đặc biệt là sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, tình hình khủng bố quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, lan rộng ra khắp các châu lục, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ năm 2001 đến nay, trên thế giới đã xảy ra 5.774 vụ khủng bố, làm 48.173 người thiệt mạng, 86.045 người bị thương và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
Ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức khủng bố quốc tế gây ra, nhưng từ năm 2000 đến nay đã có 4 vụ khủng bố do đối tượng phản động lưu vong người Việt câu kết với các đối tượng phản động, đối tượng hình sự khác trong nước thực hiện được phát hiện, điều tra, xử lý.
Bên cạnh đó, cơ quan an ninh đã phát hiện nhiều đối tượng khủng bố quốc tế xâm nhập vào Việt Nam với các mục đích ngụy trang khác nhau, đồng thời cũng đã phát hiện một số đối tượng phản động trong nước có liên lạc, quan hệ với một số tổ chức khủng bố, Hồi giáo cực đoan trên thế giới và khu vực Đông Nam Á để thực hiện các hoạt động có dấu hiệu liên quan tới khủng bố.
Cơ quan An ninh cũng phát hiện hàng trăm đối tượng phản động lưu vong người Việt xâm nhập nội địa, mang theo hàng tấn thuốc nổ, vũ khí và phương tiện kỹ thuật nhằm sử dụng thực hiện khủng bố, phá hoại.
Trong bối cảnh trên, để nâng cao hơn nữa năng lực đấu tranh PCKB, đòi hỏi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mà hoàn thiện cơ sở pháp lý về PCKB là một giải pháp trọng tâm, cơ bản. “Việc ban hành Luật PCKB là yêu cầu khách quan, cấp bách, xuất phát từ yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới” – Bộ trưởng Quang nhấn mạnh.
Lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố
Tán thành về sự cần thiết ban hành Luật PCKB, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) nhấn mạnh, Dự án luật khi ra đời sẽ thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ cho công tác PCKB và tài trợ khủng bố phù hợp với thực tiễn nước ta; thực hiện các cam kết hợp tác quốc tế về PCKB và tài trợ khủng bố mà không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Luật là quy định về Ban chỉ đạo (BCĐ) PCKB. Theo Điều 9 Dự thảo Luật, chỉ trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập BCĐ PCKB quốc gia (như khi tình hình khủng bố xảy ra nghiêm trọng vượt quá thẩm quyền chỉ đạo giải quyết của một bộ, một địa phương) và chỉ đạo thành lập BCĐ PCKB bộ, ngành và cấp tỉnh (theo mô hình Bộ chỉ huy, Sở chỉ huy trong tình trạng khẩn cấp)
Tuy nhiên, đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh lại tán thành với ý kiến đề nghị thành lập các BCĐ không chuyên trách nhưng hoạt động mang tính chất thường xuyên (như BCĐ phòng, chống tội phạm các cấp) nhằm chỉ đạo công tác phòng ngừa khủng bố và chủ động, kịp thời chỉ đạo xử lý các vụ việc khủng bố khi có tình huống xảy ra. Ủy ban cho rằng, việc tổ chức các BCĐ PCKB là phù hợp với nguyên tắc “lấy phòng ngừa là chính; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời cá nhân, tổ chức khủng bố, tài trợ khủng bố” (tại khoản 3 Điều 6 Dự thảo Luật), không để tình huống khủng bố diễn ra đột xuất, bất ngờ.
Do vậy, cần phải quy định thành lập BCĐ PCKB cấp trung ương và cấp địa phương hoạt động thường xuyên theo chế độ kiêm nhiệm. Luật cần quy định cụ thể thành phần BCĐ PCKB và nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu của BCĐ này. Ngoài ra, cũng cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ và BCĐ PCKB trong việc quyết định áp dụng các biện pháp PCKB và đặc biệt là biện pháp khẩn cấp chống khủng bố để bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp hoặc khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp quy định tại Điều 21 Luật An ninh quốc gia.
Thành Công