Vào một ngày, tình yêu đến với họ khiến họ hạnh phúc, lo lắng, hoang mang không dám đáp lại. Nhưng nhờ tình yêu chân thành, dũng cảm vượt qua những khó khăn cuộc sống, dị nghị của người thân, họ đã dệt nên ước mơ cuộc đời…
“4 bức tường trong phòng anh đã biết cười từ khi có em!”
Trần Văn Hà (SN 1990, Quỳ Hợp, Nghệ An) là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em. Từ khi mới sinh ra, Hà đã mắc bệnh xương thủy tinh, chân tay co quắp không thể đi lại bình thường. Lên 7 tuổi bố mẹ chia tay nhau, mẹ Hà ở vậy bươn trải nuôi 3 chị em khôn lớn.
Suốt thời thơ ấu đến lúc trưởng thành, ngoài ngôi nhà, bệnh viện là nơi “gắn bó” với anh. Những lần xương gẫy là những lần đau đớn điều trị. Chàng trai gần 30 tuổi với thân hình vỏn vẹn 21 kg, mọi sinh hoạt cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Anh buồn bã, ẩn nấp nỗi buồn của mình vào chiếc xe lăn.
Thương mẹ một mình nuôi 3 con lại “cõng thêm” một con khuyết tật, anh Hà cố gắng kiếm tiền giúp mẹ trang trải cuộc sống. Dù nắng, hay mưa, ngày nào anh Hà cũng đi xe lăn rong ruổi những con phố, ngõ hẹp để bán những đồ khô.
Cuộc sống lặng lẽ cứ thế tiếp diễn nếu không có một ngày, Hà phát hiện fb của một người bạn tên là Lô Thị Giang bị “hack”. Hà đã nhắn tin: “Facebook của em bị hack rồi. Nếu không chê thì để chàng trai khuyết tật này sửa cho em nhé!”. Giang vui vẻ nhắn tin đáp lại. Cũng từ đó, hai người nói chuyện, tâm sự nhiều hơn.
Khi tình yêu lên tiếng, chàng trai khuyết tật đã đi xe lăn đoạn đường 20kg đến nhà Giang ở Khe Mèn, Đồng Hợp, Nghệ An để gặp cô gái khỏe mạnh, xinh xắn. Trước nghị lực và tình yêu chân thành của chàng trai, Giang đã yêu từ lúc nào.
Họ muốn cưới nhau nhưng gặp rào cản của gia đình. Họ lo sức khỏe của Hà khó có thể mang lại hạnh phúc cho con gái họ. Nhưng rồi, nhờ sự thuyết phục cũng như chứng kiến tình yêu của đôi bạn trẻ, chính bố mẹ cô dâu đã đến từng nhà họ hàng mời đến dự lễ cưới của con gái.
Ngày cưới là ngày đặc biệt của Hà và Giang khi chú rể phải nhờ một người thân bế lên trao nhẫn cưới cho cô dâu Quỳnh Giang. Tất cả những người dự cưới đều khóc vì xúc động, khâm phục tình yêu đôi bạn trẻ.
Nhạc sĩ Thiên Ngôn sinh năm 1993, tên thật Vũ Quốc Hùng. Anh mắc hội chứng bại não bẩm sinh, không thể tự sinh hoạt, giao tiếp khó khăn. Gia đình đã đưa anh chạy chữa ở nước ngoài nhưng không khỏi bệnh. Vì có năng khiếu âm nhạc, 9 tuổi, Thiện Ngôn học đàn và kiên trì luồn tay phải qua chân để đánh các bản nhạc.
Anh lấy sáng tác các ca khúc làm nguồn cổ vũ tinh thần chống lại căn bệnh quái ác. Những ca khúc ngọt ngào khiến cho nhiều khán giả yêu mến: “Đừng bắt em phải quên”, “Em muốn quên” (ca sĩ Miu Lê thể hiện), “Dù không là định mệnh” (Minh Vương M4U), “Hạnh phúc của anh” (Tăng Nhật Tuệ), “Người đứng sau em”, “Anh vẫn quen có em” (Hồng Dương M4U), “Nụ cười hạnh phúc” (Vũ Duy Khánh)...
Cơ duyên anh gặp “người trong mơ” khi một lần anh lên truyền hình phỏng vấn. Diệu Linh, 27 tuổi, ở Cao Bằng làm điều dưỡng đã bị anh “hút hồn”. Chuyện tình cảm của cô và Thiên Ngôn từng bị gia đình ngăn cản. Họ đến với nhau như đã hẹn từ kiếp trước. Ngày Diệu Linh ra mắt bạn trai cũng là ngày cả gia đình Linh cấm cản. Nhưng rồi phép màu tình yêu đã đến khi hai bên tổ chức đám cưới đầy ngọt ngào vào ngày 9/8/2020.
Sau khi kết hôn, cô nghỉ ở nhà để dưỡng thai, chuẩn bị chào đón con đầu lòng của hai người. Nhạc sĩ Thiên Ngôn tiết lộ lấy vợ rất vui. Anh cũng dành nhiều lời khen ngợi cho bà xã. "Lấy vợ về vui lắm mọi người ơi, thế mà ai bảo lấy vợ là đeo gông vào cổ? Anh viết những dòng chữ đầy tình cảm: “Vợ ơi, ngàn kiếp sau vợ chồng mình vẫn yêu và lấy nhau nhau?...
4 bức tường trong phòng anh đã biết cười từ khi anh cưới em về! 4 bức tường đó giờ đây đầy ắp hi vọng, lạc quan sự phấn đấu của đôi ta cho tương lai, chả còn sự cô đơn, chả còn những khoảng lặng như trước kia khi anh còn một mình!
Cảm ơn em đã chấp nhận yêu anh! Cảm ơn em đã chấp nhận làm bạn với 4 bức tường cùng anh! Em có biết không, em đáng yêu lắm! Đáng yêu từ hình hài đến tính cách. Từ giờ, em đừng nói em xấu, hay gì nữa nha. Vì em nói thế là đang chê gu thẩm mỹ của anh đó! Yêu em… Cảm ơn ông trời đã công bằng với con! Và cảm ơn mọi người đã chúc phúc cho bọn mình nha”.
Kết hôn với người khuyết tật, tại sao không!
Tình yêu đẹp như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường của Nguyễn Văn Lộc (SN 1986) và chị Nguyễn Thị Nhi (SN 1984) chàng trai khỏe mạnh, lành lặn sẵn sàng làm chỗ dựa cho người phụ nữ khuyết tật đôi chân khiến không ít người rơi nước mắt vì cảm phục.
Chị Nhi bị khiếm khuyết hai chân vì sốt bại liệt năm 5 tuổi. Lúc đó, mẹ chị đã chạy chữa khắp nơi với mong muốn con gái có thể hồi phục và đi lại như chúng bạn. Tuy nhiên, chị đã vĩnh viễn không thể đứng dậy như những người bình thường khác. Chị buồn bã và mất tự tin không mấy khi giao tiếp bên ngoài. Gia đình sắm cho chị chiếc điện thoại để bầu bạn. Và rồi, anh Lộc và chị Nhi gặp nhau trên mạng xã hội.
“Mình gửi hình toàn thân của mình và nói với anh ấy mình bị khuyết tật hai chân”. Những lời tâm sự hoàn cảnh và những câu chuyện đời sống khiến hai người hiểu và yêu thương nhau từ lúc nào. “Dù em như thế nào anh cũng chấp nhận, anh cũng thương em. Chỉ cần em yêu thương anh thật lòng là đủ”. Nghe anh Lộc ngỏ lời yêu thương, chị Nhi khóc nức nở vì hạnh phúc.
Gia đình hạnh phúc của đôi vợ chồng “sinh ra để dành cho nhau”. |
Để đến được với nhau, anh chị cũng phải mất quãng thời gian dài. Bởi bố anh đồng ý nhưng mẹ anh phản đối khiến Nhi cảm thấy bị tổn thương, buồn tủi. Dù có mẹ ngăn cấm nhưng không hề lung lay tình yêu của họ dành cho nhau. Vào một ngày, anh bị tai nạn nằm viện hàng tháng trời. Chị tuy sức khỏe yếu nhưng dốc lòng chăm sóc anh không kể ngày đêm.
Sự chu đáo, ân cần và tình yêu mạnh mẽ của chị khiến anh bình phục nhanh hơn. Chứng kiến tình yêu bất diệt ấy, mẹ anh Lộc đã cảm động và đồng ý tổ chức đám cưới. Anh yêu vợ tới mức, đi đâu chơi, anh cũng bế chị đi. Bởi anh nghĩ mình là đôi chân hoàn hảo của chị.
Tổ ấm nhỏ của anh thêm rộn ràng niềm vui khi chị mang thai. Anh nguyện làm hết công việc kiếm tiền và chăm sóc vợ. Con trai đáng yêu ra đời khiến gia đình không ngớt tiếng cười dù phía trước kinh tế còn khó khăn. “Như một món quà vô giá mà ông trời đã ban tặng cho chúng tôi. Từ ngày có thêm bé, tình yêu của hai vợ chồng càng mặn nồng hơn. Tổ ấm bé nhỏ của chúng tôi bây giờ đã có thêm niềm vui của con trẻ và cả hai đang vun đắp để gia đình nhỏ của mình luôn tràn ngập tiếng cười”.
Nhìn cậu con trai hiếu động, dễ thương càng khiến anh Lộc ao ước có thể có thật nhiều tiền để lo cho vợ con một cuộc sống đủ đầy: “Nhìn vợ chịu nhiều thiệt thòi, mình cảm thấy có lỗi với lương tâm lắm. Mình muốn bù đắp cho vợ nhiều hơn nữa” – Văn Lộc tâm sự.
… Những cặp vợ chồng ở mọi miền Tổ quốc, với nhiều dạng tật khác nhau, hoàn cảnh khác nhau và những câu chuyện tình yêu, hôn nhân khác nhau. Nhưng, họ có nét chung là những rung động yêu thương chân thật, biết đồng cảm, sẻ chia, dũng cảm vượt qua thử thách để đón nhận hạnh phúc của mình.
Khác hẳn với quan niệm cho rằng, người khuyết tật không nên kết hôn vì sinh con sẽ khuyết tật, thì thực tế đã chứng minh, rất nhiều cặp vợ chồng khuyết tật đều có những người con khỏe mạnh, xinh xắn, ngoan ngoãn, thành đạt. Anh Nguyễn Đức Trọng và chị Nguyễn Thị Hương (Bình Phước) chia sẻ, họ có hai con đều là học sinh giỏi, con gái lớn đang học năm cuối đại học, con trai đang học lớp 8.
Còn gia đình anh Thái Văn Thanh và chị Lê Thị Diễm Thúy (An Giang) có 2 con, con trai lớn hiện là hạ sĩ công tác tại văn phòng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, con gái đã vào lớp 8... Đó là niềm hạnh phúc tột cùng của người khuyết tật, khi tình yêu đã đơm hoa kết trái, để những người con ấy là niềm tự hào tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho cha mẹ vững bước trên đường đời còn nhiều gian nan, thử thách phía trước.
Cuộc đời vốn dĩ rất công bằng, không ai có tất cả và cũng không ai mất đi tất cả. Họ không phân biệt địa vị xã hội hay ngoại hình của một người, mà họ cần một trái tim chân thành, một người yêu thương để cùng nhau bước hết đoạn đường đời. Dù cuộc sống gia đình còn khó khăn phía trước, nhưng những cặp vợ chồng “sinh ra để dành cho nhau” ấy luôn tin rằng mình sẽ vượt qua, bù đắp những thử thách của số phận, dệt nên hạnh phúc giữa đời thường.