Trong tháng 7 và đầu tháng 8/2010, giá sữa bột Dumex, Abbott, XO lần lượt tăng 10%, 7%, 2,5% khiến Bộ Tài chính quyết tâm sẽ ra văn bản nhằm thắt chặt hơn về việc tăng giá này.
Các cửa hàng đại lý đều mời khách hàng mua dự trữ thêm sữa Abbott trong những ngày này, vì một vài ngày tới, họ sẽ bán theo giá tăng mới. |
Ra thông tư liệu giá sữa có được quản?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài Chính cho biết: Trong tháng 8/2010, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư sửa đổi thông tư 104 (Thông tư 104 ban hành ngày 13/11/2008 quy định các điều kiện áp dụng biện pháp bình ổn giá khi có biến động giá bất thường ở 16 mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, xi măng, thép xây dựng, khí hóa lỏng, sữa, đường, gạo, thuốc chữa bệnh… - PV) trước đó dự kiến ban hành vào tháng 3/2010.
Về lý do ban hành văn bản chậm 5 tháng so với dự kiến, ông Nguyễn Tiến Thỏa giải thích: “Việc chậm trễ ra văn bản do có ý kiến của các đại sứ quán (ở những nước có các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa bột tại Việt Nam – pv). Họ cho rằng, việc quản lý giá của mình không phù hợp với cơ chế thị trường. Nhưng khi chúng tôi đề nghị chỉ ra không hợp như thế nào thì họ không đưa ra cụ thể. Dự thảo sửa đổi thông tư 104 dự kiến chính thức ban hành tháng 8 không khác gì so với bản dự thảo tháng 3”.
Trước đó, trao đổi với pv, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết: “Thông tư mới sẽ khắc phục việc doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý. Dự kiến, thông tư mới có cơ chế tính giá, xác định yếu tố hình thành giá hợp lý hay không hợp lý và khi đăng ký giá với phía Bộ Tài chính thì bên Bộ sẽ chỉ ra đâu hợp lý và đâu không hợp lý.
Khi thông tư được ban hành, mỗi lần tăng giá sữa mới thì DN sẽ phải đăng ký với các đơn vị liên ngành địa phương”.
Một điều bất hợp lý trong thông tư 104 về vai trò của nhà nước trong bình ổn giá là “trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi biến động thì mới có điều kiện áp dụng biện pháp bình ổn”, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, thông tư mới sẽ bỏ quy định này.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn nói: “Doanh nghiệp có thể tăng giá lúc nào cũng được nhưng phải thuyết trình và được cơ quan nhà nước chấp thuận.
Hơn nữa, thông tư 104 chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có trên 50% vốn sở hữu Nhà nước. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sữa có 100% vốn nước ngoài đang chiếm thị phần lớn tại VN lại không phải là đối tượng điều chỉnh của thông tư 104. Vì vậy, ông Tuấn cho biết, “thông tư thay thế sẽ gỡ hàng rào này và không có sự phân biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nữa”.
Các đại lý rục rịch tăng giá trước khi có quy định
Trong thông báo ngày 30/7/2010, công ty Công ty TNHH dược phẩm 3A, nhà phân phối chính thức của Abbott điều chỉnh giá tăng trung bình 7% đối với 3 dòng sản phẩm là Similac IQ, Similac Gain IQ và Gain Plus IQ.
Cùng với bảng giá sữa mới tăng giá, tại cửa hàng Nghi Nga, vẫn niêm yết bán sữa Abbott theo giá cũ vào ngày 12/8. |
Ông Hà Anh Dũng, phụ trách Marketing khu vực phía Bắc hãng sữa Abbott cũng xác nhận là Abbott có tăng 3 dòng sản phẩm sữa.
Không chỉ có Abbott mà cả sữa XO của NamYang do công ty xuất nhập khẩu Nam Dương phân phối cũng tăng 2,5%, sữa Dumex của công ty Danone Việt Nam (thuộc tập đoàn Danone Pháp) cũng tăng giá 10% từ 19/7.
Cụ thể sữa bột Imperial Dream XO2 giá 187 ngàn đồng/hộp 400 gr, 342 ngàn đồng/hộp 800 gr; XO4 dành cho trẻ 12 – 36 tháng tuổi giá 198 ngàn đồng/hộp 400 gr, 369 ngàn đồng/hộp 800 gr.
Sữa Dumex tăng giá Dumex Dugro Gold số 1 hộp thiếc 800 gr tăng giá lên thành 334 ngàn đồng/hộp, sữa Dugro Gold 2 hộp 800 gr tăng từ 298 ngàn đồng lên 328.000 đồng/hộp. Dumex Dugro Gold số 3 hộp thiếc 800 gr giá 292 ngàn đồng/hộp.
Sữa Dumex Mama Gold step 0 loại hộp 800 gr tăng từ 212 ngàn đồng lên 233 ngàn đồng/hộp.
Theo khảo sát của pv, dù theo thông báo mới thì sữa Dumex Dugro Gold số 1 hộp thiếc 800 gr tăng giá lên thành 334 ngàn đồng/hộp, Dumex Dugro Gold số 3 hộp thiếc 800 gr giá 292 ngàn đồng/hộp. Nhưng tại một số đại lý như Nghi Nga (184 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) giá sữa vẫn thấp hơn giá công bố mới 10%. Nhân viên bán hàng ở đây nói trong một vài ngày nữa sẽ tăng giá sau khi bán hết lô hàng cũ.
Với sữa bột Abbott cũng tương tự như vậy dù cô nhân viên của Nghi Nga nói: “Có văn bản rồi chị ạ, giám đốc của công ty phân phối sữa Abbott đã ký. Chị mua nhanh đi không một hai ngày nữa là tăng giá rồi”.
Hiện tại đại lý Nghi Nga, giá bán sữa Abbott như sau: Gain Plus IQ trọng lượng 1,7 kg dành cho trẻ 1-3 tuổi có giá 557 ngàn đồng, vài ngày nữa theo giá mới sẽ là 600 ngàn đồng.
Gain IQ số 3 giá 215 ngàn đồng cho hộp 900 gr, hộp 400 gr là 108 ngàn đồng. Gain Plus IQ số 3 là 328 ngàn đồng/hộp 900 gr, 158 ngàn đồng/hộp 400 gr.
Gain IQ số 2 thường giá 110 ngàn đồng cho hộp 400 gr, 220 ngàn đồng cho hộp 900 gr. IQ Plus số 2 giá 172 ngàn đồng/ hộp 400 gr, 353 ngàn đồng/hộp 900 gr. Khi bán đúng giá mới thì mức giá trên sẽ nhân thêm 7%.
Tại đại lý Oanh Giáp (số 180 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), giá sữa Abbott cũng đang rục rịch chuẩn bị lên giá. Theo người bán hàng tại đây thì Gain IQ số 2 giá 221 ngàn đồng/hộp 900 gr. Gain IQ số 1 giá 360 ngàn đồng/hộp 900 gr.
Gain IQ Plus số 2 giá 355 ngàn đồng/hộp 900 gr, số 3 là 328 ngàn đồng /hộp 900 gr. Gain Plus IQ 1,7 kg số 3 giá 560 ngàn đồng sắp tới lên giá thành 600 ngàn đồng.
Lý giải về giá cả của tăng của sữa Abbott cô bán hàng tại đại lý Oanh Giáp nói: “Vì các dòng sản phẩm này có công thức mới với thế hệ IQ Plus tiên tiến nhất trong các sản phẩm của Abbott giúp phát huy tiềm năng trí tuệ của bé nên giá mới tăng”.
Tại đại lý trong số 51 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội, bảng thông báo tăng giá sữa đã được dán. Người bán hàng dù đang bán giá cũ nhưng đã rao trước với khách hàng về mức giá sẽ tăng trong thời gian tới. Giá sữa bán dòng Gain IQ và Gain Plus IQ có giá bán dao động chỉ hơn kém vài ngàn đồng so với giá của 2 đại lý trên.
Chị Hoàng Liên (phố Thái Thịnh) đến mua sữa tại đây cho biết: Tôi mua hộp sữa Gain Plus IQ 1,7 kg có giá 560 ngàn đồng. Mỗi tháng con tôi uống hết 2 hộp đã mất hơn 1 triệu đồng, giờ lại tăng giá. Tôi sắp sinh đứa nữa, chi phí mua sữa cho 2 đứa cũng đủ mệt”.
Do đâu sữa tăng giá?
Lý do lần này tăng giá mà các đại lý bán sữa của Abbott đưa ra là 3 dòng sản phẩm mới này được bổ sung dưỡng chất mới. Danone Việt Nam đưa ra lý là do chi phí cho từng sản phẩm và chính sách của công ty.
Người tiêu dùng chuộng sữa ngoại hiện phải chịu mức giá sữa bột khá cao. Với những gia đình nuôi 2 con nhỏ thì chi phí mua sữa lên tới trên dưới 2 triệu đồng/tháng. |
Còn theo phân tích của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho rằng: Doanh nghiệp nước ngoài bán sữa giá cao do chi phí quảng cáo của họ khá “nặng”.
“Sau khi thanh tra các đơn vị sữa vào tháng 12/2009, chúng tôi thấy có 2 yếu tố bất hợp lý là chi phí bán hàng quá lớn. Chi phí quảng cáo chiếm ước khoảng 30% so với doanh thu. Theo thuế thu nhập DN thì quảng cáo trên 10% là bất hợp lý. Cách tính giá sữa hình thành dựa trên hơn 10 yếu tố, và yếu tố quan trọng nhất là chi phí quảng cáo cao. Người Việt mình thấy cứ quảng cáo nhiều thì càng tiêu dùng nhiều và chi phí quảng cáo này được cộng vào giá”.
Ông Tuấn cũng cho biết, theo cách tính giá mới, doanh nghiệp mới thành lập thì cho phép chi phí quảng cáo 10% – 15%. Doanh nghiệp hoạt động trên 3 năm chi phí quảng cáo khống chế ở mức 10% thì hợp lý, nếu quá thì thì có thể phạt.
Còn ông Cục trưởng cục quản lý giá thì cho rằng: “Chúng ta cần tổ chức lại hệ thống cấp phép, phân phố và kiểm soát chất lượng sữa. Họ nói lý do tăng giá sữa là vì sữa này có công thức mới nhưng không ai kiểm soát thì bên cục quản lý giá cũng khó. Nên khi hãng sữa công bố thành phần mới thì trách nhiệm Bộ Y tế cần kiểm soát công nhận thành phần mới đó”.
Để người tiêu dùng sử dụng sữa bột sản xuất tại Việt Nam nhiều hơn nữa, ông Thỏa nói: “Việc sản xuất sữa bột trong nước cũng phải vì người tiêu dùng mà đẩy chất lượng lên. Nếu có nhiễm khuẩn trong sữa thì người tiêu dùng sợ sữa nội nên phải dùng sữa ngoại thôi”.
Theo Xã Luận.com