Vụ kiện của khách hàng Phạm Thị Đào với Cty HATECO do chủ đầu tư đã không hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu đô thị như cam kết khiến khách hàng chậm nộp tiền, lại còn đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng, được TAND TP Thái Bình tuyên khách hàng thắng kiện ở vòng sơ thẩm do lỗi hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư. Thật bất ngờ, đến phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Thái Bình cho rằng chủ đầu tư không có lỗi và tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để xét xử lại.
Khu đô thị Trần Lãm - nơi nguyên đơn hợp đồng mua căn hộ với bị đơn |
Chủ đầu tư “nắm đằng chuôi”
Ngày 3/7/2007, bà Phạm Bích Đào ký hợp đồng mua của Cty CP Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội (HATECO, trụ sở tại TP Thái Bình) căn nhà xây thô dạng biệt thự nằm trong Dự án khu đô thị Trần Lãm. Theo hợp đồng, thời hạn thanh toán được chia làm 4 đợt: đợt 1 nộp 170 triệu đồng; đợt 2 nộp tiếp cho đủ 30% giá trị sử dụng đất và ký hợp đồng; đợt 3 nộp tiếp 30% trước ngày 31/12/2007; đợt 4 thanh toán hết trước ngày 30/06/2008.
Theo Quyết định số 05/2005/QĐ-UB của UBND tỉnh Thái Bình, Dự án Khu Đô thị mới Trần Lãm được thực hiện trong 3 năm (2005-2007), chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 phát triển hạ tầng kỹ thuật từ tháng 1/2005 đến tháng 8/2005. Giai đoạn 2 hoàn thành khai thác đất đô thị có hạ tầng kỹ thuật từ 2005-2007. Đối với hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư chịu trách nhiệm bàn giao cho tỉnh quản lý sau khi kết thúc dự án (vào năm 2007)”.
Quá trình thực hiện hợp đồng, bà Đào đã nộp cho HATECO tổng cộng 432 triệu đồng tương đương 30% giá trị sử dụng 2 ô đất và ký hợp đồng. Sau đó bà Đào không tiếp tục nộp tiền vì thấy HATECO không hoàn thiện hạ tầng khu đô thị.
Hết thời hạn nộp tiền (30/6/2008) theo hợp đồng, HATECO đã 4 lần gửi công văn yêu cầu bà Đào nộp đủ số tiền còn lại. Nhưng bà Đào luôn yêu cầu HATECO phải hoàn tất cơ sở hạ tầng thì mới tiếp tục nộp tiền.
Ba năm sau, vào ngày 27/5/2011, thấy hạ tầng kỹ thuật đã được cải thiện đáng kể, bà Đào xin được nộp đủ số tiền còn thiếu. Tuy nhiên, HATECO thông báo với bà Đào rằng hợp đồng giao dịch giữa HATECO với bà đã hết hiệu lực và yêu cầu bà tới nhận lại số tiền 432.000.000đ trước ngày 30/06/2011. Nếu quá thời hạn trên mà khách hàng không đến nhận thì được xem như khoản tiền này là khoản tiền khách hàng chịu phạt do vi phạm hợp đồng.
Sau nhiều lần đàm phán không thành, ngày 29/9/2011, bà Đào khởi kiện ra TAND TP Thái Bình yêu cầu HATECO phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Ngày 15/8/2012, TAND TP Thái Bình xét xử sơ thẩm đã nhận định: Cty HATECO đã vi phạm hợp đồng và bà Đào có quyền hoãn nộp tiền sử dụng đất; lỗi trong việc thực hiện hợp đồng là hoàn toàn do HATECO gây ra. Vậy nên việc HATECO đơn phương chấm dứt hợp đồng là không có cơ sở và buộc hai bên phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Sự kiện người dân thắng kiện chủ đầu tư với căn cứ pháp lý xác đáng được dư luận TP Thái Bình ủng hộ, nhất là trong bối cảnh chung nhiều nhà đầu tư huy động vốn, vi phạm tiến độ công trình.
Sau đó, HATECO đã kháng cáo đề nghị xử phúc thẩm. Tại bản kháng nghị của VKSND TP Thái Bình đối với những vi phạm về tính án phí cũng khẳng định: “Lẽ ra, phần Quyết định của bản án chỉ cần buộc các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng là phù hợp…” Sau đó HATECO kháng cáo đề nghị Tòa đồng ý với kiến nghị của HATECO đơn phương chấm dứt hợp đồng và tính lại án phí.
Tòa tỉnh “bênh” kẻ mạnh?
Ngày 9/1/2013, TAND tỉnh Thái Bình xử phúc thẩm vụ án này đã công khai bày tỏ quan điểm “bảo vệ” HATECO dù thiếu cơ sở pháp lý. Đơn cử tòa cho rằng Điều 4 của hợp đồng chỉ là điều khuyến khích nộp tiền đúng hạn chứ không cho phép nộp chậm. Thậm chí, đại diện VKS còn giải thích về việc chậm tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật rằng nội dung này không có trong hợp đồng nên HATECO không vi phạm hợp đồng.
Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật là trách nhiệm của HATECO với thành phố và tỉnh Thái Bình chứ không có điều khoản nào quy định đấy là trách nhiệm của HATECO với khách hàng.
Tòa phúc thẩm nhận định: Việc bà Đào chậm nộp tiền đã vi phạm nguyên tắc thực hiện hợp đồng nên HATECO có quyền chấm dứt Hợp đồng là đúng pháp luật. Mặc dù HATECO và luật sư của họ thừa nhận có lỗi trong quá trình thực hiện hợp đồng và mặc dù tính đến thời điểm xử phúc thẩm, HATECO vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hợp đồng đã ký với khách hàng nhưng tòa phúc thẩm vẫn lập luận:
Phía HATECO không có lỗi trong việc thực hiện hợp đồng; cộng thêm một số sai sót về tố tụng nên TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu cấp sơ thẩm xử lại. Bản án phúc thẩm khiến bà Đào và dư luận hết sức bất bình, tiếp tục khiếu nại bản án theo trình tự giám đốc thẩm.
Trần Nguyên