Trung tâm huyện Lâm Hà hôm nay. Ảnh: N.Minh |
Thấm thoát đã hơn 1/3 thế kỷ trôi qua, Vùng kinh tế mới Lâm Hà hoang vu, chất chứa đầy nguy hiểm ngày nào giờ đã “thay da đổi thịt”. Người ta bảo, Lâm Hà giờ đây đã thực sự là một vùng quê trù phú, phong cảnh hữu tình, những sản phẩm do bàn tay khối óc của con người làm ra ngày một nhiều những hoa thơm trái ngọt, dâng mãi cho đời.…
Quả thật như vậy, giờ đây nếu có dịp đến với Lâm Hà chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy sức sống mới của vùng đất mới này, mà cụ thể là hệ thống điện, đường, trường, trạm tương đối thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con yên tâm tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần.
Chính vì vậy mà Lâm Hà đã ngày càng xuất hiện nhiều những ngôi nhà cao tầng, bên cạnh những ngôi nhà mái ngói hồng ẩn mình bên những hàng cây xòe tán rộng làm mát cả lòng người. Lịch sử Huyện Đảng bộ Lâm Hà ghi lại, ngày 29/3/1976, Tổng đội thanh niên tiền trạm Gia Lâm có 125 đoàn viên nhận nhiệm vụ xuất quân đầu tiên đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Sau khi tập kết và làm công tác chuẩn bị tại Đà Lạt, ngày 18/4/1976, đoàn đã có mặt ở Nam Ban; tiếp theo đó là các tổng đội: Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì và các khu phố Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng lần lượt có mặt theo quy hoạch.
Trong những ngày đầu khó khăn, lại nhớ nhà, nhớ thủ đô, lại chưa quen với sinh hoạt tập thể, lao động nông nghiệp giữa rừng xa hoang vắng, thiếu thốn đủ điều nhưng được sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào dân tộc bản địa nên lực lượng tiền trạm đã cảm thấy bớt buồn và luôn xác định rõ trách nhiệm của thanh niên Thủ đô với sự nghiệp xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Hà.
Ngày 28/10/1987, huyện Lâm Hà chính thức được thành lập trên cơ sở sát nhập vùng kinh tế mới của Hà Nội ở Nam Ban, Lán Tranh (thuộc huyện Đức Trọng) với 5 xã khác của huyện Đức Trọng. Trước đó, từ sau năm 1976, Chính phủ cũng đã tổ chức cho cán bộ và nhân dân ở các huyện ngoại thành Hà Nội và một số huyện của tỉnh Hà Tây cũ vào xây dựng vùng kinh tế mới ở Nam Ban và Lán Tranh. Huyện Lâm Hà là cái tên ghép lại từ Lâm Đồng và Hà Nội, mà những người dân mới vào khai phá đất mới đặt cho nó để gắn kết hai vùng quê hương mới và cũ của họ.
Bí thư Huyện ủy Lâm Hà - đồng chí Trần Thanh Phương nhớ lại: “Lâm Hà có được như ngày hôm nay là kết quả của chính sách xây dựng vùng kinh tế mới do Đảng và Nhà nước khởi xướng sau ngày miền Nam toàn thắng thống nhất đất nước.
Trong đó, phải kể đến công sức “khai sơn, phá thạch” ban đầu của hơn 2.660 cán bộ đoàn viên thanh niên Thủ đô nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã tạm biệt gia đình người thân, phố phường nhộn nhịp để vào cao nguyên Lâm Đồng đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Cũng chính từ bàn tay, khối óc của những người thanh niên Thủ đô đi tiền trạm phục vụ công tác đón dân vào xây dựng quê hương mới, giờ đây Lâm Hà đã trở thành điểm sáng, thành công toàn diện của mô hình xây dựng vùng kinh tế mới trên vùng đất Nam Tây Nguyên.
Những thành quả mà Lâm Hà đạt được khẳng định chủ trương của thành phố đưa lực lượng thanh niên tiền trạm đi trước một bước làm nhiệm vụ mở đường xây dựng vùng kinh tế mới là hoàn toàn đúng đắn”. Với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quê hương mới đòi hỏi phải sớm đưa gia đình vào bám trụ mới ổn định lâu dài, bền vững nên ngay từ đợt ra quân, UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý cho huyện Từ Liêm đưa 9 hộ dân đi cùng với lao động tiền trạm vào Nam Ban.
Thấy bà con thích ứng nhanh, làm ăn hiệu quả, nên cuối năm 1976, các huyện khác cũng thực hiện đưa tổng hộ gia đình vào vùng lên 90 hộ… Trải qua 34 năm xây dựng và trưởng thành, bằng sức lao động sáng tạo, với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả Trung ương và các địa phương Lâm Đồng - Hà Nội - Hà Tây (cũ), vùng kinh tế mới Lâm Hà đã vượt qua khó khăn gian khổ, thử thách để biến vùng đất hoang hóa sau chiến tranh thành một vùng dân sinh kinh tế mới trù phú, giàu tiềm năng, phát triển toàn diện một cách bền vững.
Đã qua 5 kỳ Đại hội huyện Đảng bộ, nhưng ở bất kỳ giai đoạn nào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Hà vẫn luôn đoàn kết, sáng tạo, đồng cam cộng khổ vượt qua mọi khó khăn thách thức để xây dựng và đưa Lâm Hà trở thành một vùng quê trù phú.
Sự đoàn kết, năng động sáng tạo khắc phục khó khăn vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện chính là nguyên nhân tích cực nhất dẫn đến những thành tựu mà vùng kinh tế mới Lâm Hà gặt hái được trên các lĩnh kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
34 năm xây dựng và phát triển vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng là thành quả to lớn, đồng thời là mô hình kinh tế - xã hội thành công nhất của chiến lược phân bổ lại lao động và dân cư trên địa bàn cả nước. Thành quả đó đã khẳng định sự vận dụng sáng tạo đường lối đúng đắn của Đảng, giải pháp, cách làm phù hợp của Đảng bộ thành phố Hà Nội và Đảng bộ Lâm Đồng. Những thành tựu đó đã thấm nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu xương của nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong huyện đã đổ xuống để Lâm Hà có được sức sống mới như ngày hôm nay.