Chiều 31/5/2010, các vị ĐBQH Đoàn Thái Nguyên tham gia thảo luận tổ về Dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chủ trì thảo luận.
Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này gồm 4 chương, 14 Điều, với mục đích đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và những năm tới. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn. Tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế.
Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị cần phân biệt rõ giữa thuế và phí trong lĩnh vực môi trường để khi Luật ban hành sẽ không bị chồng chéo trong quá trình thực hiện. Về đối tượng chịu thuế, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị cần cân nhắc, đánh giá kỹ các tác động để quy định mức thuế cho phù hợp đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện vì theo đại biểu Nga, giá những mặt hàng thiết yếu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ giá cả các mặt hàng khác.
Đại biểu Nguyễn Văn Thời cho rằng mục đích của Luật thuế bảo vệ môi trường là giảm thiểu các tác động ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, nếu thực hiện thì nó sẽ tác động trực tiếp đến thu nhập của doanh nghiệp và do vậy giá thành các mặt hàng lại bị đẩy lên cao, vì vậy dự án Luật phải điều tiết trực tiếp với đối tượng là chủ các doanh nghiệp để đạt được mục đích giảm chất xả thải ra môi trường, bên cạnh đó đề nghị nâng pháp lệnh về phí bảo vệ môi trường thành luật thì tính răn đe sẽ cao hơn.
Về các nhóm đối tượng chịu thuế, đại biểu Nguyễn Văn Vượng nhận xét rằng quy định 5 nhóm đối tượng chịu thuế (gồm: xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng) như trong dự thảo Luật là vẫn thiếu, thủ phạm gây ô nhiễm môi trường không chỉ có ở 5 nhóm đó, ví dụ như nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống hàng ngày xả rất nhiều chất thải gây ô nhiễm ra môi trường, vì vậy đại biểu Nguyễn Văn Vượng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cho đầy đủ hơn. Về khung chịu thuế, theo đại biểu Nguyễn Văn Vượng có 2 điểm chưa hợp lý. Thứ nhất, quy định dầu hoả cùng chịu một mức thuế như xăng, dầu diezen thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, mà người tiêu dùng ở đây chủ yếu là nông dân nghèo. Thứ hai, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp thuộc loại mặt hàng không khuyến khích sử dụng vì những tác động cúa nó ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, lẽ ra nên đánh thuế cao nhưng trong dự thảo Luật lại đưa ra mức thuế thấp. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Vượng đề nghị cần quy định khung chịu thuế của các đối tượng chịu thuế cho phù hợp hơn. Đại biểu Nguyễn Văn Vượng cũng đồng tình với dự thảo Luật khi quy định mức thuế cao với mặt hàng là túi nhựa xốp để người tiêu dùng hạn chế thói quen sử dụng mặt hàng này. Về tên gọi của Luật, đại biểu Nguyễn Văn Vượng đề nghị gọi là Luật thuế môi trường vừa ngắn gọn mà vẫn đầy đủ.
Đình Hải