Trên đỉnh núi Kim Tử ở Phù Lăng, giữa nơi thâm sơn cùng cốc thuộc thành phố Trùng Khánh, có một ống khói cao tới 150m soi bóng xuống dòng Ô Giang, được xây dựng từ mấy chục năm trước, nhưng đến nay chưa bao giờ nhả khói. Ít ai biết rằng, nó là phần nổi cao nhất của một công trình ngầm khổng lồ nằm dưới lòng dãy núi được rừng cây che phủ…
Sản phẩm của Chiến tranh Lạnh
Những năm 1960, khi quan hệ Trung-Xô căng thẳng nhất, Trung Quốc chủ trương xây dựng một lò phản ứng hạt nhân có thể sản xuất được Plutoni dùng cho chế tạo vũ khí hạt nhân và làm nhà kho cất giấu vũ khí, thuốc nổ cho chiến tranh. Các quan chức và công trình sư đã đưa ra quyết định: xây dựng ngầm dưới lòng đất.
Công trình được chính thức khởi công đầu năm 1966, trong suốt 18 năm sau đó, hơn 60 ngàn công nhân được huy động tham gia công việc đầy khó khăn, nguy hiểm này, hàng trăm người đã bị mất mạng. Do ảnh hưởng của “Đại Cách mạng văn hóa”, công việc bị chậm tiến độ; nhưng cuối cùng cũng xây dựng nên một đường hầm nhân tạo lớn nhất thế giới, có thể chịu đựng được động đất mạnh 8 độ richter và sức công phá của bom hạt nhân.
Đến năm 1984, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, công trình đột nhiên bị ra lệnh ngừng xây dựng tiếp khi đã hoàn thành được hơn 85% khối lượng xây dựng và lắp đặt được 60% thiết bị máy móc; sau đó được sử dụng một phần để làm nhà máy sản xuất phân hóa học.
Các nút bấm của hệ thống điều khiển Lò phản ứng |
Sau 26 năm sản xuất phân bón, năm 2010, sản phẩm cổ quái của tư duy thời Chiến tranh Lạnh này lại một lần nữa thay đổi chức năng khi chính phủ quyết định biến nó thành một điểm du lịch. Sau mấy năm tu sửa, tân trang lại một phần của công trình khổng lồ này, tháng 9/2016, chính quyền đã quyết định mở cửa đón khách tham quan khoảng 1/3 công trình…
Công trình hao người tốn của nhưng… vô ích
Được yêu cầu ngừng xây dựng năm 1984, “Công trình 816” đã tiêu tốn 359 triệu USD với hơn 100 người chết trong khi thi công mà vẫn chưa xong. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, không nói đến chuyện giá thành đắt hay rẻ, việc vứt bỏ “Công trình 816” không xây dựng tiếp là một quyết định đúng đắn.
Ông Trương Huy, Nghiên cứu viên cao cấp “Chương trình quản lý hạt nhân” (Project on Managing the Atom) thuộc Đại học Harvard nói: “Công trình 816 chả có bất cứ đóng góp gì cho tổng thể phát triển của Chương trình hạt nhân Trung Quốc cả!”
Tuy nhiên, đối với những người bỏ cả tuổi trẻ để tham gia xây dựng nó thì cảm thấy “đổ vỡ và bất bình”. Ông Trần Hoài Văn, năm nay 68 tuổi, một cựu binh tham gia đào hầm trong thời gian từ 1969 đến 1974 nói: “Lớp lính trẻ chúng tôi đã trả giá rất lớn vì công trình này. Chúng tôi muốn du khách tham quan phải hiểu rõ điều này, nếu không thì công sức và máu của chúng tôi đã đổ ra phí phạm”.
Cổng đón khách vào tham quan 'Công trình 816' |
Ông kể lại, ông cùng rất nhiều đồng đội khi nhập ngũ đều mong được về Bắc Kinh, nhưng kết quả được điều về “Công trình 816” với mức lương (phụ cấp) mỗi tháng chỉ 6 NDT (2,44 USD khi đó) với công việc dùng các máy khoan nhỏ, búa chim và thuốc nổ để phá đá đào hầm.
Các công nhân, binh sĩ đã miệt mài làm việc ngày đêm dưới khẩu hiệu: “Tranh thời gian, đua tốc độ với chủ nghĩa Đế quốc, chủ nghĩa Xét lại và bọn phản động”. Theo số liệu chính thức được công bố, khoảng 100 người đã hi sinh tính mạng vì công trình này, nhưng các cựu binh sĩ như Trần Hoài Văn quả quyết: “Chắc chắn số chết nhiều hơn, điều kiện làm việc khó khăn, khắc nghiệt quá”.
Các tư liệu mới được công khai cho thấy: Sau khi quan hệ Trung – Xô xấu đi, Bộ Công nghiệp cơ khí số 2 đề xuất xây dựng một nhà máy hạt nhân ở vùng Tây Nam với mục đích chính là phục vụ cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Mùa hè năm 1960, Thủ tướng Chu Ân Lai, Chủ nhiệm Ủy ban chuyên trách trung ương đã phê chuẩn việc tiến hành xây dựng “Công trình 816”. Địa điểm được chọn là khu vực gần thị trấn Bạch Đào, Phù Lăng, Tứ Xuyên (nay thuộc Trùng Khánh). Khởi công tháng 2/1966, đảm nhận việc thi công có sư đoàn 54 công binh trực thuộc Quân ủy và “Công ty 22” tập hợp gần 10 ngàn cán bộ nghiên cứu, kỹ sư, công nhân kỹ thuật từ khắp nơi trong cả nước.
Một phần của gian chính |
Nhiệm vụ của họ là phá núi khoan hầm làm nhà xưởng ngầm để xây dựng lò phản ứng nước nặng, sản xuất Plutoni 239 – nguyên liệu quan trọng để chế tạo ra bom nguyên tử, bom khinh khí…Hầu như chỉ trong một đêm, vùng núi hẻo lánh ấy đã đón 20 ngàn lính công binh, trở thành đại công trường với 3 tuyến xây dựng.
Lính công binh chủ yếu phụ trách đào một đường hầm ngầm cực lớn bên dưới núi Tiêm Tử Sơn. Họ chui vào đó làm suốt 8 năm mới được ra ngoài, lần lượt có hơn 60 ngàn người thay nhau thi công.
Để chuẩn bị cho chiến tranh, thiết kế đường hầm còn phải đủ sức chịu đựng sức công phá của bom tấn đánh trực tiếp và sóng xung kích của bom khinh khí đương lượng nổ 1 triệu tấn TNT nổ trên không và chịu được động đất cấp 8. Đường hầm được đúc bằng bê-tông cốt thép với nhiều cột chống bằng đá; bên ngoài cột còn được bọc thép không gỉ để gia cố. Có tới 1/8 lượng thép không gỉ của cả nước thời đó đã được sử dụng cho công trình này.
Sau này khi “Công trình 816” được chuyển thành Liên hiệp nhà máy hóa chất Kiến Phong, trang web của nhà máy cho biết: Nhà máy nằm ở độ sâu khoảng 400m, có chiều dày phía trên 200m, phần trung tâm nhà máy có độ dày 150m.
Để xây dựng công trình, cả quả núi đã bị khoét rỗng tạo thành hang động có 9 tầng với độ cao tổng thể 79.6m, tổng chiều dài 21km. Gian chính đặt Lò phản ứng có diện tích 13 ngàn m2; tổng số 1 triệu 510 ngàn m3 đá đã được đào và đưa ra, nếu xếp số đá đó thành một bức tường tiết diện 1m2 thì có chiều dài tới 1.500km.
Một phần linh kiện máy tính đã bị tháo dỡ |
Xung quanh “Công trình 816” có 19 cửa ra vào dành cho người, cho ô tô, cửa lấy gió, cửa thoát gió, cửa thoát nước thải, các khu nhà kho…Bên trong có 18 hang chính và hơn 130 hang dẫn, hang nhánh, đường hầm. Khi bị ngừng thi công vào năm 1984, một số cửa ra vào đã bị bịt lại, vì vậy đến nay người ta vẫn chưa biết chính xác nó có bao nhiêu cửa cả thảy.
“Công trình 816” luôn được coi là “trọng điểm của trọng điểm”, thuộc loại tuyệt mật. Trước khi trung ương quyết định giải mật, ngay những người xây dựng nó cũng chưa một lần được bước chân vào sảnh chính. Số tiền đã chi cho công trình này là hơn 746 triệu NDT (359 triệu USD) hồi đó, giá trị tương đương 10 tỷ NDT hiện nay.
Nhà máy phân bón, trại nấm rồi …điểm du lịch
Sau khi “Công trình 816” bị ngừng thi công, toàn bộ các đơn vị công binh được chuyển thành dân sự để biến nó thành nhà máy sản xuất phân bón hóa học và trại nuôi nấm, đến 1993 thì đổi tên thành Liên hiệp hóa chất Kiến Phong, Trùng Khánh. Trong quá trình xây dựng “Công trình 816”, có 1 trung đoàn bộ đội làm nhiệm vụ canh gác bên ngoài; sau khi chuyển thành dân sự vẫn có 1 đại đội cảnh vệ bảo vệ cho đến năm 2003 khi nó được giải mật.
Tham quan khu Lò phản ứng |
Sau mấy năm được sửa sang, hiện nay “Công trình 816” đã được mở cửa đón du khách, nhưng hiện khách thăm mới chỉ được chiêm ngưỡng 1/3 toàn bộ công trình khổng lồ này trong khoảng thời gian kéo dài 3 giờ đồng hồ cho mỗi tour với giá vé 50 NDT (165 ngàn VND), nếu du khách không bám sát hướng dẫn viên thì nguy cơ bị lạc là rất cao.
Mặc dù việc mở cửa tham quan cũng hướng tới cả đối tượng người nước ngoài, nhưng do công tác tuyên truyền quảng bá chưa tốt nên đến nay vẫn chưa thu hút được đoàn khách nước ngoài nào…/.