Tâm sự người cảnh sát quản giáo

Nghề quản giáo vốn đã vất vả nhưng những cán bộ quản giáo trực tiếp trông coi và giáo dục các tử tù, các phạm nhân lĩnh án chung thân còn vất vả gấp bội phần.

Nghề quản giáo vốn đã vất vả nhưng những cán bộ quản giáo trực tiếp trông coi và giáo dục các tử tù, các phạm nhân lĩnh án chung thân còn vất vả gấp bội phần.

Áp lực nghề quản giáo

Trại tạm giam số 1, Công an TP.Hà Nội là nơi không chỉ giam giữ một số lượng lớn các phạm nhân thuộc nhiều loại tội danh khác nhau mà còn là nơi tạm giam các đối tượng vi phạm pháp luật nhằm phục vụ công tác điều tra và xét xử sau khi bị truy tố. Thời điểm cao nhất, trại tạm giam số 1 có tới gần 3500 phạm nhân. Trong số các phạm nhân giam giữ tại đây, một số lượng lớn phạm nhân thuộc đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và lĩnh án tử hình đang chờ được ân xá của Chủ tịch nước.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Chu Xuân Thọ (Phó Giám thị Trại tạm giam số 1) tâm sự: “Quả thực, anh em làm quản giáo ở đây chịu một áp lực công việc rất lớn. Các loại tội danh ở đây thì đủ cả, từ án tử hình đến xâm phạm an ninh quốc gia, rồi người nước ngoài, phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự…

Chính vì điều này nên tinh thần của cán bộ, chiến sĩ rất cao. Ban ngày cũng như buổi tối, lúc nào cán bộ quản giáo quản lý trực tiếp số phạm nhân án cao như chung thân, tử hình phải thường xuyên nắm bắt được diễn biến tư tưởng của họ. Mọi diễn biến tâm lý của số phạm nhân này nếu lơ là một chút có thể để lại những hậu quả đáng tiếc”. Thượng tá Thọ cười: “Khi còn là cán bộ quản lý đội quản giáo tại khu giam giữ tử tù chờ thi hành án, tôi một ngày không đi qua để xem các phạm nhân thế nào là không an tâm làm gì được”.

Theo Thượng tá Thọ, hiện tại trại tạm giam số 1 Hà Nội có tới hơn 30 trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng phải nhận mức án cao nhất của khung hình phạt là Tử hình. Số lượng phạm nhân này có những biểu hiện tâm lý rất thất thường. Các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm việc tại khu vực này còn phải chịu áp lực hơn rất nhiều so với các khu vực khác trong trại tạm giam.

Ngoài công tác tư tưởng, một số trường hợp đang chờ được ân xá luôn tỏ ra sốt ruột về cơ hội mong manh của mình mong thoát khỏi tay thần chết không nên liên tục thắc mắc. Những trường hợp như thế này, các cán bộ quản giáo lại phải giải thích và động viên họ cố gắng chờ đợi vì nếu có quyết định được ân xá, cán bộ trại tạm giam sẽ xuống tận buồng để đọc cho họ.

Một cán bộ quản giáo tại khu vực giam giữ tử tù tâm sự: “Công tác tại trại tạm giam số 1 đã được một thời gian, tiếp xúc với những tử tù qua chấn song hàng ngày mới thấy họ khát khao sống và ân hận như thế nào. Trong đêm tối, có những lúc họ hát, họ khóc, họ chơi cờ, họ làm thơ…đủ mọi tâm trạng. Có không ít trường hợp ngày đầu mới vào tỏ ra hoảng loạn và bi quan, anh em lại phải thay nhau vừa động viên an ủi, vừa tăng cường kiểm tra tránh trường hợp họ nghĩ quẩn mà tự vẫn”.

Trong những đợt cao điểm trấn áp tội phạm của CATP. Hà Nội, số lượng can phạm và các đối tượng bị bắt giữ rất nhiều khiến cán bộ, chiến sĩ ở trại tạm giam số 1 làm việc liên tục cả ngày nghỉ lẫn ngày lễ. Do là nơi giam giữ các đối tượng phục vụ công tác điều tra, xét xử, có ngày tại Thủ đô có tới 15 phiên tòa xét xử các bị cáo, lực lượng cán bộ, chiến sĩ áp giải phải căng mình làm việc mà vẫn phải đảm bảo tính an toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó, số lượng phạm nhân đi chấp hành án tại các trại giam khác, số lượng phạm nhân bị ốm, đau nằm điều trị tại các bệnh viện cũng phải được giám sát, canh giữ nghiêm ngặt.

Nỗi niềm chuyện nghề

Trại tạm giam số 1 CATP.Hà Nội là vậy, trại giam Nam Hà (Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) cũng có nét đặc thù riêng. Trại giam Nam Hà tuy không có số lượng can phạm bị tạm giam nhưng số lượng phạm nhân chấp hành án phạt tù chung thân lên tới vài trăm trường hợp. Cán bộ quản giáo Cao Văn Quyền (phân trại 1) cho hay: “Khi ngày mới bắt đầu, chúng tôi phải có mặt sớm để nhận phạm nhân đi cải tạo.

Phải nắm được đêm hôm trước diễn biến tư tưởng của đội mình phụ trách ra sao, trong đội có vấn đề gì nảy sinh phải kịp thời nắm bắt ngay để tìm hiểu”. Hiện anh Quyền phụ trách một đội phạm nhân 35 người thì một nửa trong số này là án chung thân. Anh Quyền kể lại: “Trong đội, có nhiều người lúc mới đến nhớ nhà, chán chường và không muốn cải tạo. Tôi dành thời gian tâm sự với họ, động viên họ, đem những câu chuyện của chính mình ra để giãi bày với họ. Dần dần, nhiều phạm nhân hiểu ra rằng, án chung thân không có nghĩa là không bao giờ họ còn được về mà nếu cải tạo tốt, họ sẽ được giảm án”.

Trong câu chuyện của mình, quản giáo Quyền nhắc đến một phạm nhân rất đặc biệt đối với anh, đó là phạm nhân Nguyễn Anh Tú (SN 1980, quê Hà Nội) phạm tội giết người và phải lãnh án chung thân. Tú ngày đầu đến trại đã tỏ ra là đàn anh, đàn chị, bất cần và không chịu cải tạo. Qua nắm bắt được việc Tú rất quý chị gái mình, anh Quyền khéo léo gợi câu chuyện những lúc ngồi nói chuyện với Tú.

Sau hai tháng kiên trì của anh, Tú tự nguyện xin được vào các đội sản xuất, lao động cải tạo. Kể lại cho tôi về kỉ niệm trên, người quản giáo hơn 20 năm trong nghề đưa ra tâm niệm của mình: “Ai cũng có lúc lầm lỡ, lúc sảy chân và nếu được hỏi, nhiều phạm nhân sẽ chẳng bao giờ thích vào đây. Những lúc nói chuyện với họ, hiểu được họ và coi họ như người em, người bạn của mình để động viên, khuyến khích họ làm lại thì đó không chỉ là trách nhiệm của người quản giáo mà còn là lương tâm của chính mình nữa”. 

Khi chúng tôi hỏi anh nghề quản giáo lúc nào vui nhất, anh Quyền cười: “Vui nhất của nghề quản giáo chúng tôi ấy là khi phạm nhân được đặc xá. Vui lắm! Nhất là lại có phạm nhân được đặc xá trong đội của mình quản lý, phụ trách thì có nghĩa là công sức của mình bỏ ra đã có thành quả nhà báo ạ”.

Và còn rất nhiều những câu chuyện nữa về những người quản giáo mà chúng tôi chưa có dịp ghi lại. Trước ngày về với cộng đồng và người thân, nhiều phạm nhân được đặc xá không khỏi quyến luyến và biết ơn đối với nhiều cán bộ quản giáo đã giúp đỡ họ trong những ngày cải tạo để vượt qua lỗi lầm. Những giọt nước mắt, những cái bắt tay như lời tri ân nói lên tất cả.

Đức Minh

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.