Sri Lanka cũng có 'cả họ làm quan'

Ông Mahinda Rajapaksa
Ông Mahinda Rajapaksa
(PLO) - Rajapaksa là một trong những gia tộc quyền lực nhất ở Sri Lanka, thống trị chính trường nước này suốt một thời gian dài. Thời kỳ ông Mahinda Rajapaksa làm tổng thống, hầu hết các vị trí quan trọng trong chính quyền đều do các thành viên trong gia đình ông nắm giữ, đến mức chính phủ Sri Lanka được ví như một doanh nghiệp của gia đình họ. 

Gia đình trị

Rajapaksa vốn là một dòng họ giàu có, sở hữu nhiều đất đai ở làng Giruwapattuwa thuộc thành phố Hambantota, miền nam Sri Lanka. Gia tộc này bắt đầu gia nhập chính trường Sri Lanka vào năm 1936, khi một người trong họ tên Don Mathew Rajapaksa được bầu làm đại diện thành phố trong Hội đồng nhà nước Sri Lanka. 

Trong suốt 3 thập kỷ sau đó, dòng họ Rajapaksa thống trị chính trường Hambantota với nhiều thành viên được bầu vào Quốc hội Sri Lanka. Gia tộc Rajapaksa tiếp tục trở thành một lực lượng chính trị hùng mạnh ở Hambantota khi ông Mahinda Rajapaksa và anh trai được bầu vào Quốc hội vào năm 1989. 

Chiến thắng tại cuộc bầu cử này cũng đưa ông Mahinda trở thành chính khách trẻ tuổi nhất trong Quốc hội Sri Lanka. Tại cuộc bầu cử sau đó, gia tộc Rajapaksa tiếp tục có thêm 3 thành viên được bầu vào cơ quan lập pháp Sri Lanka. 

Mặc dù liên tục thống trị chính trường Hambantota nhưng trên chính trường quốc gia, dòng họ Rajapaksa vẫn phải “chia lửa” với các dòng họ khác như Senanayakes và Bandaranaikes. Phải đến năm 2005, khi ông Mahinda Rajapaksa được bầu làm tổng thống Sri Lanka thì mọi việc mới thay đổi. 

Kể từ đó, các thành viên trong gia đình Rajapaksa liên tục được đưa vào các vị trí cấp cao trong chính quyền. Chỉ ít lâu sau khi lên nắm quyền, ông Mahinda đã bổ nhiệm em trai Gotabhaya Rajapaksa làm bộ trưởng bộ quốc phòng. Một người em trai khác của ông Mahinda là ông Basil Rajapaksa trở thành cố vấn cấp cao của tổng thống. 

Năm 2010, ông Mahinda Rajapaksa tái đắc cử tổng thống Sri Lanka. “Đế chế” Rajapaksa từ đó càng trở nên hùng mạnh hơn. 4 anh em của gia đình Rajapaksa trở thành những người được cho là nắm toàn quyền điều hành ở Sri Lanka, với Tổng thống Mahinda Rajapaksa ở vị trí cao nhất. 

Người em trai Gotabhaya với việc tiếp tục được bầu làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng quyền lực chẳng kém gì anh trai. Người em út của tổng thống Basil trên cương vị Bộ trưởng phát triển kinh tế trở thành người chịu trách nhiệm tái thiết khu vực miền nam Sri Lanka sau cuộc chiến giữa Chính phủ và tổ chức Những con hổ giải phóng Tamil. Ông Basil cũng xuất hiện thường xuyên bên người anh trai tổng thống tại những sự kiện thông đường hay mở trường ở Sri Lanka.

Không chỉ vậy, về mặt lý thuyết, Quốc hội và nhánh hành pháp có quyền lực tách biệt nhau nhưng trên thực tế, thời gian ông Mahinda giữ chức Tổng thống Sri Lanka, anh trai cả của ông là ông Chamal Rajapaksa cũng trở thành Chủ tịch Quốc hội. 

Ngoài những người này, nhiều thành viên khác trong gia tộc Rajapaksa cũng được bổ nhiệm vào giữ các vị trí cấp cao trong các cơ quan của nhà nước. Ví dụ, con trai của tổng thống là Namal Rajapaksa được bầu vào quốc hội, trở thành dân biểu của thành phố Hambantota vốn được xem là địa bàn cơ sở của cha. Là con cả của tổng thống, trong suốt một thời gian dài, Namal được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành người thừa kế của cha. 

Những thành viên trong họ Rajapaksa “làm quan” còn có thể kể đến là người cháu trai Shashindra Rajapaksa làm Thủ hiến tỉnh Uva. Ông Shameendra Rajapaksa – con trai thứ 2 của Chủ tịch Quốc hội Chamal Rajapaksa – được bổ nhiệm làm Giám đốc hãng hàng không quốc gia Sri Lanka Sri Lankan Airlines còn chức Chủ tịch hãng hàng không này do một người em rể của tổng thống là Nishantha Wickramasinghe nắm giữ. 

Năm 2008, một người cháu của tổng thống là Jaliya Wickramasuriya – vốn là một doanh nhân chuyên kinh doanh trà – được bổ nhiệm làm đại sứ của Sri Lanka tại Mỹ. Một người cháu khác cũng xuất thân từ một doanh nhân của ông Mahinda là Udayanga Weeratunga cũng được bổ nhiệm làm đại sứ Sri Lanka tại Nga vào năm 2006. Chưa dừng lại ở đó, một người cháu nữa của tổng thống Prasanna Wickramasuriya đã trở thành chủ tịch của Công ty dịch vụ hàng không Sri Lanka.

Với việc có người giữ những vị trí cao như vậy, nhiều người cho rằng gia tộc Rajapaksa đã thực sự trở thành thế lực kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống của người dân Sri Lanka, biến chính phủ Sri Lanka trở thành một doanh nghiệp gia đình. 

Minh họa các vị trí mà người thân của ông Mahinda nắm giữ trong chính phủ
Minh họa các vị trí mà người thân của ông Mahinda nắm giữ trong chính phủ

Theo thống kê, chỉ riêng gia tộc Rajapaksa đã nắm quyền kiểm soát hơn 56% tổng ngân sách hàng năm của Sri Lanka. Thậm chí, có thời điểm, các thành viên trong gia đình Rajapaksa kiểm soát đến 70% ngân sách của đất nước. Còn theo số liệu năm 2014, họ là những người có quyền phân bổ 47% ngân sách quốc gia. Trong thời gian này, chính phủ của ông Rajapaksa cũng đã sửa đổi hiến pháp để loại bỏ quy định 2 nhiệm kỳ đối với tổng thống. 

Việc bổ nhiệm các thành viên trong gia đình vào các vị trí có quyền ra những quyết định quan trọng như vậy đã khiến ông Mahinda vấp phải những chỉ trích độc tài, tập quyền, gia đình trị, khiến các nhánh trong hệ thống chính trị không thể đảm nhiệm được vai trò của mình. Bản thân các thành viên trong gia đình tổng thống bị cáo buộc có hành vi tham nhũng quy mô lớn, không tuân thủ luật pháp và quản trị kém. 

Cú ngã đau đớn

Những chỉ trích nhằm vào ông Mahinda càng ngày càng nhiều và đỉnh điểm là tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2015, ông đã bị cựu Bộ trưởng Y tế Maithripala Sirisena đánh bại. 

Sự kiện này được xem là dấu mốc chấm dứt “kỷ nguyên Rajapaksa” trong nền chính trị Sri Lanka. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống mới của Sri Lanka Maithripala Sirisena đã tiến hành một chương trình 100 ngày để thành lập các ủy ban độc lập nhằm tìm cách để giải phóng các lĩnh vực quản trị chính khỏi ảnh hưởng chính trị của gia tộc cựu tổng thống. 

Cơ quan phòng chống tham nhũng của Sri Lanka từ đó đã bắt đầu mở cuộc điều tra về cáo buộc tham nhũng đối với cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa và các thành viên trong gia đình của ông này. Gia đình Rajapaksa bị cáo buộc đã sử dụng sai mục đích công quỹ, trong đó có cáo buộc sử dụng trái phép các nguồn lực của Lực lượng không quân Sri Lanka trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Mahinda, gây thiệt hại công quỹ hơn 17.000 USD. 

Ngoài ra, họ còn bị cáo buộc đã rửa tiền khi chuyển tổng cộng 5,31 tỉ USD ra khỏi đất nước bất hợp pháp thông qua Ngân hàng trung ương Sri Lanka do một đồng minh thân cận của ông Mahinda làm Thống đốc. 

Chính quyền Seychelles đã tuyên bố sẽ hỗ trợ chính phủ Sri Lanka trong việc tìm kiếm các khoản tiền mà gia đình cựu tổng thống đã chuyển ra các tài khoản ngân hàng ở thiên đường thuế này. Chính phủ Sri Lanka sau đó cũng đã đề nghị Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế giúp xác định tung tích của khối tài sản của gia đình cựu tổng thống được cho là đang được giấu ở nước ngoài. 

Các thành viên trong gia đình cựu Tổng thống Mahinda từ năm 2015 đến nay đã mất hết các vị trí cấp cao trong chính phủ. Một số người đã bỏ trốn ra nước ngoài để tránh bị bắt giữ về các cáo buộc tham nhũng và bị khởi tố về những sai phạm của họ. 

Quan điểm cho rằng dòng họ này là bất khả xâm phạm bị phá vỡ khi người cựu Bộ trưởng phát triển kinh tế Basil bị bắt giữ năm 2015 vì cáo buộc tham ô và một số cáo buộc khác. Đến tháng 1/2016, con trai thứ 2 của ông Mahinda là Yoshitha đã bị bắt giữ vì cáo buộc rửa tiền. 

Đầu tháng 7/2016, con trai cả của ông Mahinda Rajapaksa là Namal Rajapaksa, 32 tuổi cũng bị bắt vì cùng cáo buộc với em trai, trở thành thành viên thứ 3 trong gia tộc Rajapaksa bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng chỉ trong vòng 18 tháng kể từ khi ông Mahinda “rớt đài”. 

Theo cơ quan công tố Sri Lanka, ông Namal đã nhận 480.000 USD từ một công ty bất động sản để đổi lấy việc vận động cha và những người thân của mình ưu ái cho công ty này. Ông ta được cho là có đến hàng triệu USD ở các tài khoản ở nước ngoài. Ngoài ra, cựu đệ nhất phu nhân Shiranthi Rajapaksa và cựu bộ trưởng quốc phòng Gotabhaya Rajapaksa cũng đang bị điều tra về hàng loạt cáo buộc, trong đó có cáo buộc tham ô. Bản thân ông Mahinda cũng đã vài lần bị triệu tập để thẩm vấn.

Phát biểu hồi tháng 1 vừa qua, người phát ngôn Chính phủ Sri Lanka Rajitha Senaratne khẳng định cuộc điều tra về các tài khoản bất hợp pháp của gia đình Rajapaksa cũng như các sai phạm của họ vẫn đang được tiến hành và sẽ sớm được công bố.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.