Khi chính quyền yêu cầu dừng hành vi san lấp trái pháp luật, các bị cáo không những không chấp hành và còn lăng mạ đại diện chính quyền và chặt phá cây cảnh của gia đình khác cho… hả giận.
Ba bị cáo Bùi Đăng Sơn, Bùi Đăng Hải và Nguyễn Văn Hoàn với bị hại Bùi Đăng Phong, Phạm Thị Hạnh đều là những người thân thích trong một gia đình. Bị cáo Bùi Đăng Sơn là anh ruột của bị hại Bùi Đăng Phong và cũng là bố của bị cáo Bùi Đăng Hải.
Nhưng, hành vi phạm tội của các bị cáo lại thể hiện những người ruột thịt không coi trọng tình cảm gia đình mà đối xử rất tệ bạc với người thân khiến cho 3 bị cáo đều phải lĩnh án tù. Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Thanh Oai, 3 bị cáo Sơn, Hải, Hoàn bị truy tố về tội hủy “Hoại tài sản” khi “triệt phá” nhiều cây cảnh của gia đình anh Bùi Đăng Phong, tổng thiệt hại gần 40 triệu đồng.
Ngày 18/10/2011, ông Bùi Đăng Tước (bố của bị cáo Sơn) cùng con cháu thực hiện việc chặt cây tại khu vực bờ kênh N5 thuộc thôn Đìa, xã Bình Minh để những cây sắp đổ không đổ vào đường điện và làm kè đá vào trang trại của gia đình. Chiều hôm đó, ông Tước thuê một chiếc máy ủi đến san lấp khu vực đất trống nơi tiếp giáp giữa bờ kênh N5 và đất của gia đình anh Bùi Đăng Phong.
Khi máy xúc san lấp, chị Phạm Thị Hạnh đã báo cáo với chính quyền xã về việc san lấp trái phép này. UBND xã Bình Minh đã cử một tổ công tác do Phó Chủ tịch Bùi Văn Oánh chỉ đạo đến hiện trường để giải quyết sự việc. Tổ công tác đã yêu cầu máy xúc dừng san lấp và di chuyển khỏi khu vực san lấp trái phép. Tuy nhiên, ông Bùi Đăng Sơn đã không chấp hành mà còn có lời lẽ lăng mạ, chửi bới những người thi hành công vụ.
Không chỉ dừng ở đây, khi bị Tổ công tác của UBND xã Bình Minh ngăn chặn, ông Bùi Đăng Sơn và Nguyễn Văn Hoàn cầm rìu và dao chặt đứt các cành cây lộc vừng cảnh của gia đình anh Bùi Văn Phòng được trồng trong ang xi măng, đặt trong khu vực đất mà gia đình anh Phong đang sử dụng.
Việc làm trái pháp luật của bố con bị cáo Bùi Đăng Sơn không chỉ dừng lại ở đó. Họ tiếp tục trút giận lên các cây cảnh khác của gia đình anh Bùi Đăng Phong. Theo biên bản định giá tài sản và kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản huyện Thanh Oai, ngoài các loại cây bạch đàn, trứng cá có giá trị thấp thì có nhiều cây cảnh trị giá nhiều triệu đồng như lộc vừng, cây xanh trị giá nhiều triệu đồng bị chặt phá. Tổng giá trị bị hủy hoại gần 40 triệu đồng.
Không những chặt phá cây cảnh, bị cáo Bùi Đăng Hải còn thể hiện sự coi thường pháp luật và tài sản của người khác bằng việc dùng rìu sắt chém hai phát vào cửa xếp nhà anh Bùi Đăng Phong, chú ruột của Hải; bị cáo Sơn thì trèo lên kiêu gạch nhà anh Phong, đẩy đổ và vứt gạch ra xung quanh. Khi tổ công tác của UBND xã Bình Minh yêu cầu các công dân vi phạm này ký biên bản sự việc thì họ phớt lờ luôn.
Những hành vi vi phạm của các bị cáo đã bị trừng phạt khi CQĐT khởi tố và bắt tạm giam cả ba bố con bị cáo Bùi Đăng Sơn về tội hủy hoại tài sản. Ngày 5/2/5013, TAND huyện Thanh Oai đã mở phiên tòa xét xử các bị cáo. Tại phiên tòa, bị cáo Bùi Đăng Sơn cho rằng, bị cáo không khai báo và không chấp nhận ký các văn bản tố tụng thì… không có tội còn bị cáo Bùi Đăng Hải lại “tố cáo” CQĐT ép cung. Chỉ có bị cáo Nguyễn Văn Hoàn là thành khẩn khai nhận những việc đã làm.
Theo đánh giá của HĐXX, hành vi hủy hoại tài sản của người thân trong gia đình thể hiện việc coi thường tình cảm gia đình, coi thường pháp luật. Đặc biệt, bị cáo Bùi Đăng Sơn đã phạm tội với tình tiết tăng nặng là tái phạm vì năm 2009, bị cáo đã bị phạt tù vì hành vi phạm tội cố ý gây thương tích.
Trong vụ án này, bị cáo Sơn cũng đóng vai trò đầu vụ, hành vi của bị cáo cũng là nguyên nhân dẫn đến việc con trai, con rể phạm tội. Vì vậy, Tòa án xử phạt bị cáo Sơn 24 thàng tù. Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn vì hối lỗi, ăn năn nên được xử phạt bằng thời hạn tạm giam. Tòa án cũng chiếu cố Bùi Đăng Hải vì có bố đã bị xử phạt tù trong cùng vụ án này nên cũng chỉ xử phạt bằng thời hạn tạm giam là 6 tháng 12 ngày tù.
Bị hại cho rằng Tòa chưa công bằng. Trong đơn kháng cáo, anh Bùi Đăng Phong và chị Nguyễn Thị Hạnh phản ánh, các bị cáo không chỉ thực hiện hành vi phạm tội rất hung “côn đồ” vào ngày 18/10/2011 mà trước đó, các bị cáo còn nhiều lần mang hung khí đến đe dọa, uy hiếp gia đình anh chị.
Hành vi ngông cuồng, coi thường pháp luật của các bị cáo đã diễn ra có hệ thống nhiều năm qua. Anh Phong và chị Hạnh từng bị gây thương tích nên hết sức lo sợ trước những hành vi coi thường pháp của các bị cáo. Bị cáo Sơn từng bị xử phạt trong vụ án trước nhưng vẫn coi thường pháp luật nên việc Tòa xử các bị cáo với mức án chỉ 6 tháng tù sẽ không thể sức răn đe.
Trong vụ án này, người bào chữa đã cung cấp “chứng cứ” là lời khai của các nhân chứng để bào chữa cho các bị cáo nhưng không được Tòa án chấp nhận. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn để làm rõ hơn giá trị của chứng cứ do luật sư cung cấp cho Tòa án. Thưa Luật sư, người bào chữa có được tự mình đi thu thập lời khai của nhân chứng để bào chữa cho bị can, bị cáo không? - Theo quy định tại Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bào chữa có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để bào chữa cho bị cáo. Tuy nhiên, quyền này khác với việc lấy lời khai của nhân chứng. Việc lấy lời khai của người làm chứng được quy định tại Điều 135, thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra, kiểm sát. Trong bản án, tôi thấy Tòa án phân tích việc tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư tham gia tố tụng đã cử nhân viên đi thu thập lời khai của người làm chứng rồi cung cấp cho Tòa án làm chứng cứ để bào chữa cho bị cáo. Theo tôi, tính hợp pháp của chứng cứ thể hiện ở quyền thu thập chứng cứ. Bản thân người bào chữa không thể tự mình lấy lời khai của người làm chứng thì tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư bào chữa càng không thể cử người đi thu thập chứng cứ vì tổ chức hành nghề luật sư không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, không có tư cách thu thập chứng cứ. Do đó, chứng cứ do tổ chức này thu thập không có giá trị chứng minh, cho dù đó là tài liệu, đồ vật hay lời khai của người làm chứng. Trong vụ án này, các bị cáo có hành vi lăng mạ cán bộ thi hành công vụ và vô cớ hủy hoại tài sản của bị hại nhưng Tòa án không xem xét tình tiết “côn đồ” theo ông có đúng pháp luật không? - Tôi cho rằng, việc hủy hoại tài sản không xuất phát từ mâu thuẫn với bị hại, hành vi của các bị cáo rất coi thường pháp luật khi lăng mạ cả người đại diện cho chính quyền nên nếu bị hại kháng cáo tăng hình phạt thì cần phải xem xét cả tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” theo Điểm d, khoản 1, Điều 48, BLHS. Xin cảm ơn ông! |
Bình Minh