Sau một ngày các bên tiếp tục tranh luận, dù các bên đã khẳng định không còn điều gì tranh luận nữa, thẩm phán chủ tọa lại tuyên bố tạm ngừng phiên tòa, sẽ tiếp tục xử vào ngày 20/8 và cho hay “chưa tuyên bố kết thúc phần tranh luận”.
Nên nhớ, từ hai năm nay, TAND Quận 7 đã liên tiếp bị một số bên liên quan trong vụ án này có đơn phản ánh “ngâm tôm” vụ kiện, vi phạm tố tụng… Động thái ngày hôm qua của thẩm phán khiến dư luận đặt ra câu hỏi: “Câu giờ” phiên xử như vậy để làm gì?
Các bên đã chán “cãi nhau”, thẩm phán vẫn… đề nghị tranh luận
Sáng qua, sau những ngày phiên xử “tạm ngưng”, Thiên Phú bất ngờ lại nộp đơn yêu cầu HĐXX trưng cầu giám định tiền gốc, lãi, số tiền đã trả và hiện nay chính xác Thiên Phú còn nợ Agribank bao nhiêu tiền. Lý do Thiên Phú đưa ra là bảng tính tiền gốc lãi của Agribank không đúng với bản của chính Thiên Phú tính toán.
Yêu cầu này của Thiên Phú bị các bên đánh giá là không cần thiết. Theo Báo cáo số 2568/NHNo-PC ngày 28/3/2019 của Agribank gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, từ 2003-2007 Thiên Phú đã vay của Agribank 305 tỷ và gần 19 ngàn lượng vàng. Tổng dư nợ sau quy đổi của Thiên Phú tính đến 2007 là gần 1118 tỷ đồng.
“Xưa nay các con số này Agribank đã nhiều lần công khai, đại diện Thiên Phú cũng đã xác nhận, vậy mà bây giờ yêu cầu tính toán lại thì không hiểu để làm gì? Từ đó đến nay, nếu tính toán lãi suất đúng theo quy định, dù bây giờ Thiên Phú có vài dự án như Hòa Lân thì bán hết cũng không đủ trả ngân hàng”, một ý kiến cho biết.
Theo bị đơn Cty Nam Sài Gòn và các bên liên quan như Agribank, Kim Oanh thì Thiên Phú cũng không có quyền đưa ra yêu cầu trên trong vụ án này. Agribank cho biết việc hợp đồng tín dụng, thế chấp, Thiên Phú còn nợ Agribank bao nhiêu không thuộc thẩm quyền của TAND Quận 7. Hơn nữa, TAND Quận 7 thụ lý các yêu cầu của Thiên Phú về hợp đồng tín dụng, thế chấp; nhưng chưa xác định được tư cách tố tụng của Agribank nên tòa không thể tiếp tục chấp nhận những yêu cầu vô lý của Thiên Phú như trên.
Sau khi các đương sự không còn tranh luận về vụ án, Thẩm phán Lê Thị Phơ tuyên bố HĐXX vào phòng hội ý. HĐXX sau đó vẫn quay lại phần hỏi với yêu cầu tranh chấp hợp đồng tín dụng, thế chấp, tính toán số tiền gốc lãi và yêu cầu giám định của Thiên Phú.
Chủ tọa yêu cầu cung cấp bảng tính lãi mà Thiên Phú thực hiện và hỏi về cách tính, thời điểm tính. Sau đó chủ tọa hỏi: “Khi thực hiện các hợp đồng tín dụng, thế chấp, nguyên đơn đã giao hồ sơ thế chấp thì giao những gì, liệt kê từng hồ sơ gì?”. Thiên Phú trả lời: “Chúng tôi… không giao gì cả”.
Sau khi kết thúc việc hỏi lại, thẩm phán đề nghị các bên tranh luận. Các bên đương sự cho biết không tranh luận thêm gì vì đã thực hiện tranh luận đầy đủ trong gần 3 ngày.
Chuyên gia lưu ý có thể xảy ra tình huống “giật mình”
Theo Điều 261, 262, 264 BLTTDS, sau khi các bên đương sự kết thúc phần hỏi, đến phần phát biểu của KSV kiểm sát phiên tòa và sau đó HĐXX sẽ nghị án. Tuy nhiên, khi các bên khẳng định không còn tranh luận nữa thì chủ tọa tuyên bố tạm dừng phiên tòa, phiên xử sẽ tiếp tục vào thứ Năm (ngày 20/8) mà không tiến hành trình tự tố tụng gì khác.
Do thấy sự việc bất thường vì trong phiên xử này HĐXX từng không xét xử liên tục với thời gian “tạm ngưng” gần 1 tuần, đại diện Nam Sài Gòn có ý kiến: “HĐXX dừng phiên tòa phải có lý do, không phải dừng là dừng. Các bên đương sự đã hết tranh luận thì phải chuyển sang phần khác”. “HĐXX xét thấy hôm nay đã hết giờ làm việc nên tạm dừng đến thứ Năm. HĐXX chưa tuyên bố kết thúc phần tranh luận”, chủ tọa “chốt”.
Theo Điều 15 BLTTDS, nguyên tắc xét xử là liên tục, nghĩa là xử một vụ án từ lúc khai mạc phiên tòa đến khi tuyên án phải diễn ra một cách liên tục, trừ thời gian nghỉ cần thiết (nghỉ giữa buổi, nghỉ trưa, nghỉ đêm, nghỉ lễ tết). Luật quy định việc tạm dừng, tạm hoãn phải có lý do chính đáng. Vậy trong vụ kiện này, vì sao TAND Quận 7 lại xử kiểu nhiều lần “giật cục”, dấu hiệu “câu giờ” như nêu trên?
Là người đã theo dõi kỳ án trên một thời gian dài, Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) khẳng định: “Chắc chắn phải có nguyên nhân”. “Chìa khóa” để giải câu hỏi này, đến từ thông tin đang có đơn kiện gửi đến một số cơ quan chức năng tại Bình Dương đòi giải quyết khiếu kiện liên quan chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty Thiên Phú được thực hiện hồi tháng 3/2020.
Trước đó, khi vụ kiện được TAND Quận 7 thụ lý, Thiên Phú có 2 thành viên góp vốn là ông Bùi Thế Sơn (99%) và Đặng Bình Anh Trọng (1%). Ông Trọng sau này có đơn tố cáo gửi Công an Bình Dương về việc bị nhóm đối tượng “xã hội đen” cưỡng đoạt phần vốn góp, bị ép phải sang tên cho một người tên là Trương Thành Phú. Về phía ông Sơn, sau đó cũng bị Bộ Công an bắt vì liên quan một vụ lừa đảo.
Cuối tháng 3/2020, vài ngày trước khi bị bắt, ông Sơn đã lập hợp đồng chuyển nhượng vốn góp cho người khác với giá 99 tỷ, dù thực chất ông Sơn khai “thời điểm đó Thiên Phú không còn hoạt động gì”. Phát hiện bất thường, Sở KH&ĐT Bình Dương đã có văn bản chưa chấp nhận vụ chuyển nhượng vốn góp này.
“Theo tôi, về bản chất, hiện vụ kiện Hòa Lân đang không có nguyên đơn, đang không có người đại diện. “Người đại diện Thiên Phú” tại tòa hiện nay là một người được ông Sơn ủy quyền. Mà ông Sơn bị bắt giam nên đương nhiên mất quyền đại diện Thiên Phú theo quy định Luật Doanh nghiệp. Ông Phú thì bị ông Trọng tố cáo cưỡng đoạt phần vốn góp nên thậm chí cần phải khởi tố vụ việc này để làm rõ. Những người nhận chuyển nhượng vốn góp trước khi ông Sơn bị bắt chưa được Sở KH&ĐT Bình Dương công nhận”, LS Hiệp nói.
“Tôi không loại trừ khả năng phiên xử đang diễn ra tại TAND Quận 7 đang cố tình được “câu giờ” để chờ đợi một quyết định nào đó của cơ quan chức năng giải quyết khiếu kiện liên quan chuyển nhượng phần vốn góp của Cty Thiên Phú được thực hiện hồi tháng 3/2020. Tới lúc đó, vụ kiện sẽ có thể bị tạm đình chỉ với lý do chờ xử lý vụ khiếu kiện trên và các bên liên quan tiếp tục “mút mùa” chờ đợi”, LS Hiệp nói.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, với những diễn biến bất thường như trên, đã tới lúc TANDTC và CQĐT của VKSNDTC cần xem xét kiểm tra, vào cuộc điều tra với các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự Quận 7 trong vụ kiện này.
“Gỡ rối” câu hỏi ai sẽ là đại diện của Thiên Phú hiện nay, một LS thuộc Đoàn LS TP HCM cho biết hiện dù là bị can trong vụ án hình sự khác, nhưng ông Sơn vẫn là chủ sở hữu 99% phần vốn góp. Theo Điều 50 và 72 Luật DN, ông Sơn vẫn có quyền ủy quyền cho người khác để triệu tập một cuộc họp thành viên nhằm quyết định người mới đại diện theo pháp luật cho Thiên Phú.
Vì ông Trọng có đơn tố cáo bị cưỡng đoạt phần vốn 1%, nên vì phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm, TAND Quận 7 cần có văn bản đề nghị CQĐT vào cuộc nghi án cưỡng đoạt tài sản này.