Cứ vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 hằng năm, nhà vườn Lâm Đồng lại bắt đầu vào vụ thu hoạch cà phê. Vụ thu hoạch cà phê năm nay, nhà vườn Lâm Đồng lại phải đối mặt với nhiều nỗi lo. Không chỉ nỗi lo… cũ ngày càng thêm gay gắt mà trong vụ thu hoạch này, dự báo sẽ phát sinh thêm nhiều nỗi lo mới.
Nhà nông Lâm Đồng thừa biết chuyện thu hái cà phê xanh không chỉ làm giảm chất lượng sản phẩm, giá bán thấp… mà còn làm cho năng suất vườn cây năm sau ảnh hưởng không tốt. Thế nhưng, nói như bà Hồng ở thôn Túy Sơn, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt: “Chỉ mới bắt đầu vào vụ thu hoạch thôi mà nạn trộm cà phê đã xuất hiện với mức độ ngày càng táo bạo hơn, nên nhà nông có vườn cà phê như chúng tôi lo lắm”.
Ông Ngô Xuân Dũng – Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ - cho biết: “Cả xã Xuân Thọ có 540ha cà phê, trong đó có 487ha cho thu hoạch. Cà phê Xuân Thọ nói riêng và cà phê Đà Lạt (chỉ Đà Lạt mà thôi) là cà phê moka – giống cà phê cho sản phẩm được đánh giá là số một thế giới hiện nay bởi chất lượng của nó (cao hơn cà phê chồn). Do vậy, các vườn cà phê ở Xuân Thọ, Xuân Trường… hiện đang là “đích ngắm” của kẻ trộm. Vừa rồi, trên địa bàn xã Xuân Thọ đã xảy ra một vụ trộm cà phê khá táo bạo. Sau khi vụ việc được phát hiện, xét thấy tính phức tạp của nó, chúng tôi đã chuyển lên cơ quan Công an TP Đà Lạt và hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra”. Vụ trộm được ông Dũng khái quát: Tại thôn Túy Sơn, gia đình ông Đào Duy Thăng vừa rồi đã bị bốn kẻ gian lợi dụng đêm tối trời, vườn cà phê ở xa khu dân cư, đã vào chặt trộm một số lượng lớn cây cà phê đang chín tới, quy ra cà phê quả tươi lên đến trên 400kg (cà phê moka Đà Lạt hiện đang 11.000 đồng/kg tươi, tương đương 42.000 đồng/kg khô). Mở rộng tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, cũng ngay trên địa bàn thôn Túy Sơn của xã Xuân Thọ, mới đây, vườn cà phê của gia đình ông Trần Bê cũng bị kẻ gian triệt hạ trên 150 gốc, tính ra cũng phải vài ba trăm kg tươi. Suốt tuần nay, cả nhà ông Trần Bê và ông Đào Duy Thăng phải ăn ngủ ngay trong rẫy để canh chừng kẻ trộm.
Và dĩ nhiên, Xuân Thọ chỉ là một trong những “điểm nhỏ” của nạn trộm cắp cà phê ở Lâm Đồng – tỉnh có đến 138.000ha cà phê với sản lượng trung bình hằng năm là 300.000 tấn.
Năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu vào vụ thu hoạch cà phê là các nhà vườn ở Lâm Đồng lại nháo nhào tìm người để thuê thu hái. Theo cách tính của Sở NN-PTNT Lâm Đồng thì trung bình 1ha cà phê phải cần đến 2 lao động thu hoạch ròng rã trong vòng ít nhất là hai tháng. Như vậy, 130.000ha cà phê của tỉnh Lâm Đồng sẽ cần đến một số lượng lao động khá “khổng lồ”. Lợi dụng tình hình thiếu lao động trong vụ thu hoạch cà phê, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những ngày qua đã xuất hiện một số chiêu lừa đảo mới.
Theo UBND huyện Di Linh, thì năm nay, huyện này sẽ kiên quyết chặn đứng nạn thu hái cà phê xanh bằng nhiều biện pháp (Di Linh là huyện có đến 40.000ha trong tổng số 130.000ha cà phê của tỉnh) như ra văn bản cấm các cơ sở thu mua cà phê thu mua cà phê xanh của người dân, cấm người dân thu hái cà phê xanh… Việc ra văn bản với nội dung tương tự hiện cũng đã phổ biến ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, áp lực thu hái cà phê xanh hiện đang đè nặng lên nhà vườn bởi nạn trộm cắp, nạn lừa đảo, và còn nhiều lý do khá phức tạp khác.
Mới đây, Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh, nhất là các địa phương trọng điểm cà phê, cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm chống nạn trộm cắp cà phê, giúp ổn định an ninh địa phương để người dân yên tâm với vườn cà phê đang bắt đầu chín tới của mình. Ở cấp xã, hầu như xã nào trong tỉnh hiện cũng đã thành lập tổ tự quản đến thôn. Ví dụ, cả 6 thôn của xã Xuân Thọ (Đà Lạt) có cả 6 đội tự quản, mỗi đội có từ 12 – 14 thành viên. Tổ tự quản này được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ chống trộm cà phê trên địa bàn. Chủ tịch xã Xuân Thọ, ông Ngô Xuân Dũng, cho biết: “Địa phương phát hiện vụ trộm cà phê khá lớn tại vườn nhà ông Đào Duy Thăng hôm vừa rồi là nhờ có công lao không nhỏ của đội tự quản thôn”. Ông Dũng nói thêm: “Trong những ngày này, khi vụ thu hoạch cà phê bắt đầu, Ban Công an xã của Xuân Thọ sẽ thường xuyên tiến hành kiểm tra vấn đề tạm trú tạm vắng, kiểm tra các chòi canh, chòi rẫy của bà con trong rừng… để hạn chế đến mức thấp nhất nạn trộm cắp cà phê”.
Khắc Dũng