- Thưa Thượng tọa, mỗi độ Xuân về, mọi người vẫn thường chúc nhau an, khang, thịnh, vượng, tấn tài, tấn lộc. Riêng những người con của Phật hay chúc nhau câu “Chúc cho năm mới thân tâm thường an lạc”. Câu chúc ấy mang ý nghĩa như thế nào?
- Con người ta có hai trạng thái là thân và tâm. Theo quan điểm nhà Phật, thân do tứ đại hợp thành. Trong đó, hỏa là cái hệ thống nóng trong người, thủy là nước, phong là khí (hơi thở), còn xương thịt chính là địa (đất). Địa, thủy, hỏa, phong, mỗi đại trong tích Phật lại có 101 cái bệnh. Do đó mà thành ra 404 trạng thái. Khi tứ đại thăng bằng, điều hòa thì thân thể cường tráng, khỏe mạnh.
Còn tâm là tình cảm, xúc cảm. Muốn tâm an thì phải giảm thiểu các cái phiền não, lo âu, bớt nóng giận, bức xúc, ít toan tính. Cho nên nhà chùa hay chúc thân khỏe tâm an là vì vậy.
- Nhưng “thân thì bất tịnh, tâm thì vô thường”. Tâm lúc vui, lúc buồn. Thân lúc khỏe mạnh, lúc ốm đau. Vậy làm sao để biến lời chúc thành sự thật, thưa Thượng tọa?
- An lạc không phải là một lý thuyết suông. An lạc hay không là do chính mình. Chúng ta muốn xác thân này khỏe mạnh thì phải ăn uống ngủ nghỉ điều độ. Thân thể mỏi mệt, đầu óc quay cuồng thì sao có hạnh phúc, có an lạc được?
Muốn thân khỏe thì phải điều tiết, làm chủ nó, phải rèn. Kháng kiệt đệ nhất phúc. Giàu có cũng không hạnh phúc bằng khỏe mạnh.
Theo tạp chí Harvard Business Review, có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sự giàu có và hạnh phúc không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Thượng tọa nhận xét như thế nào về điều này?
- Dịp Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 tổ chức tại Hà Nam có sự tham dự của nhiều quan khách quốc tế, trong đó có Chủ tịch thượng viện. Ông có nói như thế này, “kinh tế vật chất của chúng tôi chưa phát triển bằng nước bạn, khoa học kĩ thuật cũng chưa đạt như các bạn nhưng Bhintan được thế giới công nhận là một trong những quốc gia có đời sống hạnh phúc nhất”.
Nhưng sự giàu có và hạnh phúc đôi khi không song hành với nhau. Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, mỗi tích tắc lại thay đổi, quay như chong chóng hỏi sao không bất an? Tuy vậy ta vẫn phải thích ứng theo nó, vì nếu ta không bắt kịp thì cũng không tồn tại được.
Thế nhưng cần phải hiểu rằng, tất cả những thứ đó chỉ là phương tiện phục vụ mình, để cho mình thân khỏe tâm an thôi. Vật chất là cần thiết, mình không phủ nhận nhưng phải biết điều tiết, phải làm chủ nó. Tri túc thường lạc, biết đủ thường vui, biết đủ sẽ thấy an lạc.
- Vâng, phải chăng mọi rắc rối và bất an đều đến từ tâm. Vậy liệu con người ta có an được không khi còn luẩn quẩn trong vòng xoáy “tham, sân, si”, thưa Thượng tọa?
- Tâm ít phiền não mới có thể khỏe, có thể an được. Mà muốn vậy thì phải giảm bớt tham, sân, si đi. Bớt đi ham muốn, tham vọng không chính đáng. Bớt nóng giận, đố kị thì bớt sân hận. Con người ta thường thích nghe thuận tai nên đụng vào điều xấu của mình thì hay nóng giận. Cáu giận làm cho tâm không giữ được điềm tĩnh, hiền hòa, mất khôn.
Si là sự không hiểu biết, vô minh, có khi làm điều xấu nhưng lại nghĩ là làm điều tốt, làm cái bất thiện nhưng cứ tưởng là thiện, không biết luân lý đạo đức trên dưới. Do đó, đạo Phật đề cao hai cái là Từ bi và Trí tuệ.
Chùa Yên Phú - nơi Thượng tọa Thích Thọ Lạc trụ trì. |
-Trong bài pháp “An lạc và tự tại trong đời sống thường nhật”, Lạt ma Rinpoch có viết: “Nếu bạn thực hành một trái tim thiện lành, biết vượt trên những lợi ích bản ngã và mang lại an vui cho mọi người thì chắc chắn bạn sẽ có an lạc tự tại trong đời sống”, Thượng tọa nghĩ sao về điều này?
- Muốn được an lạc hãy là người tốt. Là người xấu thì an lạc làm sao được? Lời Đức Phật dạy, mọi người sống có đạo đức, sống đúng luật nhân quả, sống thiện lành, từ bi hỉ xả, thương người như thể thương thân, vô ngã vị tha, cũng giống như Bác Hồ nói “quên mình vì người”. Lấy sự đau khổ của người là sự đau khổ của mình, chia sẻ với cộng đồng thì đó là niềm vui. Người ta vui, mình cũng vui.
Đức Phật dạy chúng ta từ bi, bác ái. Lòng từ bi của Phật dành cho mọi chúng sinh, cảm hóa được cả thú dữ. Hình ảnh Đức Phật ngồi ngoài trời nước mưa lướt thướt, con rắn hổ phình mang che cho Ngài là thể hiện điều đó.
Cuộc đời con người có lúc thuận lợi, lúc khó khăn. Khi gặp đời ngang trái, mình chia sẻ với người ta. Mình thương người ta thì người ta cũng sẽ thương mình. Mình muốn an lạc thì hãy làm cho người khác an lạc. Niềm an lạc của người ta cũng chính là niềm an lạc của mình.
Nhân dịp Xuân Canh Tý, nhà chùa cũng xin gửi tới quý độc giả của Báo Pháp luật Việt Nam năm mới thân tâm luôn thường an lạc!
- Xin cảm ơn Thượng tọa về cuộc trò chuyện thú vị này!
Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, không phải cứ xuất gia vào chùa mới là tu. Tu là sửa, hành là hành vi. Tu hành là sửa đổi hành vi, từ hành vi xấu thành hành vi tốt, thông qua suy nghĩ, lời nói, việc làm. Suy nghĩ thiện, nói lời thiện, làm việc thiện. Tâm mà thiện sẽ ít phiền não. Tâm bất chính sẽ bất an thôi.
Để cầu bình an cho cả năm mới, người ta thường làm Lễ cầu an vào những ngày đầu tháng Giêng. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống người Phật tử mà còn cho thấy tinh thần nhập thế cũng như sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tinh thần từ bi, yêu thương con người của đạo Phật đối với cuộc sống nhân loại.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, Đạo Phật không chủ trương ban phúc giáng họa cho ai. Đạo là con đường, Phật là giác ngộ. Đạo Phật là con đường giác ngộ, chỉ cho mình con đường để tự giác ngộ, tự chuyển hóa mình để tìm thấy sự an lạc” - Thượng tọa Thích Thọ Lạc”.