Tuy nhiên, các ý kiến trái chiều về việc này vẫn đang diễn ra, kẻ bảo đúng, người bảo sai và ai cũng có lập luận bảo vệ ý kiến của mình được dẫn chiếu từ các điều khoản quy định pháp luật. Thu hồi “sổ đỏ” là một cách “sửa sai” từ chính cơ quan có thẩm quyền cấp “sổ đỏ” vì trước đó đã cấp sai, đề nghị tạm dừng thu hồi “sổ đỏ” là một cách “sửa sai” cho việc thu hồi vội vã này.
Nhưng một điều đơn giản mà ai cũng nhận thấy rằng, lỗi để chung cư xây dựng quá phép, sai thiết kế được phê duyệt ban đầu, “lố” tầng, thay đổi công năng hoàn toàn thuộc về cơ quan chức năng giám sát và chủ đầu tư, còn người dân không có lỗi gì trong chuyện này ngoài việc quá cả tin ra. Đến khi mọi việc vỡ lở thì hậu quả đầu tiên người dân lại phải gánh chịu. “Sửa sai” như thế, không sửa thì hơn!
Tương tự, những người dân bị mất đất oan ở Thủ Thiêm cũng vậy, tuy hình thức có khác. Chính quyền thành phố nhiều lần nhận sai với dân nhưng chưa kịp thời sửa những cái sai đó. Hiện thời TP HCM đang cấp tập gặp gỡ từng hộ dân để tính chuyện đền bù. Những người dân 20 năm trời kêu oan đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình lại nghĩ khác, họ yêu cầu “sửa sai” đầu tiên phải xử lý các cán bộ gây ra những sai phạm động trời trước, còn quyền lợi, sự đền bù sẽ tính sau. Dù sao, sai phạm hay “sửa sai” thì sự thiệt thòi cũng đều thuộc về phía người dân.
Ở các diễn biến khác, những sai phạm của cán bộ tiền nhiệm để lại và đến lúc phải sửa sai thì hậu quả vẫn là dân phải gánh chịu. Dẫn chứng điển hình nhất là việc ký hợp đồng tuyển dụng giáo viên ồ ạt, bất chấp quy định của pháp luật cũng như nhu cầu công việc, đến lúc “sửa sai” thì những giáo viên hợp đồng đó không được đứng lớp nữa mà ra “đứng đường”.
Sai thì sửa, tất yếu rồi, rất khó để không xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai, đô thị hay xã hội. Tuy nhiên, “sửa” thế nào để quy trách nhiệm cho người để xảy ra sai phạm, xử lý thích đáng họ và đảm bảo quyền lợi của người dân mới là vấn đề quan trọng!