Đường không trải hoa hồng…
Lúc này, ngay khi mà Stringee - nền tảng tiên phong tại Việt Nam cung cấp tính năng nghe, gọi, chat, SMS tích hợp nhanh vào ứng dụng hoặc website của doanh nghiệp - đã “là gì đó” trên thị trường ứng dụng công nghệ Việt, thì Đậu Ngọc Huy vẫn được không ít người nhớ đến với câu chuyện về BomChat.
Đó là câu chuyện được kể từ năm 2012. “Khi đó Viber mới gia nhập thị trường Việt Nam được 12 tháng, Line và Kakao chưa xuất hiện, Zalo thì chưa hoàn thiện xong các tính năng. Tôi thấy ứng dụng Viber khá là hay vì có thể sắp xếp, đồng bộ được danh bạ, và chất lượng dịch vụ khá tốt. Lúc đấy tôi đang làm ở mảng tổng đài chăm sóc khách hàng Viettel, có kinh nghiệm trong VoIP và nhận thấy mình có thể làm ứng dụng không thua Viber” – Đậu Ngọc Huy nhớ lại.
Mang khát vọng muốn xây dựng một ứng dụng của người Việt đánh bại được Viber trên sân nhà, Đậu Ngọc Huy nghỉ việc ở Viettel để bắt tay xây dựng ứng dụng OTT BomChat. “BomChat là giấc mơ lãng mạn nhưng dại khờ” – Huy kể, bởi mong ước đẹp đẽ của Huy và cộng sự đã phải dừng bước khi cuộc chiến giữa các OTT (ứng dụng trên nền Internet) tại Việt Nam gồm Zalo, Kakao Talk, Line quá khốc liệt. “Chúng tôi không có tiền để đổ vào làm marketing trong cuộc đấu với những đối thủ khổng lồ. OTT là cuộc chơi mà ông nào lớn đủ lực sẽ chiếm cả thị trường và không có cơ hội cho những doanh nghiệp nhỏ” – Đậu Ngọc Huy nhớ lại.
Sau “cú vấp ngã” BomChat, Đậu Ngọc Huy và các đồng sự lại phát triển thêm một nền tảng lập trình chuyên về chat. “Nhưng có một vài sai lầm trong phát triển sản phẩm khi đóng gói toàn bộ APIs và giao diện vào một bộ SDK. Thực tế mỗi khách hàng có một yêu cầu giao diện riêng, tuy nhiên do mình đóng gói nên khách hàng không thể tự tùy chỉnh giao diện chat theo ý họ” – Huy kể - “Với tính năng chat, lúc đó nhiều công ty nghĩ có thể làm được nên chi phí họ trả rất rẻ, không đủ để vận hành dịch vụ. Chúng tôi không bán được sản phẩm này và sau một thời gian hết tiền thì phải chuyển hướng khác”.
Nhưng thất bại đó không trôi qua vô ích, mà nó đã “tặng” cho Huy và đồng sự những bài học đáng giá trên con đường kinh doanh. Huy kể: “Sau đó, chúng tôi lại nhận được những yêu cầu của khách hàng muốn đặt hàng xây dựng các tính năng, gọi thoại, gọi hình, SMS trên ứng dụng của họ để kết nối với khách hàng. Nhận thấy nếu xây dựng ứng dụng có thể chat, thoại, video call, SMS cho người dùng cuối phải có rất nhiều tiền, mà với nguồn lực của một doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đó là câu chuyện bất khả thi, vì vậy chúng tôi quyết định xây dựng một nền tảng lập trình để giúp các lập trình viên, doanh nghiệp có thể tích hợp nhanh chóng tính năng nghe, gọi, chat, SMS vào ứng dụng hoặc website của mình”.
Trở lại với một “người tiên phong”
Huy và đồng sự phải mất 6 năm để nghiên cứu công nghệ làm sao cho chất lượng thoại và video call tốt nhất khi tích hợp vào ứng dụng, web của doanh nghiệp mà các doanh nghiệp khác khó có thể làm được ngay. Sau khi chuẩn bị đủ các điều kiện, tháng 6/2017, Đậu Ngọc Huy và các bạn lại khởi nghiệp với Công ty Stringee.
“Ý tưởng của chúng tôi xây dựng Stringee không phải là ứng dụng hoàn chỉnh cho người dùng cuối. Stringee là nền tảng tiên phong tại Việt Nam cung cấp tính năng nghe, gọi video call, chat, SMS cho các doanh nghiệp tích hợp các tính năng này vào ứng dụng, web của mình để có thể hỗ trợ khách hàng” – Huy nói. Hiện nay đã có khoảng 50 doanh nghiệp vừa và lớn đang sử dụng giải pháp Stringee. Ví dụ, VOV đang có ứng dụng VOV Bác sĩ 24 cho phép bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân theo mô hình của Uber trong ngành y tế, theo đó, bác sĩ rảnh có thể vào ứng dụng này để đăng ký khám qua video call, còn bệnh nhân có thể vào ứng dụng này để chọn bác sĩ khám theo yêu cầu của mình và phải trả mỗi lần khám là 100.000 đồng. Ngoài ra, Công ty MISA, Siêu thị MediaMart cũng dùng nền tảng Stringee để hỗ trợ người dùng gọi lên tổng đài rất hiệu quả.
Công ty phần mềm MISA đang sử dụng nền tảng Stringee để kết nối với khách hàng. |
Cho đến thời điểm này, trên thị trường Việt Nam chỉ có duy nhất Stringee cung cấp đầy đủ tính năng chat, thoại, SMS, video call, còn một số công ty khác thì có thể chỉ cung cấp được chat, SMS. “Chúng tôi nhắm đến đối tượng khách hàng là những doanh nghiệp vừa và lớn, nhưng chủ yếu là công ty vừa. Những công ty này có thể trả cho Stringee khoảng 5.000 đến 10.000 USD/năm, hoặc 1.000 USD/tháng. Đây là những công ty có ứng dụng, website riêng cần tích hợp các tính năng voice, video, SMS vào hệ thống của mình. Các công ty này cũng không quá lớn để bỏ nguồn lực ra tự xây dựng các tính năng trên. Các công ty nhỏ thì thường không có ứng dụng, website riêng hoặc có thì doanh thu mang lại cho Stringee cũng không cao” – Huy nói về “con đường” kinh doanh mà ứng dụng Stringee nhắm tới.
Đối tượng khách hàng của Stringee hiện là các công ty làm về tổng đài cần một ứng dụng (app), ví dụ như CS Call cần app cho tư vấn viên khi nghe máy của khách hàng. Cái app này để nhận điện thoại đến app và từ app gọi đến các số điện thoại. Đối tượng thứ hai là cung cấp Platform cho người dùng. Platform thì có thể là y tế với bác sĩ và bệnh nhân, hoặc luật sư cho luật sư với người cần tư vấn luật, hoặc app học tập trực tuyến kết nối giữa gia sư với học sinh… Đối tượng thứ ba là các trang thương mại điện tử, cũng cần kết nối giữa người mua, người bán và tổng đài.
Khát vọng dẫn đầu Đông Nam Á
Thực ra, trên thị trường công nghệ thế giới, mô hình kinh doanh kiểu Stringee không phải là mới. Tại Mỹ cũng có công ty phát triển nền tảng này và có giá trị công ty đến cả tỷ USD. Mô hình kinh doanh Stringee phải có sự hỗ trợ của các nhà mạng ở địa phương để nhận diện được số điện thoại khi gọi từ app, web đến số điện thoại của khách hàng. “Vì vậy, phải “đánh” dần từng thị trường nên trong cuộc chơi này ai nhanh chân hơn sẽ thắng. Stringee đang nhắm đến Đông Nam Á bởi thị trường này rất tiềm năng và hiện tại có ít đối thủ, trong khi Stringee có lợi thế là hoàn thiện về công nghệ và tính năng hơn” – Đậu Ngọc Huy chia sẻ.
Tuy nhiên, quê nhà vẫn là nền tảng vững chắc cho khát vọng vươn xa. “Mục tiêu của chúng tôi trong năm nay sẽ tập trung ở thị trường Việt Nam bởi Stringee hiện là nền tảng nội địa duy nhất cung cấp tính năng này, vì vậy chúng tôi hy vọng đến cuối năm 2018 sẽ chiếm lĩnh thị trường trong nước để chuẩn bị cho bước tiến ra nước ngoài, ví dụ Indonesia, Philippine, Thái Lan…” – Huy cho biết.
Hiện, xét về tổng quan, thị trường toàn cầu đối với phân khúc này khoảng 8 tỷ USD và ở khu vực Đông Nam Á cũng phải khoảng nhiều trăm triệu đô. Stringee có một số thuận lợi, thứ nhất là các đối thủ lớn ở Mỹ gặp rào cản nên không thể nhanh chóng triển khai ra nước ngoài mà phải đi từng bước. Thuận lợi thứ hai là trong khu vực, Stringee có rất ít đối thủ. Đậu Ngọc Huy và các cộng sự ở Stringee cho rằng, hai điểm đấy là thuận lợi lớn để nếu họ đi nhanh có thể chiếm được thị trường cả trong nước và thị trường ASEAN.
“Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành công ty lớn nhất trong lĩnh vực này tại thị trường Đông Nam Á và có giá trị công ty hàng trăm triệu USD sau 5 - 6 năm nữa” – chàng trai trẻ tự tin cho biết.