Hôm qua (5/9), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã giải trình tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về “hoạt động công chứng (CC), chứng thực và giải pháp”. Mặc dù “chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ” nhưng “đã gây bức xúc cho người dân, DN, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của hoạt động CC”, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động công chứng, chứng thực là giải pháp được người đứng đầu ngành Tư pháp đặc biệt chú trọng.
Khẳng định sau một thời gian triển khai, Luật Công chứng (CC) đã đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và thực chất, nhận được sự ủng hộ của đa số nhân dân, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động CC vẫn còn những hạn chế.
Có hiện tượng cố ý làm trái
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, sau 6 năm thi hành Luật CC, các tổ chức hành nghề CC trên cả nước đã CC được khoảng 7 triệu việc, tổng số phí CC thu được là gần 2.600 tỷ đồng, tổng số thù lao CC thu được 180 tỷ đồng, tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng. Hoạt động CC đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, đồng thời giảm thiểu công việc cho Tòa án và các cơ quan nhà nước trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện, thông qua đó bảo đảm trật tự an toàn và tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Đối với hoạt động chứng thực, báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết cũng còn nhiều bất cập như một số UBND cấp huyện, xã vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân, có hiện tượng quá tải trong việc chứng thực bản sao tại một số nơi, một số thời điểm do tình trạng “lạm dụng”, “sính” bản sao trong khi pháp luật đã quy định chỉ cần có bản chính để đối chiếu; chất lượng văn bản chứng thực trong một số trường hợp chưa bảo đảm, đặc biệt việc chứng thực hợp đồng, giao dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. |
Thực hiện Luật CC, đến nay, cả nước có 1.327 công chứng viên, tăng 3,4 lần. Số lượng các tổ chức hành nghề công chứng cũng tăng lên một cách mạnh mẽ (từ 84 lên 704 tổ chức, tăng gấp 8 lần). Trong tổng số 704 tổ chức hành nghề có 564 Văn phòng công chứng, nhiều VPCC hoạt động tốt, bước đầu tạo được thương hiệu, niềm tin trong nhân dân.
Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động công chứng có thể khẳng định sự ra đời của Luật Công chứng (CC) và các văn bản hướng dẫn thi hành là đúng đắn, thể chế hóa chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và cải cách hành chính...phục vụ một cách thuận tiện cho nhu cầu công chứng ngày càng tăng của nhân dân.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động CC vẫn còn những hạn chế, đó là một bộ phận công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề dẫn đến sai sót trong hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng văn bản CC; một số công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có hiện tượng cố ý làm trái, không tuân thủ quy trình, cạnh tranh không lành mạnh; một bộ phận tổ chức hành nghề CC hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (VPCC do một công chứng viên thành lập) nên thiếu tính ổn định, bền vững. “Các hiện tượng nêu trên tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đã gây bức xúc cho người dân, DN, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của hoạt động CC”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.
Cùng với những giải pháp đã và đang thực hiện, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên và hoạt động hành nghề CC, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Các giải pháp về chứng thực cũng được quan tâm, trong đó có củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chứng thực.
Kẽ hở khiến “công chứng loạn giá”?
Đồng tình với nhiều giải pháp do Bộ trưởng Tư pháp trình bày, song ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) vẫn đặt câu hỏi nghi ngại về tình trạng “thả nổi” trong việc lập các VPCC, trong quản lý chất lượng bản dịch và đặc biệt là trong bổ nhiệm công chứng viên. “Có phải do tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên quá dễ dãi nên dẫn đến sai phạm?”, ông Cương đặt câu hỏi.
Vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận “việc miễn đào tạo nghề cho công chứng viên hiện “đang có vấn đề”; thực tế cũng cho thấy có đến 80% sai phạm là do người được miễn đào tạo gây ra. Tuy nhiên, đầu năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng trong đó có quy định bồi dưỡng bắt buộc hàng năm. “Tới đây Bộ Tư pháp sẽ có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đầu vào của CCV”, Bộ trưởng nói.
Trước quan tâm của ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và cũng là của nhiều cử tri về tình trạng “loạn giá công chứng”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, hiện Luật Công chứng và Nghị định hướng dẫn có quy định về ba loại giá dịch vụ, thứ nhất là phí CC, thứ hai là thù lao dịch vụ và thứ ba là “chi phí khác”.
Hai loại giá đầu tiên (phí và thù lao) không có vấn đề vì luật cho phép và được niêm yết công khai. Tuy nhiên, loại thứ ba “chi phí khác” thì xã hội có nhiều ý kiến vì loại này hoàn toàn không được niêm yết mà theo thỏa thuận. “Chi phí khác ví dụ trong trong hợp CC ngoài trụ sở, người già ốm đau, nằm viện muốn lập di chúc, hay người đang thụ án trong trại giam muốn bán nhà, CCV phải đến tận nơi. Ở Hà Nội thì đơn giản chứ tận Lào Cai, Sơn La…thì phải tính cả chi phí ăn ở, đi lại…đó chính là chi phí khác”. Bộ trưởng nói và thừa nhận “đây cũng là kẽ hở, gây khó khăn trong công tác quản lý”.
Trước quan tâm của nhiều ĐBQH về thực trạng nơi thì phát triển quá nóng các tổ chức hành nghề công chứng, còn ở vùng sâu, vùng xa lại thiếu vắng gây khó khăn cho người dân, Bộ trưởng thẳng thắn, đúng là vào năm 2006 khi trình Quốc hội thông qua Luật Công chứng, ta chưa lường hết những phát sinh trong thực tế, nên bước đầu có sự lúng túng trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, sau đó Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng và đến cuối năm 2012 Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch này. “Để đảm bảo sự phân bố vùng miền thì phải tính đến việc sắp xếp lại, có thể phải sáp nhập với nhau, nếu không sáp nhập thì nghiên cứu phải dời đi chỗ khác. CC khác với các loại hình DN khác, không phải lập ra khó khăn rồi giải thể. Vì CC như một sản nghiệp dù người quản lý Văn phòng có thể không còn nữa nhưng VPCC thì vẫn phải tồn tại, có trách nhiệm với khách hàng suốt đời”.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Lê Đình Khanh (Hải Dương), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)….về những sai phạm, tiêu cực của CCV, Bộ trưởng không ngần ngại “hiện tượng lừa đảo là có. Nhưng lý do cũng là do luật định, ví dụ pháp luật cho phép 1 tài sản có giá trị lớn có thể thế chấp nhiều Ngân hàng khác nhau, lợi dụng quy định này CCV chứng nhận cho vay cuối cùng không trả được nợ”. Ngoài những nhóm giải pháp đã, đang và sẽ thực hiện, Bộ trưởng cho biết thêm, vừa qua Bộ trưởng đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh đề nghị thanh tra toàn bộ các VPCC hoạt động trên địa bàn. “Khi có báo cáo đầy đủ Bộ sẽ tổ chức thanh tra lại ở 1 số địa bàn trọng điểm”.
Phát biểu kết thúc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp cần có giải pháp cụ thể hơn, “trước mắt cần đẩy mạnh việc tổng kết đánh giá phục vụ sửa đổi Luật CC trình Quốc hội trong thời gian tới”.
Đề nghị cử tri tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Công chứng Hai nội dung lớn được Bộ trưởng Tư pháp kiến nghị, đó là đề nghị Quốc hội sớm xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng và xem xét, đưa việc xây dựng Luật chứng thực vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2015, tạo cơ sở vững chắc cho việc hoàn thiện chế định công chứng, chứng thực trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Bộ trưởng cũng đề nghị Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH, HĐND các cấp và cử tri cả nước tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát việc thực hiện Luật CC, pháp luật về chứng thực và pháp luật có liên quan. |
Thu Hằng