Hiện nay, cán bộ y tế là bác sỹ, dược sỹ đại học ở tỉnh ta vừa thiếu về số lượng vừa thiếu về chủng loại; số cán bộ chuyên khoa sâu, cán bộ đầu ngành chiếm tỷ lệ thấp; trang thiết bị của y tế tuyến dưới còn nhiều cách biệt so với tuyến trên, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Để giải quyết tình trạng này, tháng 5-2008, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1816/QĐ-BYT về việc cử cán bộ luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới (gọi tắt là Đề án 1816) nhằm tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không phải chuyển lên tuyến trên. Sau gần 2 năm triển khai, đề án đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Bác sỹ từ Trung ương về hỗ trợ cho tỉnh
Vào dịp 27-2-2009, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân đa chấn thương vùng bụng, vỡ gan lách, thủng dạ dày. Thông thường những trường hợp như thế phải chuyển ngay lên tuyến trên và tỷ lệ tử vong khá cao song các bác sỹ khoa ngoại của bệnh viện dưới sự hướng dẫn của Tiến sỹ Nguyễn Khắc Đức (cán bộ tăng cường của Bệnh viện Bạch Mai) đã cứu sống người bệnh.
Bác sĩ và kỹ thuật viên Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh phân tích mẫu bệnh phẩm trong điều trị.
Ảnh: Thu Hà
|
Không chỉ hỗ trợ cứu chữa một vài trường hợp bệnh nhân nặng cụ thể mà đối với các bác sỹ tăng cường từ Trung ương về, nhiệm vụ quan trọng là giúp đỡ, chuyển giao cho đội ngũ cán bộ y, bác sỹ của các bệnh viện tuyến tỉnh những kỹ thuật, phương pháp điều trị mới, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, giảm tỷ lệ người bệnh phải chuyển lên tuyến trên. Hai năm qua, các bệnh viện trong tỉnh đã đón hàng trăm lượt các y, bác sỹ chuyên khoa đầu ngành của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Ung bướu, Viện Bỏng Trung ương về hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật. Theo thống kê, trong 2 năm qua đã có 500 lượt cán bộ y, bác sỹ của bệnh viện được tập huấn, đào tạo tại chỗ, 3237 bệnh nhân được cán bộ luân phiên khám trực tiếp, 146 bệnh nhân được cán bộ luân phiên trực tiếp phẫu thuật. Bác sỹ Nguyễn Văn Hoà, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, sau khi có Đề án 1816, được sự hỗ trợ của các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tuyến Trung ương, trình độ chuyên môn của các y, bác sỹ bệnh viện đã được nâng lên, nhiều kỹ thuật khó như phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật sọ não, phẫu thuật nội soi khớp, thay khớp háng toàn phần, các phẫu thuật nội soi tiêu hoá… đã được bệnh viện thực hiện hiệu quả. Trước đây hầu hết các ca chấn thương sọ não đều phải chuyển lên tuyến trên thì nay bệnh viện đã có thể tự tin giữ bệnh nhân ở lại. Trong 2 năm 2008-2009, bệnh viện đã phẫu thuật thành công gần 100 ca chấn thương sọ não, không xảy ra tai biến. Trong năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010 đã phẫu thuật bằng phương pháp nội soi ruột thừa cho 971 trường hợp, 81 ca phẫu thuật túi mật, 32 ca phẫu thuật khâu lỗ thủng dạ dày, tăng gấp nhiều lần so với những năm trước. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm đáng kể bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Bên cạnh đó dưới sự hỗ trợ của các bệnh viện Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã bước đầu chuẩn bị các điều kiện để phát triển Khoa Ung bướu trở thành Trung tâm Ung bướu khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh ung thư đồng thời thành lập thêm Khoa Ngoại tiết niệu, Khoa Sọ não - cột sống, thành lập đơn nguyên thận nhân tạo. Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa khác như Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Nội tiết, Bệnh viện Y học cổ truyền trong những năm qua cũng đã được đón các cán bộ y tế tuyến Trung ương về hỗ trợ, Trung tâm Nội tiết tiếp nhận 5 cán bộ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương về chuyển giao các kỹ thuật như điều trị đái tháo đường - tăng huyết áp; một số rối loạn chuyển hoá lipit, quản lý và điều trị bệnh nhân đái tháo đường… Bệnh viện Y học cổ truyền tiếp nhận 2 bác sỹ của Viện Châm cứu Trung ương về huấn luyện kỹ thuật trường châm cứu điều trị di chứng tai biến mạch máu não và một số bệnh thường gặp khác… Nhìn chung các bệnh viện được tiếp nhận cán bộ tuyến Trung ương về tăng cường đều đã phát huy tối đa nguồn lực hiện có, tranh thủ tiếp thu học hỏi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới do các bác sỹ tuyến trên truyền đạt, từ đó chất lượng khám chữa bệnh đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Bác sỹ tuyến tỉnh về cơ sở
Cùng với việc tiếp nhận cán bộ tăng cường từ tuyến TW về tỉnh, ngành Y tế đã cử bác sỹ ở các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện về hỗ trợ cho tuyến cơ sở, yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác chỉ đạo tuyến. Bệnh viện Tâm thần cử 5 cán bộ về các huyện Giao Thuỷ, Ý Yên, Nghĩa Hưng tổ chức 10 lớp tập huấn cho 342 cán bộ y tế tuyến huyện và các xã về công tác quản lý, chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. Bệnh viện Mắt tỉnh tổ chức nhiều đoàn phẫu thuật lưu động xuống cơ sở để chuyển giao kỹ thuật và mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân mù nghèo. Các bệnh viện tuyến huyện cũng đã có kế hoạch cử cán bộ luân phiên xuống các xã thiếu bác sỹ hỗ trợ về chuyên môn trong khám chữa bệnh. Bệnh viện Đa khoa Ý Yên cử cán bộ về cơ sở hỗ trợ một số kỹ thuật sản phụ khoa thông thường như cách theo dõi tim thai, phòng ngừa nhiễm khuẩn trước khi sinh, hồi sức sơ sinh... Bệnh viện Đa khoa Giao Thuỷ cử 10 bác sỹ tăng cường cho cơ sở mỗi tuần 2 lần để hướng dẫn cán bộ các trạm y tế xã về công tác khám chữa bệnh và một số kỹ thuật cấp cứu thường gặp tại trạm y tế xã.
Để đề án 1816 thực sự phát huy hiệu quả, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị rà soát những khâu yếu cần đơn vị y tế tuyến trên hỗ trợ. Các bệnh viện tuyến tỉnh đề nghị hỗ trợ 18 kỹ thuật của các bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Phụ sản TW. Tuyến huyện đề xuất hỗ trợ 13 lĩnh vực chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Y học cổ truyền. Các bệnh viện tuyến huyện cũng có kế hoạch cử cán bộ chuyên môn về giúp trạm y tế các xã, phường những kỹ năng chuyên môn cơ bản như hồi sức cấp cứu sơ sinh, sơ cứu các loại chấn thương, xử trí cấp cứu ban đầu, xử lý cơn tăng huyết áp và những bệnh thường gặp ở tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ sở y tế được tiếp nhận cán bộ tăng cường mong muốn bệnh viện tuyến trên cử cán bộ có trình độ phù hợp với nhu cầu của cơ sở, tiến hành chuyển giao từng kỹ thuật một cách hoàn chỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ đi luân phiên, đồng thời có cơ chế động viên, khuyến khích để cán bộ đi luân phiên yên tâm làm việc./.
Hoài Phương