Sau loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD của khối ngân hàng cổ phần, ngày 22/9, thị trường đón nhận sự nhập cuộc của ngân hàng quốc doanh lớn - Agribank.
Lãi suất huy động USD của Agribank tăng từ 0,4% - 0,6% theo từng kỳ hạn |
Ngày 22/9, Sở Giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thông báo bắt đầu áp dụng lãi suất mới; khách hàng gửi tiết kiệm hay tiết kiệm bậc thang bằng USD được hưởng mức lãi suất cao hơn. Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm bằng USD, Sở Giao dịch Agribank áp dụng mức lãi suất 4,50%/năm (thay vì 4,00%/năm) đối với kỳ hạn 6 tháng; 4,80%/năm (thay vì 4,20%/năm) đối với kỳ hạn 9 tháng; 5,00%/năm (thay vì 4,50%/năm) đối với kỳ hạn 12 tháng; 5,10%/năm (thay vì 4,70%/năm) đối với kỳ hạn 24 tháng; 5,20%/năm (thay vì 4,80%/năm) đối với kỳ hạn 24 tháng lãi. Đối với khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm bậc thang bằng USD, Sở Giao dịch Agribank áp dụng mức lãi suất 4,50%/năm (thay vì 4,20%/năm) đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 5,00%/năm (thay vì 4,50%/năm) đối với kỳ hạn từ 12 tháng đến 18 tháng; 5,10%/năm (thay vì 4,70%/năm) đối với kỳ hạn từ 18 tháng đến 24 tháng; 5,20%/năm (thay vì 4,80%/năm) đối với kỳ hạn đủ 24 tháng. Như vậy, lãi suất huy động USD của Sở Giao dịch Agribank đã tăng khá mạnh, tăng từ 0,4% - 0,6%/năm, và mức cao nhất đã lên tới 5,20%/năm. Những mức lãi suất sau điều chỉnh cũng đã cạnh tranh ngang ngửa với các mức mà nhiều ngân hàng cổ phần đang áp dụng hiện nay. Trong khối các ngân hàng thương mại quốc doanh, hoặc đã cổ phần mà Nhà nước vẫn giữ vốn chi phối, Sở Giao dịch Agribank là thành viên đầu tiên tăng mạnh lãi suất huy động USD trong đợt điều chỉnh nổi bật trên thị trường khoảng một tháng trở lại đây; cũng là thành viên có mức cao nhất tính đến thời điểm này. Trước đó, khởi động từ cuối tháng 6 và bắt đầu mở rộng từ cuối tháng 8 vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã đồng loạt tăng lãi suất huy động USD. Hiện nhiều thành viên đã áp phổ biến trên 5%/năm, cao nhất ghi nhận ở mức 5,5%/năm.
Theo Thùy Duyên
VnEconomy
VnEconomy