[links()]Đấu giá xong, tài sản chưa kịp nhận thì đùng cái có kháng nghị của cơ quan có thẩm quyền, sau đó án bị hủy. Vòng quay tố tụng trở lại từ đầu. Đợi được đến khi Tòa phân giải xong phải mất nhiều năm. Người mua đấu giá chẳng biết kêu ai khi không thể tìm ra ai là người có lỗi.
|
Hinh minh họa |
Khi kháng nghị “từ trên trời rơi xuống”
Không những khi cơ quan THA đang xác minh, kê biên, bán đấu giá tài sản… ngay cả khi đã bán đấu giá thành thì cơ quan có thẩm quyền mới… đột ngột ra quyết định kháng nghị.
Tình trạng này đã được nhiều cơ quan THADS phản ánh. Có trường hợp người mua tài sản đấu giá thi hành án từ khi trung tâm đấu giá mới được thành lập (1998) đến nay, tài sản đã chuyển sở hữu sang cho người mua, nhưng họ vẫn không được nhận tài sản.
Một trong những nguyên nhân là bản án sau khi đã thi hành xong vẫn có thể bị nhiều cơ quan có thẩm quyền kháng nghị. Trong khi đó, suốt cả quá trình THA không hề có một văn bản nào để “dừng” kịp thời việc THA, bán đấu giá nếu như họ cho rằng vụ việc có vấn đề cần phải xem xét lại. Cá biệt có những trường hợp cùng một vụ việc, cùng một cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng lại ra hai văn bản khác nhau. Bên thì cho là có căn cứ để xem lại vụ án, còn bên kia thì lại nói không. Cơ quan THA “không biết đằng nào mà lần”.
Đành rằng, việc kháng nghị để xem xét lại các vụ án có “vấn đề” là để đảm bảo sự công bằng của pháp luật, tuy nhiên, việc kháng nghị quá muộn, quá thời hạn cho phép, thậm chí kháng nghị thiếu căn cứ đã làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt không đảm bảo quyền lợi cho người mua được tài sản đấu giá.
Nhiều khách hàng cho biết tiền mua tài sản là tiền họ phải vay mượn với lãi suất cao, trong khi mua được rồi mà vẫn phải chờ đợi cơ quan ra kháng nghị giải quyết vụ việc lại từ đầu thì thật là không công bằng. Có trường hợp khách hàng không đủ kiên nhẫn chờ nhận nhà, vì chưa biết kết luận kháng nghị sẽ đi đến đâu nên họ đã xin nhận lại tiền mua tài sản, chịu thiệt thòi về mình do đồng tiền trượt giá. Tuy nhiên, khi tiền này đã được cơ quan THA đem trả cho người được THA thì việc đòi lại cũng nan giải vô cùng.
Theo quy định của Luật THA: trường hợp bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ thì thủ trưởng cơ quan THADS phải thông báo ngay bằng văn bản cho người đã kháng nghị. Tuy nhiên, dù có thông báo đi nữa, theo nhiều cơ quan THA, cũng chỉ “để biết” còn việc xử lý vụ án sau đó ra sao phụ thuộc vào Tòa án.
Sau kháng nghị, nếu quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định của tòa cấp dưới thì mọi việc sẽ dễ dàng. Nhưng nếu án sau lại tuyên ngược án trước thì mọi việc trở nên khó khăn hơn nhiều. Người mua được tài sản đấu giá giống như vướng vào một mớ bòng bong không lối thoát.
Bất đắc dĩ… phải kiện
Tại TP. Hồ Chí Minh gần đây “rộ” lên các vụ THA bị kiện liên quan đến chuyện bán đấu giá rồi nhưng không giao được tài sản hoặc quá trình đấu giá có sai sót. Các tòa án thụ lý các vụ kiện này với lý do theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) thì “tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để THA theo quy định của pháp luật về THADS; tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về THADS” đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục THADS TP. Hồ Chí Minh thì “vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên nhiều tòa án đã thụ lý vụ kiện không đúng, đưa cơ quan THA vào làm bị đơn, gây tâm lý bất an cho anh em chấp hành viên”.
Việc bán đấu giá tài sản THA còn gặp không ít khó khăn do tình trạng khiếu nại kéo dài của công dân liên quan đến việc xử lý tài sản thi hành án, việc niêm yết, thông báo tài sản cần bán đấu giá chưa đảm bảo tính minh bạch, khách quan; nhiều cản trở trong việc giao tài sản sau khi bán đấu giá thành cũng ảnh hưởng đến uy tín của dịch vụ bán đấu giá (Đak Nông, Bình Dương, Trà Vinh, Quảng Trị, Phú Thọ...) (Nguồn: Bộ Tư pháp) |
Không chỉ TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang… THA đã phải hầu kiện liên quan đến những vụ bán đấu giá tài sản, trong đó có những vụ bị kháng nghị. Đặc biệt từ khi có Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì những vụ kiện này đang có xu hướng tăng lên.
Người mua được tài sản đấu giá, họ không cần biết có kháng nghị hay không, chỉ biết rằng họ đã bỏ tiền ra để mua tài sản của cơ quan nhà nước theo đúng thủ tục quy định, nhưng lại không nhận được quyền lợi của mình. Vì thế, việc khiếu nại diễn ra dai dẳng, phức tạp. Nhiều cấp, ngành phải vào cuộc mất nhiều thời gian và công sức nhưng nhiều vụ lại bế tắc. Trong trường hợp này có thể nói THA cũng chính là “nạn nhân” khi họ trở thành bị đơn bất đắc dĩ.
Thận trọng trong kháng nghị, chỉ kháng nghị khi có căn cứ pháp luật, kháng nghị cần kịp thời, đúng luật., đó là những việc cần làm. Trong đó đặc biệt lưu ý đến những vụ THA đã xong, quá trình bán đấu giá tài sản đã kết thúc, việc kháng nghị là không cần thiết, có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị tại địa phương…
Bên cạnh đó, chính bản thân cơ quan THA, đấu giá tài sản cũng cần làm đúng quy trình, tránh việc sơ sót dẫn đến kết quả bán đấu giá bị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị.
Thủy Trâm