Do nhu cầu về vật liệu trong xây dựng, nguồn tài nguyên đá dồi dào của thành phố đã thu hút nhiều tổ chức và cá nhân tham gia khai thác. Theo Sở Công thương, nguồn đá khu vực núi Phước Tường có chất lượng tốt, nhất là dùng trong thảm nhựa đường. Việc khai thác đá hiện được quản lý chặt chẽ trong cấp phép khoan nổ mìn. Vấn đề an toàn lao động, phòng chống cháy nổ cũng được chú trọng nên trong quý 1-2010 chưa ghi nhận trường hợp tai nạn đáng tiếc nào xảy ra... Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan.
Nhu cầu đá trong xây dựng tăng mạnh làm gia tăng khai thác đá và nguy cơ mất an toàn lao động luôn rình rập. |
Hiện trên địa bàn thành phố có 40 mỏ đá, trong đó 33 mỏ đang khai thác và riêng ở dãy Cẩm Khê - Phước Tường đã có tới 19 mỏ. Mỗi năm, các đơn vị khai thác với tổng công suất gần 1 triệu m3. Trước tình hình các vụ tai nạn lao động diễn ra ở nhiều nơi và tại thành phố nên công tác thanh tra an toàn lao động tại các mỏ đá được cơ quan chức năng quan tâm.
Việc thanh tra an toàn lao động được xác định không làm “khó dễ” cho đơn vị sản xuất mà tạo điều kiện để họ tổ chức sản xuất an toàn, bảo đảm tính mạng của người lao động trong môi trường làm việc nguy hiểm. Cơ quan chức năng đã kiểm tra thực tế tổ chức sản xuất và phổ biến các quy định an toàn lao động, nhất là an toàn trong nạp mìn và nổ mìn. Hiện hầu hết các mỏ đá đã đăng ký cấp giấy phép nổ mìn, đăng ký sử dụng vật liệu nổ cũng như tuân thủ các quy phạm an toàn trong khai thác và chế biến đá lộ thiên. Đối với việc sử dụng bình nén khí thì tiến hành đăng kiểm.
Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn lao động trong khai thác đá vẫn còn những bất cập. Rất ít các đơn vị khai thác đá có phương án sơ cấp cứu tai nạn lao động tại chỗ. Bên cạnh đó, vấn đề bảo hộ lao động, an toàn lao động và chính sách hỗ trợ đối với công nhân trực tiếp làm việc tại mỏ chưa được quan tâm. Chúng tôi tìm hiểu tình hình thực tế tại một số mỏ đá cho thấy, công nhân làm việc trong môi trường ô nhiễm bụi đá, tiếng ồn rất lớn nhưng không được trang bị găng tay, khẩu trang, giày, mũ, kính bảo hộ...
Giải thích về việc này, nhiều công nhân cho biết, khi sử dụng các đồ bảo hộ lao động cảm giác không thỏa mái, năng suất lao động giảm. Trong lúc đó, việc quản lý an toàn lao động chưa được một số chủ cơ sở, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, vẫn để công nhân khai thác đá không sử dụng găng tay, khẩu trang, giày, mũ, kính bảo hộ... khi vào công trình.
Khai thác đá ở khu vực Phước Thuận, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. |
Lý giải về tình trạng này, nhiều cơ sở khai thác đá tư nhân cho rằng, do sử dụng lao động thời vụ nên không dám bắt buộc công nhân sử dụng bảo hộ lao động, vì thấy căng quá họ nghỉ việc. Còn công nhân khai thác đá thì cho rằng: “Sinh nghề tử nghiệp là chuyện thường tình. Nghề khai thác đá là nghề nguy hiểm nên công nhân chúng tôi tin vào vận rủi may”.
Theo Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, mỗi khi thực hiện thanh tra ở các mỏ đá, có phát hiện sai phạm về chế độ, chính sách cho người lao động như về bảo hiểm, trợ cấp độc hại... thì cũng chủ yếu là nhắc nhở.
Ở thời điểm này, việc khai thác đá diễn ra sôi động, các mỏ đá hoạt động hết công suất. Tuy vậy, thời tiết bước vào mùa nắng nóng, hanh khô, nguy cơ mất an toàn trên các mỏ đá rất cao, cần phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động ở các cơ sở khai thác đá trên địa bàn thành phố.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG