Tất thảy trẻ em đều thích Tết bởi nhiều lý do: Được nghỉ học, được đi chơi, được lì xì..., nhưng với Lê Thành Đạt - cậu học trò lớp 6A4 Trường THCS Cầu Giấy thì lại khác. Với Đạt, Tết là một thứ gì đó vô cùng có ý nghĩa, là kho tàng tri thức, văn hóa vô tận, và là một thứ không thể thiếu...
Học sinh Lê Thành Đạt. |
Từ mê Tết...
Nhìn bên ngoài, Thành Đạt trông có vẻ già dặn hơn tuổi 11 của mình bởi đôi mắt sáng đầy cương nghị và khuôn mặt hay suy tư. Có lẽ đó cũng là lý do giải thích vì sao, trong khi các bạn cùng trang lứa mải mê vui chơi xả láng trong những ngày được nghỉ Tết thì cậu trò nhỏ lại mơ màng hồi tưởng, tò mò, tìm hiểu về phong tục tập quán, những nét đặc văn hóa đặc trưng ngày Tết, đặc biệt là Tết Hà Nội.
Từ lúc còn bé xíu, bố mẹ Đạt cho biết, Đạt rất thích theo bà, theo mẹ đi hội chợ Xuân, đi chơi Tết. Không chỉ đi chơi, cậu bé còn xoắn xuýt bên bà, mẹ mỗi khi họ bày mâm ngũ quả, làm cỗ cúng ông Công ông Táo, tất niên, giao thừa… Nhìn ngắm chán, em lại hỏi ông bà về những phong tục của ngày Tết, đại loại như: Tại sao lại phải cúng mâm ngũ quả? Cúng giao thừa để làm gì?…
Thậm chí, em còn băn khoăn tự hỏi: “Không biết ngày xưa, Tết sẽ thế nào, có vui, có đẹp, có rộn rã khác thường không? Không biết người nước ngoài đón Tết có khác Việt Nam không? Trẻ em là Việt kiều sẽ ăn Tết như thế nào? Những người xa quê có nhớ về phong tục tập quán quê hương?”. Từ những câu hỏi cứ lớn dần, lớn dần trong đầu đó, đã thôi thúc cậu bé tự tìm hiểu và đi đến quyết định sẽ xây dựng một trang web riêng giới thiệu Tết Hà Nội xưa và nay.
Giao diện trang chủ của web “tethanoixuavanay.vn”. |
... đến lập trang web về Tết Hà Nội
Nghĩ là làm, sau rất nhiều đêm trở trăn, tìm hiểu, nghiên cứu, Đạt đã tạo cho mình một trang web mang tên: “Tethanoixuavanay.vn”. Giới thiệu về trang web độc đáo và thú vị này, “tác giả” website về Tết cho biết: “Hiện nay, tôi thấy vẫn còn một số bạn chưa hiểu biết rõ về Tết Hà Nội xưa và nay. Đặc biệt là các bạn vùng dân tộc thiểu số, các bạn ở nước ngoài. Vì thế, tôi đã quyết định lập cho mình một website có chủ đề Tết Hà Nội Xưa và Nay để giới thiệu với các bạn bè ở khắp mọi miền Tổ Quốc cũng như ở nước ngoài về cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt...”. Đơn giản vậy thôi nhưng để có được trang web đầy ắp thông tin và vô cùng có ý nghĩa này, Đạt đã phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và chất xám.
Em cũng tiết lộ, khi mới có ý tưởng, em đã được bố mẹ, cô giáo và đông đảo bạn bè ủng hộ. Bố mẹ đã giúp em tìm những cuốn sách liên quan đến văn hóa Hà Nội xưa và nay, phong tục tập quán Tết của người Hà Nội. Ngoài thời gian học, hễ lúc nào rỗi, cậu bé lại vùi đầu vào đống tài liệu của mình.
Chưa hết, em còn vào mạng sưu tầm, thu thập thông tin, tranh ảnh qua sách báo nước ngoài và Việt Nam viết về phong tục ngày Tết. Những chỗ nào không hiểu, những điều gì chưa biết, em tiếp tục tìm hiểu qua chính suy ngẫm, trải nghiệm của người thân trong gia đình như ông bà, bố mẹ, những người đã đi qua thời gian, chứng kiến những đổi thay của Hà Nội để có được những thông tin gần gũi, chân thực nhất.
Từ những thông tin và trải nghiệm đó, Đạt đã phát hiện ra rằng: điều kỳ diệu của Tết Nguyên đán là nó mang lại cái đẹp cho mỗi con người, khiến con người cảm thấy vui sướng, hạnh phúc và hy vọng. Từ nguồn cảm xúc bất tận đó, con người tự cảm thấy phải làm đẹp cho mình, đồng thời mang đến niềm vui và hạnh phúc cho người khác. Và tất cả những phong tục được thể hiện trong ngày Tết của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng đều bắt nguồn từ điều đó.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được phong tục ngày Tết cũng như những ý nghĩa tinh thần của việc đón Tết. Chính vì thế, Đạt đã giúp chúng ta lý giải về nguồn gốc của Tết Nguyên đán có từ đâu? Phiên chợ Tết diễn ra thế nào? Cách bày mâm ngũ quả ra sao? Hay các món ăn truyền thống của ngày Tết, các phong tục truyền thống Tết Hà Nội, các trò chơi dân gian trong ngày Tết? Những tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến, bồi hồi của con người mỗi độ xuân về cũng được chủ nhân của trang web thể hiện và bày tỏ trên trang web đặc biệt này.
Để cho trang thông tin thêm sinh động, bắt mắt, với sự giúp đỡ và hỗ trợ của cô giáo tin học và bạn bè cùng lớp, Đạt đã tìm tòi, nghiên cứu và trang trí trang web nhằm cung cấp cho người đọc một cái Tết Hà Nội từ xưa đến nay với những thông tin trọn vẹn, đầy đủ và hấp dẫn nhất. Để rồi, sau mỗi lần kích vào địa chỉ đó, ta không thể không bồi hồi, xao xuyến, chộn rộn như thể hương vị Tết đang nồng nàn, phảng phất đâu đây.
Bằng sự sáng tạo, niềm đam mê của mình, Đạt đã làm được điều mà nhiều người không làm được. Từ ý tướng đến hiện thực, trang web của em đã được trao giải thưởng tại Hội thi Tin học trẻ TP Hà Nội. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, với mong muốn mang đến cho người đọc nhiều thông tin hơn về lĩnh vực này; quảng bá, giới thiệu Tết truyền thống của dân tộc đến người nước ngoài, Đạt cho hay, trong thời gian tới sẽ bổ sung thêm nhiều thông tin; hoàn thiện, nâng cấp bằng một phiên bản tiếng Anh; bổ sung nhiều video clip hình ảnh động và nhạc ấn tượng về ngày Tết truyền thống để thu hút lượng người truy cập.
Đưa cả trò chơi dân gian lên mạng Không chỉ lập một trang web về Tết Hà Nội, Đạt còn tác giả của một số trò chơi dân gian trên mạng được rất nhiều trẻ em hiện nay yêu thích. Đạt kể, mỗi lần về quê Thái Bình, thấy bạn bè tụm năm tụm bảy chơi những trò chơi dân gian như: Chơi ô ăn quan, kéo cưa lừa xẻ, nhảy dây, que chuyền, cướp cờ, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây... “Là một người đam mê và giỏi tin học, sao mình không lập ra những trò chơi game truyền thống cho bạn bè cùng chơi?”. Từ ý nghĩ đó, em đã sáng tạo, thiết kế một số game như: “Hoa cỏ ngày Tết”, “Chú trâu săn mồi”... được khá nhiều bạn trẻ thích thú. |
Lâm Quỳnh