Chủ động giám sát để phòng ngừa, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm là phương châm làm việc của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp trên địa bàn quận Thanh Khê. Thông qua việc giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề theo từng nội dung cụ thể, các cấp ủy Đảng ở quận đã nắm bắt tình hình ở cơ sở, điều chỉnh, nhắc nhở kịp thời cá nhân, tập thể có khuyết điểm và từ đó, hạn chế thấp nhất tình trạng đảng viên vi phạm pháp luật.
Thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở
Phường Vĩnh Trung là đơn vị thực hiện tốt công tác giám sát của Đảng. Trong ảnh: Bộ phận “một cửa” phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê.
|
Đảng bộ quận Thanh Khê có 52 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc và hơn 4.000 đảng viên. Với một lực lượng đảng viên đông đảo và số lượng chi bộ cơ sở nhiều như vậy thì việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác giám sát sao cho hiệu quả không phải chuyện đơn giản. Vấn đề đặt ra đối với Quận ủy và UBKT quận ngay từ đầu năm là phải tăng cường bám địa bàn, thường xuyên theo dõi để nắm bắt tình hình hoạt động của các chi bộ, đảng bộ cơ sở, nhất là ở khu dân cư, từ đó, có chương trình, kế hoạch giám sát phù hợp.
Ông Nguyễn Ngọc Chính, Chủ nhiệm UBKT Quận ủy Thanh Khê cho biết: “Chúng tôi đã cử các ủy viên UBKT Quận ủy phụ trách chi bộ, đảng bộ trực thuộc và hằng tháng, hằng quý đều xuống tận nơi dự họp, trực tiếp theo dõi, tham gia góp ý kiến trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của cấp ủy cấp trên. Những lúc dự họp như vậy, chúng tôi nghe ngóng những thông tin phản ảnh ở cấp cơ sở, nếu thấy xuất hiện vấn đề bất ổn hoặc tập thể, cá nhân nào có dấu hiệu vi phạm thì kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở ngay, không để sai phạm nghiêm trọng xảy ra”.
Theo ông Chính, để bám sát cơ sở, không bỏ sót những thông tin quan trọng, Quận ủy Thanh Khê đã thực hiện giám sát qua bốn kênh thông tin. Trong đó, đối với cán bộ lãnh đạo chính quyền cấp quận, phường, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận là người trực tiếp quản lý, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở. Nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát hiện có dấu hiệu vi phạm sẽ báo cáo ngay lên Ban Thường vụ Quận ủy để tiến hành giám sát, chấn chỉnh.
Một trong những kênh quan trọng nữa là giám sát trực tiếp của Bí thư Quận ủy qua các cuộc họp Đảng các cấp. Tại những buổi họp giao ban với lãnh đạo các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, Bí thư Quận ủy sẽ yêu cầu làm rõ những vấn đề đang vướng mắc, lắng nghe ý kiến của các Ban Đảng, của lãnh đạo chi bộ, đảng bộ cơ sở và từ đó, đề xuất Ban Thường vụ Quận ủy những phương án giải quyết phù hợp.
“Tại những buổi họp như vậy, chi bộ này có thể nhận thấy hạn chế của chi bộ khác và nhờ vậy, soi xét lại tình hình chi bộ mình để chấn chỉnh kịp thời, không mắc sai phạm tương tự”, ông Nguyễn Ngọc Chính nhấn mạnh. Riêng UBKT Quận ủy là một kênh thông tin chính thức và có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, phòng ngừa sai phạm ở cơ sở. Thành viên của UBKT là người trực tiếp lắng nghe ý kiến phản hồi ở chi bộ, đảng bộ trực thuộc, từ đó, sàng lọc, xác minh thông tin và đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm, kịp thời giáo dục, nhắc nhở, điều chỉnh, nếu đến mức phải kỷ luật thì tiến hành tiếp các bước của công tác kiểm tra.
Ngoài ra, tất cả các đảng viên ở quận đều có thể trực tiếp gặp lãnh đạo Quận ủy để phản ánh tình hình thực tế ở cơ sở cũng như những tồn tại, hạn chế của tập thể hoặc cá nhân đảng viên trong chi bộ, đảng bộ. Những ý kiến xác đáng sẽ được Thường vụ Quận ủy chỉ đạo tiến hành kiểm tra, giám sát, xác minh. Với những kênh thông tin này, việc nắm tình hình cơ sở trở nên thuận lợi hơn và hoạt động giám sát đối với chi bộ, đảng bộ trực thuộc vì thế ít gặp trở ngại. Nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với công tác giám sát cũng nâng cao, tạo điều kiện cho việc phối hợp triển khai, thực hiện vai trò giám sát của các cấp ủy Đảng ở cơ sở.
Linh hoạt hình thức giám sát
Hiện tại, các cấp ủy Đảng và UBKT các tổ chức cơ sở Đảng ở quận Thanh Khê đều xây dựng chương trình giám sát với 3 hình thức chính là giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp và giám sát chuyên đề. Trong đó, việc giám sát chuyên đề dù thực hiện chưa nhiều nhưng lại liên quan trực tiếp đến việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng ở cơ sở. Theo ông Trương Đình Tiến, Phó Chủ nhiệm UBKT Quận ủy Thanh Khê thì quy trình giám sát chuyên đề gần giống với quy trình công tác kiểm tra, tức là lên kế hoạch giám sát, thông báo, hướng dẫn nội dung cụ thể để chi bộ, đảng bộ nghiên cứu và lập tổ giám sát đến cơ sở làm việc.
Về vấn đề này, ông Phạm Hùng, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy phường Vĩnh Trung cho biết thêm: “Hằng năm, Đảng ủy phường triển khai Nghị quyết công tác năm, rồi Nghị quyết về an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh… đến các chi bộ và từ đó, chi bộ triển khai đến từng đảng viên, nhân dân. Khi tiến hành giám sát chuyên đề, chúng tôi tập trung vào từng nội dung cụ thể. Ví dụ, đối với việc thực hiện Nghị quyết về an sinh xã hội, thì giám sát xem cấp ủy chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào, chính quyền, Mặt trận, các hội và đoàn thể phối hợp thực hiện ra sao, có hiệu quả không… Nếu qua giám sát thấy việc triển khai không tốt thì sẽ báo cáo lên Đảng ủy cấp trên có phương án đôn đốc, chấn chỉnh thực hiện”. Ông Nguyễn Ngọc Chính đánh giá: Giám sát chuyên đề là hình thức hữu hiệu để theo dõi cấp ủy cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể có phối hợp đồng bộ hay không khi thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của cấp trên.
Việc giám sát gián tiếp qua các văn bản, báo cáo hoặc giám sát trực tiếp khi đến tận cơ sở đã phát huy tác dụng trong việc chủ động phòng ngừa sai phạm. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì trong tình hình hiện nay, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hơn, nhất là sai phạm trong lĩnh vực kinh tế. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Chính là phải rất cẩn trọng, chọn lọc thông tin, xác minh kỹ lưỡng, làm cho người vi phạm phải thật “tâm phục khẩu phục”, tự nhận thấy khuyết điểm của mình, không quanh co, chối bỏ. Nếu giám sát thực hiện tốt thì công tác kiểm tra cũng trở nên thuận lợi hơn vì sai phạm đến đâu xử lý đến đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các khuyết điểm, hạn chế, không để kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng phải đến mức kỷ luật.
Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành công tác giám sát, không ít tổ chức cơ sở Đảng vẫn chưa phân biệt rạch ròi chức năng giám sát và chức năng kiểm tra, sự phối hợp với các ngành liên quan thiếu đồng bộ dẫn đến sai phạm nhỏ nhưng khi giám sát không kịp thời phát hiện để mức độ sai phạm ngày càng tăng. Từ thực tế ở địa phương, ông Nguyễn Ngọc Chính nhận định: “Cán bộ làm công tác giám sát một số nơi còn hạn chế về trình độ, nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và thiếu kinh nghiệm.
Có nơi, cán bộ của UBKT lại kiêm nhiệm, bận công tác chuyên môn nên chưa đầu tư sâu cho công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng. Nhưng nhìn chung, nhờ thực hiện tốt chức năng giám sát mà chúng tôi không để xảy ra trường hợp đảng viên sai phạm đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật. Đảng viên ở các chi bộ, đảng bộ cũng nhận thức và chấp hành tốt khi tổ chức Đảng có yêu cầu giám sát. Việc tăng cường giám sát giúp cho Đảng bộ quận sâu sát hơn với cơ sở, khả năng ngăn ngừa sai phạm của tổ chức và đảng viên hiệu quả hơn”.
Bài và ảnh: Mỹ Hạnh