Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Nông thôn mới, cùng hơn 70 cán bộ tư pháp - hộ tịch và đại diện lãnh đạo UBND của 25 xã thuộc Chương trình 135 và 7 Trưởng phòng Tư pháp của các huyện, thị.
Thay mặt Sở Tư pháp, Giám đốc Dương Thái Sơn đã trao tặng toàn bộ tài liệu phục vụ bầu cử, gồm 5 ấn phẩm: tờ gấp với nội dung những điều cần biết về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; đề cương tuyên truyền pháp luật về bầu cử dùng cho Đài phát thanh cấp huyện;
Đồng thời, còn có đề cương tuyên truyền pháp luật về bầu cử dùng cho Đài phát thanh cấp thôn, bản; đề cương tài liệu hỏi đáp về Luật Bầu cử, sử dụng cho cán bộ thôn, bản; đĩa CD phát thanh tiếng Kinh, tiếng Dao và đĩa DVD về nội dung tọa đàm pháp luật Luật Bầu cử trên truyền hình.
Theo Giám đốc Dương Thái Sơn, để giúp cho nhân dân, nhất là nhân dân tại các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh dễ dàng tiếp cận nguồn tài liệu để nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện đúng pháp luật về bầu cử, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong tỉnh để biên soạn thành những bộ đầy đủ. Đây là những tài liệu gọn nhẹ, truyền tải thông tin cụ thể, dễ hiểu, sát thực với hoạt động bầu cử đặc thù của thôn, bản.
Lễ trao tặng tài liệu, ấn phẩm phục vụ công tác bầu cử cho 25 xã đặc biệt khó khăn là một trong những hoạt động thiết thực, sáng tạo và kịp thời của Sở Tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại hội HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2020, góp phần giúp người dân hiểu rõ Luật Bầu cử và thực hiện đúng quyền công dân trong ngày hội lớn của toàn dân.
Cũng trong ngày 1/4, tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý năm 2016 giữa Sở Tư pháp Quảng Ninh với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Dương Thái Sơn khẳng định: Chương trình phối hợp là một trong những hoạt động cụ thể “Chương trình chung tay xóa nghèo pháp luật” nhằm giúp đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, từ đó tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
"Đồng thời, Chương trình giúp hình thành tính tự giác, chủ động tìm hiểu pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, làm giảm tình hình mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc phải giải quyết tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, góp phần hình thành nếp sống mới, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh” – ông Sơn nhấn mạnh.
Đây cũng là hoạt động sáng tạo, thiết thực, hiệu quả của Sở Tư pháp với phương châm hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, hội viên và nhân dân tiếp cận pháp luật, được thụ hưởng trợ giúp pháp lý, thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người khi tham gia, góp phần bảo vệ công lý, thượng tôn pháp luật và đảm bảo công bằng xã hội.