Việc xử lý hành vi vi phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện pháp luật tố cáo nhằm đảm bảo pháp luật tố cáo được thực hiện nghiêm chỉnh, góp phần nâng cao kỷ cương nhà nước trong lĩnh vực này.
Luật Tố cáo đã có một số quy định mang tính nguyên tắc về xử lý hành vi vi phạm. Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, việc xử lý theo quy định tại Luật Tố cáo còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế vì chưa quy định rõ ràng, thiếu các biện pháp chế tài cụ thể trong việc xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể trong quá trình giải quyết tố cáo khi có những hành vi vi phạm pháp luật như: cố tình không giải quyết tố cáo, vi phạm thời hạn giải quyết tố cáo, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc giải quyết, cố tình tố cáo sai sự thật, mạo danh người khác để tố cáo…
Chính vì pháp luật tố cáo hiện hành còn thiếu các quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực tố cáo và giải quyết tố cáo, nên mục tiêu của Dự thảo Luật là phải xác lập được bộ công cụ xử lý phù hợp với pháp luật hiện hành, áp dụng hiệu quả hơn đối với các hành vi vi phạm người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, người có trách nhiệm tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và áp dụng hình thức xử lý đối với người tố cáo.
Việc quy định xử lý vi phạm đối với người có trách nhiệm giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa và nâng cao ý thức của công chức, viên chức trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
Thực tiễn cho thấy, nếu quy định mang tính chất nguyên tắc như Luật hiện hành thì việc xử lý vi phạm hành chính của người vi phạm sẽ dẫn chiếu tới pháp luật xử lý hành chính; việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức sẽ dẫn chiếu tới pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Như vậy sẽ dẫn đến thực tiễn bỏ lọt hành vi vi phạm, vì hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Với quy định pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến việc xem xét trách nhiệm pháp lý đối với các cán bộ, công chức, viên chức và cá nhân có hành vi vi phạm chưa được thực hiện trong thực tế hoặc thực hiện thiếu thống nhất, tùy tiện trong việc quyết định hình thức kỷ luật, xử phạt hành chính.
Để khắc phục, Dự thảo Luật sửa đổi quy định chi tiết các hình thức kỷ luật tương ứng với các hành vi vi phạm. Đồng thời giao cho Chính phủ quy định chi tiết về xử lý hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo đó, quy định cụ thể, chi tiết về hình thức, mức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Cụ thể, Dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm, quy định áp dụng hình thức xử lý kỷ luật tương ứng với các hành vi vi phạm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, của người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo; áp dụng hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm của người có trách nhiệm tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo, xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; áp dụng hình thức xử lý đối với người tố cáo.
Phương án sửa đổi này sẽ khắc phục được hạn chế trong thực tế áp dụng, khắc phục được tình trạng trên thực tiễn có không ít trường hợp cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ buông lỏng kỷ cương, không xử lý kỷ luật dẫn tới hậu quả là khi tiến hành xử lý kỷ luật đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật. Để bảo đảm tính đặc thù trong lĩnh vực giải quyết tố cáo, Dự thảo Luật quy định đặc thù hơn về xử lý kỷ luật người thi hành công vụ để bảo đảm phát huy hiệu quả của tính răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật trên thực tiễn. Với việc quy định cụ thể, rõ ràng về xử lý vi phạm theo Thanh tra Chính phủ sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả hoạt động giải quyết tố cáo, qua đó thể hiện tính nghiêm khắc của pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong quá trình thi hành công vụ.