Với mục tiêu tối thượng của doanh nghiệp (DN) là lợi nhuận, trong giai đoạn công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn này, không ít lãnh đạo DN muốn sa thải lao động để cắt giảm chi phí. Nhưng cũng có những lãnh đạo DN cho biết, vẫn phải tìm cách tiếp tục sản xuất để giữ chân lao động, khuyến khích lao động cùng chia sẻ, chung sức vượt khó khăn với DN. Nếu tạo được một sự chuyển động trong ý thức, nhận thức như thế ở mỗi người lao động (NLĐ), thì văn hóa DN lúc này trở thành sức mạnh của DN.
Ảnh minh họa |
Từ sự tuân thủ pháp luật về NLĐ…
Ts.Phạm Thị Thu Hằng, Viện Phát triển DN, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng, muốn xây dựng một nét văn hóa nào đó trong DN tiếp cận dưới góc độ là NLĐ, thì trước tiên phải là sự tuân thủ mọi quy định pháp luật về lao động.
Bước tiếp theo là sự quan tâm đến đời sống tinh thần của NLĐ. Khi tạo được một không khí thân thiện, đoàn kết trong DN, thì chuyển sang bước thứ ba là xây dựng những nét văn hóa riêng của DN. Nét văn hóa ấy có thể do lãnh đạo DN đưa ra, hoặc có thể khơi dậy từ tập thể, nhân viên của DN. Nét văn hóa ấy phải được cụ thể hóa bằng những quy định, nội quy DN, gần gũi dễ hiểu, dễ thực hiện, trở thành thói quen với toàn bộ nhân viên.
Một ông chủ cơ hội, vì lợi nhuận, không quan tâm đến lợi ích của nhân viên, thì cũng sẽ nhận được một sự ứng xử tương tự như thế từ nhân viên. Họ sẽ làm việc vì mục tiêu duy nhất là tiền công, tiền lương, không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, không quan tâm đến sự tồn tại của DN. Ở cấp độ cao hơn, có văn hóa tuân thủ pháp luật, cũng có văn hóa làm việc chuyên nghiệp, nhưng lại chưa tạo được bản sắc riêng của DN. Luật sư Vũ Thị Quế, Công ty Luật TNHH LCT TP Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa DN thành công thì phải thể hiện được văn hóa độc đáo của mình qua NLĐ, từ ăn mặc, hành vi, thái độ phục vụ - làm việc, nét riêng có trong văn hóa ứng xử.
… đến khơi dậy sức mạnh giá trị của NLĐ
Lãnh đạo của một công ty chăn nuôi ở miền Trung cho biết, DN ông không thể vay vốn của ngân hàng, vì lãi suất hiện nay quá cao. Thế nhưng, DN này đã làm được điều mà không mấy DN làm được, đó là vay nhân viên, NLĐ được hàng chục tỷ đồng với lãi suất thấp và làm cho nhân viên hiểu được sự tồn tại của DN chính là việc làm, thu nhập và tương lai của NLĐ, vì thế, họ có trách nhiệm với sự tồn tại, phát triển của DN.
Rõ ràng, hành động này của NLĐ vượt lên trên tất cả quy định pháp luật, nội quy của công ty. Từ ví dụ này cho thấy, xây dựng được văn hóa DN là phải tạo ra ý thức tập thể, từ lãnh đạo đến nhân viên, ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa, quy trình sản xuất, thì phải ý thức được trách nhiệm của mình với sản phẩm. Đó là làm cho mỗi NLĐ hiểu rằng trong sản phẩm ấy có một phần công sức của mình, và mình tự hào khi sản phẩm đạt chất lượng cao, được người tiêu dùng sử dụng.
Những cách nhìn nhận vừa rồi cho thấy, vấn đề của giới chủ các DN là phải khơi dậy được ý thức, tinh thần làm việc của NLĐ. Mỗi DN khác nhau sẽ có cách khác nhau. Nhưng, không ai khác ngoài yếu tố con người thể hiện được văn hóa, giá trị thương hiệu của DN. Do đó, nếu xác định một giá trị văn hóa, thương hiệu để hướng đến, thì bước tiếp theo mới là các biện pháp để hướng đến giá trị ấy.
Luật sư Vũ Thị Quế thì cho rằng, trong bối cảnh lạm phát, thì chiến lược xây dựng văn hóa, thương hiệu của DN cũng cần thay đổi cho phù hợp. Trong điều kiện bình thường, có thể chủ DN sẽ đầu tư trang phục, sử dụng máy tính, hệ thống hiện đại, huấn luyện cho nhân viên mọi cách, tiếp xúc để ra ngoài, người ta biết ứng xử như vậy là văn hóa của công ty đó. Đồng thời, cũng phải có sự hỗ trợ về tinh thần, đầu tư về mặt tinh thần cho NLĐ. Đó là làm thế nào để nhân viên vẫn cảm thấy yên tâm hơn khi ở lại với DN. Họ không phải chỉ căn cứ rằng vì hôm nay lãnh đạo DN cho thêm bao nhiêu lương, thưởng thì mới ở lại. Như thế cũng là một phần phát triển định hướng DN.
Coi xây dựng văn hóa DN cũng là đầu tư
Việc xây dựng văn hóa DN gắn nhiều với quản trị nguồn nhân lực. Trước hết, người chủ DN phải hiểu được giá trị của NLĐ. Tài sản lớn nhất của DN không phải là máy móc, thiết bị, nhà xưởng, mà là nhân lực, sáng tạo của nguồn lực. Tất nhiên chủ DN phải bắt đầu coi NLĐ là tài sản quý giá nhất của công ty. Như thế, DN phải có chính sách đào tạo, nuôi dưỡng nguồn nhân lực, để nguồn nhân lực đó tạo ra lợi nhuận. Nếu coi NLĐ là một tài sản, thì chủ DN có thể đầu tư vào tài sản ấy để thu được lợi nhuận. Đó là đào tạo, đầu tư nâng cấp về tri thức, sức khỏe, tinh thần cho NLĐ. Từ đó, tài sản quý ấy sẽ nghĩ ra rất nhiều phương cách đầu tư sao cho hiệu quả nhất. NLĐ càng được đầu tư, thì càng chuyên nghiệp càng sáng tạo, mang lại giá trị gia tăng lớn cho DN.
Người viết bài này cũng được thăm quan thực tế tại XQ sử quán – Đà Lạt – Nha Trang và cảm nhận đầu tiên của người xem đó là sự hoành tráng của khu XQ sử quán này, bởi khu trưng bày đa dạng, diện tích lớn, không gian bố trí đẹp với nhiều phong cách khác nhau cho từng thể loại, như chân dung, phong cảnh cảnh… Mỗi một thể loại lại là một khu riêng biệt, có treo các bức tranh thêu lớn, nhỏ, có giá trị nghệ thuật rất cao, bởi sự tinh tế đến ngạc nhiên cho người xem. Cũng vì thế, những bức tranh thêu này có giá rất đắt, từ vài chục triệu, đến cả trăm triệu đồng/bức.
Rõ ràng, ở góc độ quản trị DN, người chủ của XQ sử quán ấy là đề cao giá trị lao động của NLĐ. Giá trị ấy được người xem cảm nhận, khâm phục, tôn vinh, và dành những tình cảm tốt cho những nghệ nhân thêu. Và do đó, chủ XQ sử quán đạt được cả hai mục tiêu, một là xây dựng một nét văn hóa độc đáo của nghề thêu dựa trên sự tôn vinh NLĐ, và thứ hai là mục tiêu lợi nhuận. Như vậy, nếu xây dựng văn hóa DN gắn với quản trị nguồn nhân lực sẽ như một khoản đầu tư, mang lại cả giá trị văn hóa, thương hiệu và giá trị lợi nhuận cho một DN.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều DN Việt Nam chưa hiểu rõ khái niệm văn hóa DN, và do vậy cũng chưa hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa DN. Nên nếu phổ biến để ứng dụng và phát triển thì khó. Những DN định vị được thương hiệu rồi, thì họ sẽ hướng đến một văn hóa đặc sắc hơn. Khi đó, các hành vi, ứng xử của DN theo hướng nhất định. Như thế, thì dù nhân viên đi ra ngoài, qua cách ứng xử, qua cách hành động hay ăn mặc, là người ta đã biết ngay đó là nhân viên của DN nào. Thành ra đó là điều các DN Việt Nam còn chưa thiếu sót.
Ths. Trần Thị Bảo Khanh
Khoa Quản trị nhân lực, Trường ĐH Công đoàn