Cựu Tổng thư ký LHQ còn cho biết, tuy đã dành nhiều thời gian góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc và đạt được sự thống nhất, nhưng "lòng yêu nước thuần khiết" và động lực cải cách đã bị phá hủy nặng nề bởi sự vu khống và "những tin tức giả" nhắm vào ông.
Không được chào đón
Trước đó, ông Ban Ki-moon từng tuyên bố, đoàn kết dân tộc là mục tiêu trong chính sách của mình. Tuyên bố này được ông Ban Ki-moon đưa ra khi về thăm quê ở Eumseong, cách thủ đô Seoul 131km về phía Nam, nhân dịp Tết Nguyên đán.
Theo tờ The Korea Times, đây là tuyên bố đầy bất ngờ và sốc đối với những người ủng hộ, cũng như trợ lý của cựu Tổng thư ký LHQ vì trước đó, ông Ban Ki-moon đã nỗ lực liên lạc với cử tri và chủ động gặp nhiều chính trị gia; đồng thời cho rằng, ông Ban Ki-moon đã gặp khó khăn khi mở rộng tầm ảnh hưởng của mình bằng cách lập liên minh với các lực lượng chính trị khác. Ông Ban Ki-moon từng được xếp thứ 2 trong điều tra dư luận về các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc được ưa thích.
Khó khăn thứ nhất xuất phát từ việc không được chào đón gia nhập một chính đảng. Mặc dù từng được săn đón khi mới rời ghế Tổng thư ký LHQ, nhưng sau khi về nước, ông Ban Ki-moon không được đảng Bareun (do những nghị sĩ ly khai khỏi đảng Saenuri cầm quyền thành lập) mời gia nhập khi tỷ lệ ủng hộ chính trị gia này sụt giảm. Tỷ lệ ủng hộ ông Ban Ki-moon đã giảm từ hơn 30% xuống còn 13,1% chỉ sau một thời gian ngắn cựu Tổng thư ký LHQ về nước hôm 12/1.
Tờ The Korea Times cho rằng, ông Ban Ki-moon bị đánh giá không có nhiều ý tưởng cho việc phát triển đất nước và có lập trường không rõ ràng về những vấn đề chính trị mang tính nhạy cảm ở Hàn Quốc. Ngoài ra, cựu Tổng thư ký LHQ còn mắc nhiều sai lầm trong chuyến công du gây ấn tượng với cử tri.
Ông Ban Ki-moon thông báo chấm dứt theo đuổi tranh cử tổng thống trong cuộc họp báo tại Seoul ngày 1/2 |
“Vết đen” lý lịch
Khó khăn thứ hai đến từ cáo buộc hối lộ, cả cựu Tổng thư ký LHQ và người thân của ông đều bị cáo buộc có liên quan tới hối lộ. Theo đó, ông Ban Ki-moon từng nhận hối lộ 230.000 USD từ một doanh nhân địa phương khi là Ngoại trưởng Hàn Quốc (2004-2006).
Tờ The Korea Times dẫn đề nghị của Mỹ đối với Hàn Quốc về việc bắt ông Ban Ki-sang, nguyên Giám đốc Công ty xây dựng Keangnam Enterprises, em trai ông Ban Ki-moon vì bị cáo buộc đưa và nhận hối lộ. Trước đó, con trai ông Ban Ki-sang là Ban Joo-hyun đã bị khởi tố tại Mỹ vì bị cáo buộc âm mưu đưa hối lộ liên quan đến thương vụ bán tòa nhà Keangnam Landmark 72 ở Hà Nội hồi năm 2015.
Được biết, cha con ông Ban Ki-sang đều bị buộc tội ở New York hồi tháng 10/2016 với cáo buộc âm mưu chuyển khoảng 500.000USD cho một quan chức giấu tên từ Trung Đông sau khi bán một tòa nhà thuộc sở hữu của Tập đoàn xây dựng Keangnam. Và số tiền này được chuyển cho Malcolm Harris, người có tài khoản mang bí danh Been ở New York.
Nhà khoa học chính trị Hàn Quốc Park Kie-Duck cho rằng, ông Ban Ki-moon đã thất bại trong việc đưa ra được hình ảnh một lãnh đạo có tầm nhìn và một lịch trình chính trị chắc chắn.
Từng có tin nói rằng, ông Ban Ki-moon đã ký hợp đồng thuê một văn phòng rộng 660m2 ở Seoul để làm trụ sở tranh cử, và đề nghị thay đổi hiến pháp theo hướng giảm bớt quyền hành pháp của tổng thống và tăng tính cộng tác trong cầm quyền. Đảng Saenuri cầm quyền coi quyết định của ông Ban Ki-moon là “sự xấu hổ vì chúng ta mất một nhân vật lớn do những cuộc tấn công chính trị”.
Đảng Nhân dân tuy coi đó là điều bất ngờ, nhưng tôn trọng quyết định của cựu Tổng thư ký LHQ. Cựu Chủ tịch đảng Minjoo đối lập Moon Jae-in bày tỏ sự nuối tiếc vì không được cạnh tranh với một chính trị gia nổi tiếng./.