Diễn biến của bệnh sốt xuất huyết ngày càng phức tạp với nhiều biến chứng đa dạng, nguy hiểm. Từ sốt xuất huyết, trẻ dễ có nguy cơ bị suy hô hấp, suy gan, rối loạn đông máu, rối loạn tri giác nặng... dẫn đến tử vong.
Biến chứng nguy hiểm
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, tính từ đầu tháng 9 tới nay, BV đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhí mắc sốt xuất huyết. Trong đó có 4 trường hợp điển hình bị sốc sốt xuất huyết biến chứng nguy hiểm.
Bé gái V. T. B. H, 7 tuổi đến từ Bến Lức- Long An nhập viện Nhi đồng 1 trong tình trạng sốt cao, đau bụng, nôn ra dịch màu nâu, tay chân lạnh. Bé được các bác sỹ cho truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu để cầm máu xuất huyết tiêu hóa nhưng do lại bị tràn dịch màng bụng, màng phổi gây ra suy hô hấp nặng. Các bác sỹ phải tích cực chọc dò màng phổi và hỗ trợ cho H. để em có thể thở tốt hơn. Sau một tuần điều trị, hiện tình trạng em đã ổn định.
Nên sớm nhận biết các dấu hiệu của sốt xuất huyết để kịp thời đưa trẻ tới bệnh viện |
Cũng với những biểu hiện như bé H., bé gái V. Y. B. 10 tuổi, (sống tại Đầm Dơi, Cà Mau) được chuyển đến với chẩn đoán sốt xuất huyết tổn thương gan nặng. Người nhà bé B. Cho biết, bé bị sốt cao liên tục trong 4 ngày kèm nhức đầu, ói mửa, đến ngày thứ 5 bé mệt, đau bụng, tay chân lạnh được gia đình đưa đến bệnh viện. Tại BV Nhi Đồng 1, bé được các bác sĩ chẩn đoán sốc sốt xuất huyết và bị tổn thương gan nặng, và được điều trị tích cực theo phác đồ nên đã hồi phục lại sức khỏe.
Nặng hơn hai trường hợp trên, mới đây, BV Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận bé trai 7 tuổi tên là Đ. C. T. sống tại Lấp Vò, Đồng Tháp, vì bị sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ 9 biến chứng suy đa cơ quan và được đưa tới bệnh viện địa phương chữa trị. Mặc dù bé T. đã được các bác sĩ tại đây điều trị tích cực nhưng thay vì đến ngày thứ 7,8 trẻ phục hồi sức khỏe thì T. lại biểu hiện suy thận cấp, tổn thương, suy gan, hôn mê, tổn thương phổi nên các bác sĩ hội chẩn và chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 1.
Tại đây, T. được tiếp tục điều trị tích cực hỗ trợ hô hấp thở máy, điều chỉnh rối loạn đông máu và được êkíp lọc máu tiến hành lọc máu liên tục 2 đợt. Kết quả gần 2 tuần điều trị, tình trạng T. cải thiện dần, tỉnh táo và cai được máy thở.
Ngoài ra, còn có trường hợp bé trai C. Th. Kh. 6,5 tháng tuổi, (sống tại Qui Nhơn, Bình Định) cũng bị sốc sốt xuất huyết biến chứng suy hô hấp nặng.
Bệnh nặng vì chủ quan
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y Tế), trong 6 tháng đầu năm 2011 cả nước có trên 15.000 người mắc sốt xuất huyết, với 11 trường hợp tử vong. Đáng chú ý là, nếu như mọi năm trước, dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện nhiều ở khu vực miền Nam, thì trong năm nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại miền Bắc và miền Tây tăng khá cao. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 – Tp.HCM mỗi ngày cũng phải tiếp nhận từ 7-10 bệnh nhân mắc SXH. Bệnh viện nhiệt đới Trung ương (tại Hà Nội) mỗi ngày cũng tiếp nhận từ 5-7 bệnh nhân. Tại miền Tây, bệnh sốt xuất huyết cũng tăng mạnh với trên 4.250 ca từ đầu năm tới nay.
Tuy sốt xuất huyết ngày càng có nhiều biến chứng đa dạng và nguy hiểm, diễn biến lại rất phức tạp nhưng những biểu hiện ban đầu của bệnh rất giống với sốt, viêm họng, sổ mũi hay các bệnh đường tiêu hóa thông thường nên các gia đình hay chủ quan, đưa bệnh nhân đến viện chậm trễ (sau 4-5 ngày mắc bệnh) khiến bệnh có biến chứng xấu.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi thấy con em mình sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện: Bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; Đau bụng, ói; Tay chân lạnh; Lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống.
Ngoài ra, để phòng bệnh sốt xuất huyết, cần dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thông thoáng, đặc biệt phải thay nước bình hoa, chậu cây cảnh, hòn non bộ, tránh để nước tù đọng tạo điều kiện cho muỗi phát sinh. Bên cạnh đó, tuyệt đối không nên để trẻ chơi ở góc tối trong nhà dễ bị muỗi đốt; cần mắc màn cho trẻ ngủ ở những nơi nhiều muỗi.
Theo An Ninh Thủ Đô