Vấn nạn bạo lực, phân biệt đối xử giới tính
Trong lịch sử, so với người dị giới, hầu hết những người đồng tình nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và tất cả những người khác có khuynh hướng tình dục, nhận dạng hoặc biểu hiện giới tính đa dạng đã từng nhận phải một hình thức phân biệt đối xử nào đó trong gia đình, nhà trường, tại nơi làm việc và ngoài xã hội, thậm chí là bạo lực về tinh thần và thể xác. Nguyên nhân rất đơn giản: Chỉ vì họ có định hướng giới tính “khác với bình thường”. Đây là một vấn nạn nhức nhối hiện diện trong các xã hội công dân trên toàn cầu. Theo một nghiên cứu năm 2016 tại Hoa Kỳ, cứ 4 người LGBT sẽ có 1 người bị phân biệt đối xử. Điều đó cho thấy, dù đang sống trên một đất nước với nền văn minh tự do như Mỹ, cộng đồng LGBT vẫn chưa nhận được sự đối xử bình đẳng so với cộng đồng dị giới. Trong luật pháp của Chính phủ liên bang và hầu hết các bang cũng chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này.
Đơn cử, trong môi trường làm việc, nhiều trường hợp LGBT chia sẻ, họ mất cơ hội thăng chức vì xu hướng giới tính của mình, một số khác thậm chí bị sa thải vì bị phát hiện là người chuyển giới. Bên cạnh cơ hội xin việc hạn chế hơn, nhiều người còn gặp khó khăn về việc thuê nhà ở, tiếp cận giáo dục, hoà nhập cộng đồng. Trong khi đó, khả năng tiếp cận những dịch vụ sức khoẻ cũng hạn chế hơn. Đáng nói, nạn phân biệt đối xử, quấy rối và bạo lực đối với LGBT còn diễn ra phổ biến tại nơi công cộng. Hơn một phần ba người chuyển giới chia sẻ rằng bản thân đã từng bị quấy rối, thậm chí là cả về mặt thể xác.
Theo thống kê mới nhất của Ủy ban IDAHOBIT tại Úc, 75% thanh, thiếu niên thuộc cộng đồng LGBT trải qua một hình thức phân biệt đối xử nào đó tại Úc. Trong vòng 12 tháng qua, 77% người chuyển giới và giới tính đa dạng đã báo cáo bị phân biệt đối xử, trong đó có tới 39% trải qua các triệu chứng trầm cảm và 33% báo cáo mắc phải hội chứng lo âu xã hội.
Trong một bài viết mới đây trên tờ Guardian (Anh) cũng chỉ ra cuộc sống của những người trẻ thuộc cộng đồng LGBT ở Scotland “đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết”. Theo Báo cáo 5 năm của nhóm vận động và ủng hộ thanh niên LGBT tại Scotland, vào năm 2017 có tới 81% thanh niên LGBT được khảo sát tin rằng Scotland là môi trường sống lành mạnh dành cho cộng đồng này; nhưng lần đầu tiên trong vong 15 năm, con số này đã giảm xuống còn 65% vào năm 2022. Theo đó, vấn nạn kỳ thị đồng tính tại nơi công cộng, trên các phương tiện truyền thông, nạn bắt nạt người LGBT trong trường học,… ngày càng gia tăng theo chiều hướng đáng lo ngại, khiến những người trẻ LGBT không còn cảm thấy an toàn trong những môi trường này.
Báo cáo này được công bố trong bối cảnh giới chức Scotland đang xem xét Dự luật cải cách công nhận giới tính, trong đó đặt ra các tiêu chí mới cho người muốn có được chứng chỉ công nhận giới tính. Hiện Dự luật vẫn đang vướng phải sự chỉ trích của dư luận vì đã “đơn giản hoá” vấn đề giới tính và có thể hạn chế quyền và nghĩa vụ, tăng thêm sự bất công đối với cộng đồng LGBT, đặc biệt là người chuyển giới.
Còn trong Báo cáo “Là người LGBT tại châu Á: Báo cáo Quốc gia Việt Nam” của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) năm 2021 cho thấy, mặc dù cộng đồng LGBT tại Việt Nam đã lớn mạnh trong những năm gần đây, người LGBT vẫn gặp phải sự kỳ thị và phân biệt đối xử đáng kể trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, việc làm, chăm sóc y tế, truyền thông và trong gia đình.
Trước thực tế phức tạp của nạn phân biệt đối xử và bạo lực, trong nhiều thập kỷ, phong trào bảo vệ quyền của người LGBT được diễn ra trong nhiều lĩnh vực như luật pháp, truyền thông, gia đình hay quân đội. Các vận động này đang tạo ra nhiều thay đổi tích cực và trở thành xu thế trên thế giới.
Tại sao là ngày 17/5?
Đáng nói, trước đây, nhiều xã hội đã từng xem đồng tính là một loại bệnh tâm lý. Do đó, ngày 17/5 được đặc biệt lựa chọn để kỷ niệm quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 1990 về việc loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các hội chứng rối loạn tâm thần. Cũng cần biết rằng, trước năm 1990, ngày 17/5 vốn là “Gay Day”, ngày dành cho những người đồng tính, ở nước Đức.
Một cuộc biểu tình ở Scotland đòi quyền lợi cho người chuyển giới trước dự luật mới. Ảnh: Guy Bell/Shutterstock |
Đến năm 2004, hàng vạn cá nhân và các tổ chức về LGBT như Hiệp hội đồng tính nữ và đồng tính nữ quốc tế ILGA, Ủy ban Nhân quyền Đồng tính và Đồng tính Quốc tế (IGLHRC), Hội nghị Thế giới của những người Do Thái LGBT và Liên minh Đồng tính nữ châu Phi... đã “tay chung tay” lên tiếng. Cuối cùng, nỗ lực không ngừng nghỉ của họ đã được đền đáp khi Liên Hợp quốc chính thức thông qua ngày 17/5 là Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính, dị tính và chuyển giới (IDAHOBIT), còn gọi tắt là Ngày quốc tế chống kỳ thị LGBT.
Ngày 17/5 hiện được tổ chức ở hơn 130 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia vẫn coi hành vi đồng tính là bất hợp pháp. Ngày này đại diện cho một cột mốc quan trọng về nhân quyền đối với cộng đồng LGBT, nhằm thu hút sự chú ý của những nhà chức trách, giới truyền thông, các công ty tập đoàn và công chúng,… trước thực trạng đáng báo động mà cộng đồng LBGT đang phải đối mặt bởi xu hướng giới tính của mình. Theo đó, Ủy ban IDAHOBIT được hình thành ở nhiều nước để tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện này với mục đích chung là giúp nâng cao nhận thức của xã hội về nạn bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT trên phạm vi toàn cầu, từ đó thay đổi cách nhìn của xã hội và tác động đến các nhà hoạch định chính sách.
Nhìn chung, tính chất của các hoạt động về ngày IDAHOBIT ở các nước trên thế giới đều có chung hình thức là diễu hành, tuần hành và lễ hội. Bên cạnh đó còn có các hoạt động liên hoan nghệ thuật, hội thảo, lớp học cộng đồng hay các cuộc thi tài năng,…
Tiêu biểu nhất có thể kể tới ở Cuba, Mariela Castro – con gái của Chủ tịch Cuba Raul Castro là người hoạt động tích cực nhằm bảo vệ cho những người LGBT trong nhiều năm qua. Bắt đầu từ năm 2013, Mariela Castro đã dẫn đầu một cuộc diễu hành đường phố với quy mô lớn hưởng ứng ngày 17/5. Hoạt động này được thực hiện đều đặn hàng năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Năm 2013 được xem là “năm của LGBT” khi có rất nhiều hoạt động, sự kiện lớn diễn ra trên thế giới. Trong đó bao gồm sự kiện Global rainbow flashmob được tổ chức ở 100 thành phố từ 50 quốc gia, Lễ hội âm nhạc Love music Hate homophobia tại Bangladesh, người dân Albania xuống phố tham gia đạp xe qua các đường phố của thủ đô Tirana, tại Chile hơn 50.000 người đã xuống đường kỷ niệm ngày dành cho LGBT,…
Ngày 17/5 là ngày người dân thế giới giơ cao ngọn cờ chống lại nạn kỳ thị LGBT. Ảnh: Mashable |
Hòa mình vào làn sóng ủng hộ LGBT trên thế giới, cộng đồng LGBT ở Việt Nam đã có những sự kiện thú vị, ý nghĩa trong ngày 17/5. Trong đó, có thể kể đến sự kiện Viet Pride với quy mô trên cả nước bắt đầu từ năm 2012, sự kiện BUBU Town (Vùng đất tự do và sáng tạo) tại Hà Nội (2015), sự kiện Đón cầu vồng tại TP Hồ Chí Minh năm 2015… Những hoạt động trên đã thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách và truyền thông nhằm hướng mọi người quan tâm đến vấn đề bạo lực, phân biệt đối xử và những khó khăn khác mà người đồng tính, song tính và chuyển giới phải đối mặt.
Có thể nói, tuy có những thay đổi tiến bộ trong xã hội nói chung, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới tại nơi công cộng, trong môi trường công sở, trường học, thậm chí trong các gia đình, vẫn là một hiện tượng còn phổ biến. Bên cạnh đó, dù đã có những quốc gia ban hành luật để bảo vệ cộng đồng LGBT, đơn cử như Canada, Iceland, Israel, New Zealand, Nauy, Slovakia, Thụy Điển, Nam Phi và Liên minh Châu Âu,… nhưng nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, vẫn chưa có quy định cụ thể về những đối tượng này.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi và cuộc sống của họ mà còn tạo điều kiện cho nạn kỳ thị, bạo lực đối với LGBT ngày càng diễn biến phức tạp, tồi tệ hơn. Đó cũng chính là lý do cần có Ngày quốc tế chống kỳ thị LGBT, khi các quốc gia, các dân tộc, các tổ chức, các doanh nghiệp, các cá nhân có thể “tay trong tay” đẩy lùi vấn nạn này, xây dựng một nền tảng bình đẳng giới thực trong lòng các xã hội công dân.