Sau nhiều năm sản xuất và gặp phải không ít phen thất bại vì lựa chọn cây trồng và con giống không phù hợp, nông dân Nguyễn Văn Đạo (thôn 1, xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai) quyết tâm nghiên cứu hướng chăn nuôi mới.
Quyết định đầu tiên mà người nông dân này nghĩ đến là phải đầu tư bài bản, không tự phát, không chăn nuôi theo phong trào. Tìm tòi trên các trang thông tin giới thiệu về nông nghiệp để học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, tìm hiểu nhu cầu thị trường và cân nhắc về điều kiện chuồng trại, vốn liếng, anh quyết định chọn 3 loại con giống là nhím, ếch và cá trê. Đầu năm 2009, anh tìm mua một cặp nhím giá 12 triệu đồng. Tận dụng các loại củ quả trong nhà làm thức ăn đến nay, trong chuồng đã gây được 5 con nhím, với giá hiện tại là 15 triệu đồng một cặp nhím giống, anh Đạo có thể yên tâm về hướng đầu tư mới. Cải tạo 6 hồ trong vườn nhà để nuôi ếch, anh Đạo tiếp tục mua 6.000 con ếch giống về nuôi. Tiền giống chỉ tốn 1 triệu đồng cho 1.000 ếch giống nuôi trong một hồ. Anh cho biết nuôi ếch đơn giản, ít tốn công chăm, vốn bỏ ra ít hơn nhiều so với những con giống khác. Điểm đáng chú ý là chỉ cần cho ếch ăn đủ chất đạm để thịt ếch săn chắc, đùi to. Chăn nuôi cả ếch giống và ếch thịt, anh Đạo phân chia rõ ràng và ghi chép cụ thể để áp dụng kỹ thuật nuôi cho từng loại. Anh áp dụng chặt chẽ các yêu cầu quan trọng về mật độ nuôi, kết hợp các loại thức ăn, khẩu phẩn ăn so với trọng lượng của ếch và cả những yếu tố mà trước đây anh ít khi để ý như âm thanh, ánh sáng… vào mùa ếch sinh sản. Hiện giá ếch đạt 40.000 đồng/kg và ếch có thể xuất sau khi nuôi 3 tháng. Từ nguồn nước thải của nhím và ếch xả xuống hồ, nông dân Nguyễn Văn Đạo tiếp tục tận dụng làm thức ăn để nuôi cá trê. Các loại phân này tạo thức ăn tự nhiên cho cá và gây màu nước. Nhờ bố trí chuồng trại hợp lý, các khu chăn nuôi tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh và cho kết qủa cao. Hiện anh đang thả 15 kg cá giống tương ứng khoảng 1.500 con trong hồ. Cá phát triển tốt, vườn sạch sẽ và các khu chăn nuôi bổ trợ cho nhau tạo nên một mô hình khá bài bản. Cách thức chăn nuôi kết hợp này hiện khá mới ở xã vùng sâu Đạ Tồn và đang được xem như một mô hình đi đầu theo hướng chăn nuôi sáng tạo. Ở tuổi 40, anh Nguyễn Văn Đạo đã thành công khi xây dựng mô hình mới để thử nghiệm chính khả năng của mình trong qúa trình phát triển sản xuất bằng các giống vật nuôi mới.
Hải Yến