Đó là hoàn cảnh của bốn anh em sinh sống trong xóm Văn Minh, Thạch Tân, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Cái xóm có 8 hộ nghèo thì gia đình này “lấy mất” 3 "suất".
Người anh đầu Nguyễn Hữu Hạ sinh năm 1965. Thuở bé bị bệnh suyễn hành hạ, bây giờ tuổi cao lại bị bệnh lao phổi nên ông Hạ gầy như cọng rơm khô. Nhà làm 8 sào ruộng thì năm nay mất trắng 7 sào. Sức yếu, ngày hai buổi ông chỉ biết chăn một con trâu để đến mùa khỏi phai thuê máy cày. Nay mất mùa, ông Hạ không biết làm nghề gì ăn.
Hai anh em ông Hạ, Xuân |
Người em kế theo là Nguyễn Hữu Thu, sinh năm 1968. Nhập ngũ khi tròn 20 tuổi ở Đông Hà, Quảng Trị, sau khi huấn luyện xong, gia đình nghe nói ông bị điện giật chết. Anh em đơn vị đưa thi hài về năm 1991. Gia đình có hỏi nhiều lần vì sao đơn vị không báo tử. Đơn vị trả lời đã cho đại diện báo cáo trường hợp rủi ro nên không báo tử. Họ đã viết đơn nhiều năm gửi ngành chức năng nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Người em thứ ba là Nguyễn Hữu Đông có lẽ là hoàn cảnh sống bi đát nhất, năm nay anh làm năm sào ruộng thì mất trắng cả năm. Ba năm về trước, anh làm nghề thợ mộc cũng thuộc diện có tay nghề nhưng bị tai nạn xe máy chấn thương cột sống, giờ không làm được việc nặng nhọc.
Vợ anh, chị Trương Thị Liệu sinh năm 1968, một mình lo nuôi sống gia đình với hai con học lớp 9 và lớp 7. Năm 2016 trong lúc đi phụ hồ, chị bị rơi trên tầng hai xuống, tai nạn làm gãy cột sống, liệt nửa người, giờ phải di chuyển bằng xe lăn.
Không có ai chăm sóc con, đầu năm 2017 chị phải cố gắng bò dậy nấu ăn cho hai đứa nhỏ. Vì bị liệt cột sống, phía dưới không có cảm giác, không cử động được, trong khi nấu ăn bằng bếp củi, chị cho chân vào trong bếp “nướng” cả chân mình mà không biết. Khi nghe mùi khét nhìn xuống thì đôi chân đã bị bỏng nặng.
Nhà nghèo quá lại tai nạn liên miên, chị lại phải điều trị bỏng ở bệnh viện thành phố Hà Tĩnh. Trò chuyện với người viết, chị nằm liệt giường nhưng vẫn cố chống hai tay ngồi dậy, nụ cười hiền lành.
Chị Liệu bên người thân |
Kể về hoàn cảnh, chị bật khóc: “Thương con nhưng giờ tôi đành bất lực không không biết làm cách nào để nuôi sống gia đình”. Chồng sức khỏe yếu, đi phụ hồ "bữa đực, bữa cái" lại sinh thói rượu chè nên mấy ai rủ lòng thương. Vì hoàn cảnh đó, con gái đang học lớp 9 cũng phải xin nghỉ học để về chăm sóc mẹ trong bệnh viện.
Gia tài lớn nhất là mảnh đất cũng đã cắm ngân hàng, còn một cái tủ lạnh đáng giá nhất nhà, muốn bán, nhưng rao mãi cũng chẳng ai mua. Chị nói chỉ có mấy con vịt là “thương tình” đẻ cho vài quả trứng để làm nguồn dinh dưỡng cho bốn miệng ăn.
Năm nay mùa mất trắng, trụ cột gia đình là người chồng cũng đau yếu, không làm được việc nặng.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hữu Việt, xóm trưởng xóm Văn Minh cho biết: “Gia đình anh Đông hiện là hộ khó khăn nhất xóm, hoàn cảnh quá éo le. Xóm đã đề xuất với xã rồi nhưng chưa thấy được hỗ trợ gì. Xóm thì nghèo không có kinh phí hỗ trợ. Năm nay lại mất mùa nên cuộc sống của họ chắc đi vào ngõ cụt”.
Anh Đông đã nhiều lần lên xã xin chế độ trợ cấp cho vợ nhưng chưa được. Nhưng ông Nguyễn Hoành Mai - Chủ tịch UBND xã Thạch Tân cho hay: “Chưa nghe ai báo cáo, và nếu có hoàn cảnh đó thì trợ cấp cũng chẳng được là bao”.
Người em út Nguyễn Hữu Xuân hoàn cảnh cũng không kém phần bi đát. Mấy năm trước ngoài làm ba sào ruộng của bố mẹ chia cho thì anh còn làm thêm nghề mổ thịt lợn cho vợ bán và làm thêm nghề tắm rửa, khâm liệm tử thi.
Năm 2016 sau khi khâm liệm cho một người chết trẻ, anh về thấy đau khắp người. Đi khám ở Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh thì được chuyển ra bệnh viện K (Hà Nội), kết quả bị ung thư xương đùi trái. Không có tiền điều trị, anh xin về.
Năm nay đau nặng, anh ra Nghệ An khám lại phát hiện thêm bệnh ung thư trực tràng. Chấp nhận cái chết đang đến gần, anh tự an ủi khi nhìn đứa con trai 16 tuổi, nói: “Giờ nó đi làm thuê để nuôi tôi”. Người vợ buôn bán vặt kiếm ngày vài ba chục ngàn qua ngày.
Theo báo cáo của xã Thạch Tân, năm nay xã mất trắng 186 ha, riêng xóm Văn Minh làm 23,5 ha canh tác thì mất đến 20 ha, mất trên 70%. Đại gia đình nghèo này cũng nằm trong những nông dân nguy cơ đói vì mất mùa. Dù bươn chải làm ăn nhưng vẫn bệnh tật, nghèo đói truyền đời. Những người khốn khổ trong đại gia đình “4 mùa” nghèo này chỉ còn biết trông mong vào sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng để bớt phần nào bất hạnh.