Sức khỏe bà Clinton và “cuộc đua” vào ghế Tổng thống Mỹ

Hiến pháp Mỹ không có bất cứ chỉ dẫn cụ thể nào về trường hợp một ứng cử viên không thể hoàn thành được cuộc đua chính trị
Hiến pháp Mỹ không có bất cứ chỉ dẫn cụ thể nào về trường hợp một ứng cử viên không thể hoàn thành được cuộc đua chính trị
(PLO) - Hiện có nhiều câu hỏi đặt ra về sức khỏe của ứng cử viên đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton sau khi bà bất ngờ đổ bệnh hôm 11/9, điều có thể trở thành trở ngại lớn đối với ứng cử viên 68 tuổi này trong nỗ lực chạy đua vào vị trí tổng thống. Điều gì sẽ xảy ra nếu một ứng cử viên Tổng thống buộc phải từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng? Ai sẽ là người thay thế?.

Bà Clinton đã gần như suy sụp do bệnh viêm phổi sau khi tham dự lễ tưởng niệm sự kiện 11/9 tại New York. Mặc dù các cố vấn nói rằng bà Clinton có thể trở lại chiến dịch tranh cử trong một vài ngày tới, nhưng vụ việc này là diễn biến mới nhất về sức khỏe của bà Clinton. 

Trận ốm quái ác

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton, 68 tuổi, hiện đang nghỉ ngơi tại nhà riêng ở Chappaqua, New York và đã hủy chiến dịch vận động ở California vào ngày 12 và 13/9. Bác sĩ Lisa Bardack cho biết bà Clinton được chẩn đoán bị viêm phổi ngày 9/9 và chỉ định dùng thuốc kháng sinh, nhưng sau đó cơ thể bị mất nước khi tham dự sự kiện tưởng niệm ở New York.

“Bà Clinton bị ho liên quan đến dị ứng. Hôm 9/9, bác sĩ theo dõi cơn ho kéo dài và chẩn đoán bà bị viêm phổi, được bác sĩ cho dùng thuốc kháng sinh, khuyên nên nghỉ ngơi và thay đổi lịch trình... Hiện bà đang hồi phục tốt” - bà Lisa nhấn mạnh. 

Nick Merrill, người phát ngôn của chiến dịch tranh cử của bà Clinton cho biết: “Bà Clinton đang cảm thấy tốt hơn, song bà muốn nghỉ ở nhà ngày hôm nay theo khuyến cáo của bác sỹ”.

Một đoạn video nghiệp dư quay cảnh bà Clinton rời khỏi buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 cho thấy khi chuẩn bị lên xe, bà Clinton đã bất ngờ loạng choạng và được những thành viên tùy tùng nâng đỡ. Tình tiết này làm dấy lên những suy đoán và các thuyết âm mưu ngập tràn trên mạng, cùng với những tin đồn rằng bà Clinton có thể có một khối u não, bị bệnh Parkinson hay mắc chứng tâm thần phân liệt.

Nguồn gốc của những tuyên bố trên mạng về sức khỏe của bà Clinton nằm ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ Ngoại trưởng của bà năm 2012. Viêm đường ruột và mất nước khiến bà bị ngất đi. Các bác sỹ cho biết họ đã tìm thấy một cục máu đông trong não của bà. Tuy nhiên, bà đã hoàn toàn bình phục sau ca phẫu thuật năm 2012. Bác sĩ riêng của bà Clinton cho rằng bà có “sức khỏe tuyệt vời và thích hợp để đảm nhiệm vị trí Tổng thống Hoa Kỳ”.

Sức khỏe có thể là trở ngại lớn đối với ứng cử viên 68 tuổi H.Clinton
Sức khỏe có thể là trở ngại lớn đối với ứng cử viên 68 tuổi H.Clinton

Tỷ phú Trump kiềm chế

Một số nhà phân tích cho rằng ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, 70 tuổi có thể sẽ lợi dụng các thông tin về tình trạng sức khỏe yếu của bà Clinton. Nhà nghiên cứu cấp cao Darrell West của Viện Brookings nói: “Chắc chắn sẽ có thêm nhiều nghi vấn về sức khỏe của bà Clinton sau vụ việc mới đây”.

Ông West cho rằng bà Clinton sẽ cần phải cung cấp thêm nhiều thông tin về sức khỏe của bà, trong đó có việc trả lời các câu hỏi và cung cấp hồ sơ bệnh án liên quan. Theo ông West, bà Clinton cũng có thể lợi dụng việc này để đòi có thêm các thông tin về tình trạng sức khỏe của ông Trump, người vẫn chưa tiết lộ hồ sơ sức khỏe của mình. 

Trái lại, cùng tham dự lễ tưởng niệm ngày 11/9, ông Trump đã im lặng một cách khác thường trên Twitter, không đề cập gì tới tình trạng sức khỏe của bà Clinton. Theo Sputnik, Donald Trump cố tránh bình phẩm về sự đột biến xấu trong sức khỏe của đối thủ. Theo dữ liệu từ ban tham mưu tranh cử của tỷ phú, ông này thậm chí đã chỉ thị cho các trợ lý không được đưa ra tuyên bố nào về bệnh tình của cựu Ngoại trưởng cũng như cấm đăng tải ý kiến về việc này trên các mạng xã hội.

Các đại diện của đảng Cộng hòa định công khai “chúc bà Clinton mau chóng bình phục” và “bày tỏ sự tôn trọng” với vụ việc vừa xảy ra, — các phương tiện truyền thông Mỹ cho biết. Đáng chú ý là những ai vi phạm chỉ thị nói trên có nguy cơ “phải chịu hậu quả đến mức sa thải”.

Nhà phân tích Dan Mahaffee tại Trung tâm Nghiên cứu về Tổng thống và Quốc hội nói rằng ông Trump đã tỏ ra khá kiềm chế. Ông Mahaffee nói: “Ông Trump đã cẩn thận né tránh điều có thể bị coi là sự hả hê trước tình cảnh ‘họa vô đơn chí’ của bà Clinton, nhưng vẫn cho phép giới truyền thông khai thác các câu hỏi mà ông và các đại diện đặt ra về sức khỏe của bà Clinton”. 

Bà Clinton dường như đã khỏe hơn khi vài giờ sau đó bà đã đi bộ từ nhà con gái ra, mỉm cười và cùng chụp ảnh với một cô bé trước khi về nhà ở Chappaqua. Bà nói: “Tôi cảm thấy rất tuyệt, một ngày đẹp trời ở New York”. Cựu đệ nhất phu nhân Clinton đã bác bỏ “những thuyết âm mưu” về sức khỏe của bà và đưa ra một bức thư của bác sĩ tuyên bố bà đủ khả năng để làm tổng thống. Trận ho kéo dài lại làm nảy sinh những câu hỏi mới về việc liệu bà có đủ thể lực cho công việc này không. 

Theo Jennifer Lawless, Giáo sư Đại học Mỹ ở Washington, tình trạng sức khỏe kém của bà Clinton chưa chắc tạo ra bước ngoặt trong cuộc đua tranh chức tổng thống. Bà nói: “Điều mà chiến dịch vận động của bà Clinton cần phải làm trong vài ngày tới là thể hiện sinh lực và sức bền của bà. Bà phải tham dự cả đống sự kiện và phải đầy năng lượng”. Chiến lược đó có thể bị ảnh hưởng nếu bà Clinton nghe theo lời khuyên của bác sĩ là “nghỉ ngơi và giảm bớt hoạt động”. 

Larry Sabato, một nhà chính trị học kỳ cựu tại Đại học Virginia, cho rằng đội nhóm của bà Clinton nên đưa ra một bản tổng kết tình trạng sức khỏe. Ông nói với CNN: “Chúng tôi thực sự chưa biết gì nhiều, cơ bản chỉ là một bức thư từ bác sĩ của bà ấy”, song ông cũng nói thêm rằng ông Trump cũng cần phải được yêu cầu tương tự. 

Nếu quá ốm, thì sao?

Trong lịch sử Tổng thống Mỹ, chỉ có duy nhất một trường hợp ứng cử viên phải dừng cuộc đua vào Nhà Trắng. Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Thomas Eagleton, người cạnh tranh với ứng cử viên của đảng Dân chủ George McGovern, đã bị buộc phải dừng cuộc chơi sau khi thông tin ông từng mắc chứng trầm cảm được chứng thực.

Đến lượt mình khi vào cuộc tranh cử, mặc dù tuổi tác của Ronald Reagan là một vấn đề, nhưng ông đã sử dụng sự hài hước để làm trệch hướng quan ngại của công chúng và duy trì thời gian biểu có lợi cho sức khỏe để trấn an các cử tri. Ông Reagan đã hoàn toàn minh bạch về tình trạng sức khỏe của ông trong chiến dịch tranh cử và cho phép các bác sĩ cung cấp một loạt hồ sơ y tế.

Nhà phân tích Mahaffee nhấn mạnh, bên cạnh đó, ông Reagan đã sử dụng các bức ảnh hoạt động ngoài trời và làm việc ở trang trại của ông để “thể hiện” sức khỏe của mình. Theo Mahaffee, là một ứng cử viên, bà Clinton cần giải quyết vấn đề này một cách minh bạch và trực tiếp: “Việc che giấu sự thật còn tồi tệ hơn chuyện thừa nhận rằng bà Clinton đã đổ bệnh bởi nhịp độ của chiến dịch tranh cử gần đây hoặc các nhân tố khác”...

Hiến pháp Mỹ không có bất cứ chỉ dẫn cụ thể nào về trường hợp một ứng cử viên không thể hoàn thành được cuộc đua chính trị. Tuy nhiên, các quy định này lại nằm trong quy chế của mỗi đảng phái chính trị. 

Theo Điều 2, Khoản 7 của Quy chế đảng Dân chủ, “một cuộc họp đặc biệt nhằm lấp khoảng trống ứng cử viên để lại sẽ được tổ chức bởi Chủ tịch đảng”. Quy chế đảng Cộng hòa cũng có một quy định tương tự. Tại cuộc họp đảng Dân chủ, quyết định sẽ được đưa ra dựa trên đa số phiếu bầu của những người có mặt.

Mặc dù bà Clinton được cho rằng sẽ bình phục hoàn toàn, song giới phân tích cũng thả nổi những cái tên có thể đại diện cho đảng Dân chủ nếu như bà Clinton bị ép buộc phải từ bỏ cuộc đua. Đó là Tim Kaine, ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ, Bernie Sanders - đối thủ cùng đảng ở vòng bầu cử sơ bộ của bà Clinton và Phó Tổng thống hiện tại Joe Biden.

Giáo sư David Lublin thuộc Đại học Mỹ cho rằng lãnh đạo đảng Dân chủ có thể lựa chọn bất cứ ai đạt đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất quốc gia. Ông nói: “Điều này chắc chắn sẽ rất bí mật”. Theo ông Lublin, lựa chọn hợp lý nhất có thể là ông Kaine, tiếp theo đó là ông Sanders và ông Biden.

Còn theo Giáo sư khoa học chính trị Jeanne Zaino tại Trường Iona ở New York, hai đảng đang giữ quá trình tranh cử của mình “mập mờ có chủ đích bởi điều đó cho họ cơ hội đưa ra quyết định sáng suốt nhất, hơn là ‘tự trói tay mình’ với các biện pháp có thể sẽ đem đến cho họ một ứng cử viên mà họ cảm thấy không hài lòng”.

Cả hai chuyên gia đều tỏ ra nghi ngờ về khả năng bà Clinton sẽ rời bỏ cuộc đua vì vấn đề sức khỏe. Ông David Lublin nói: “Tôi không hy vọng bà Clinton sẽ bỏ cuộc đua. Bà Clinton bị bệnh, song là bệnh có thể chữa được”. Bà Zaino cho biết thêm: “Đây là một mùa bầu cử gay cấn, tôi đã chuẩn bị tinh thần cho bất kỳ điều bất ngờ nào, song điều mà tôi thực sự không mong đợi chút nào là tình hình sức khỏe của bà Clinton trở nên tồi tệ hơn những gì mà chúng ta được biết qua truyền thông”.

Có người đầu độc bà Clinton?

Nhà khoa học Mỹ nổi tiếng Bennet Omalu đưa ra tuyên bố rằng nữ ứng viên Tổng thống Hillary Clinton có thể đã bị đầu độc, theo tờ Metro. Trên trang Twitter cá nhân, Omalu khuyên Ban tham mưu tranh cử của bà Clinton nên tiến hành xét nghiệm máu của ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ để kiểm tra dư lượng độc tố, bởi hoàn toàn có khả năng là bà này đã bị đầu độc. Những người sử dụng mạng xã hội đã phản ứng với tuyên bố này một cách mỉa mai và phẫn nộ. “Ông được trả bao nhiêu tiền để công bố ở đây những lời ngu xuẩn như vậy?” - một thành viên mạng nêu câu hỏi. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.